Tại sao giới trẻ thờ ơ với bạo lực học đường?

Thời gian gần đây tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng một cách nghiêm trọng. Liên tiếp những vụ việc đau lòng như ở Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh…đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong tư duy, tính cách của giới trẻ hiện nay.

Text up web

Không khó để thấy những clip học sinh đánh nhau trên mạng. Chỉ cần thao tác đơn giản, Google search đã cho ra 2.250.000 kết quả chỉ trong 0,26s. Trong đó, thái độ bàng quan, thờ ơ của những người đứng xem mà phần đông là các bạn trẻ chính là điều đáng lo ngại nhất.

Em Ngô Minh Đạo – Học sinh trường THCS Tân Mai

“Em thì em thấy chuyện đó bình thường thôi, , chuyện đấy là chuyện trường nào cũng có. Trường em có rất nhiều vụ đánh nhau vì chuyện cỏn con ví dụ không nhắc bài bạn, rồi đánh nhau, phụ huynh đến.”

Em Bùi Gia Nhật Minh – Học sinh trường THCS Tân Mai

“Sợ chị ạ, sợ dính vào bị đánh, như em có 1 lần vào bị đấm 1 phát vào mặt, sợ lắm chị ạ. Rất sợ vào can rồi bị vạ lây, bị kéo vào cuộc đánh nhau ấy.”

Em Vũ Phương Nam – Học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng

“Về việc sử dụng internet, các bạn quay video về vụ này, những bạn khác xem sẽ học theo.”

Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng học sinh đa phần sẽ can thiệp vào những cuộc ẩu đả nếu như đó là người thân trong gia đình hay bạn bè thân thiết, còn những đối tượng khác, các em cho rằng đó không phải trách nhiệm của mình

Tiến sĩ Lê Thu Thủy – Khoa Công tác xã hội – Học viện Thanh thiếu niên

“Không chỉ trẻ em chúng ta để ý ngay ở ngoài đường cũng thế một vụ ẩu đả xô xát ở ngoài đường mọi người cũng không can ngăn. Nhiều trường hợp bố mẹ cũng sẽ dặn con cái thấy một cuộc ẩu đả, đánh nhau tốt nhất nên chạy xa, trên thực tế có nhiều người bị vạ lây. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hỗ trợ, giúp đỡ ai đó khi họ rơi vào tình huống yếu thế, rất có thể 1 lúc nào đó chúng ta sẽ rơi vào tình huống tương tự.”

Trong bài học đầu tiên của sách Ngữ văn 7 có câu “…bước qua cánh cổng trường là thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Trường học vốn là nơi học sinh có thể tin cậy và tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính bạn bè và thầy cô thì giờ đây lại trở thành nỗi ám ảnh với nhiều em. Tiếp tục sợ hãi, bao che, thờ ơ trước bạo lực học đường hay dũng cảm đứng lên đấu tranh, bài trừ cái xấu đó là phụ thuộc ở chính các em.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/tai-sao-gioi-tre-tho-o-voi-bao-luc-hoc-duong