Tại sao hòa đàm Astana 10 về Syria lại đổi địa điểm sang Nga?

Tổng thống Ai Cập cũng hé lộ thêm về vai trò của nước này trong quá trình giải quyết khủng hoảng Syria.

Phát biểu tại một diễn đàn dành cho giới trẻ ở thủ đô Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Sisi cho biết, nước này đang cố gắng thiết lập các điều kiện để phe đối lập ôn hòa tại Syria có thể đàm phán thành công với chính phủ.

“Tại Syria, chúng tôi đang nỗ lực, thông qua việc giúp đỡ các lực lượng đối lập, kiến tạo các điều kiện để họ có thể tìm được sự thấu hiểu chung với chính phủ Syria. Đây không phải là một vai trò đơn giản, nhưng cũng đầy danh dự và tích cực”, Tổng thống Sisi nói hôm chủ nhật (30/7).

Ông chia sẻ thêm, Cairo phản đối những nhóm vũ trang hiện diện, bởi vì “đó là một trong những yếu tố gây bất ổn”. “Điều này liên quan tới Syria, Libya, Iraq, Ymen, Somalia, bất kỳ quốc gia nào”, ngài Tổng thống khẳng định. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng, cuộc bầu cử Libya sẽ diễn ra trong năm nay đúng với dự kiến.

Trước đó, theo Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Cairo hỗ trợ cho việc giải quyết khủng hoảng Syria thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời ủng hộ tiến trình hòa bình Geneva như một giải pháp khả thi. Ai Cập cho rằng, chỉ có đối thoại, thương lượng và tiến trình hòa bình mới có thể khôi phục ổn định trong khu vực.

Một phiên họp theo thể thức Astana diễn ra vào tháng 3/2017 (ảnh: Sputnik)

Trong khi đó, hôm thứ Hai (30/7), đại diện của các quốc gia bảo trợ cho lệnh ngừng bắn Syria là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp gỡ tại thành phố Sochi (Nga) nhằm thảo luận các vấn đề liên quan tới việc thành lập ủy ban hiến pháp Syria, các vùng giảm leo thang cũng như cứu trợ nhân đạo, bao gồm tăng cường các biện pháp tạo niềm tin và đưa người tị nạn về lại quê hương.

Chín cuộc gặp trước theo thể thức Astana đều diễn ra tại thủ đô của Kazakhstan. Theo Đặc phái viên của Tổng thống về Syria, Alexander Lavrentyev, cũng là người dẫn đầu đoàn đại biểu Nga, hòa đàm lần thứ 10 được tổ chức tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi nhằm thể hiện một khía cạnh mới của tiến trình hòa bình Astana, đó là “thay đổi trọng tâm sang chính trị và nhân đạo”.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/tai-sao-hoa-dam-astana-10-ve-syria-lai-doi-dia-diem-sang-nga-353725.html