Tại sao Hoa Kỳ không nên đặt căn cứ quân sự gần biên giới Nga?

Với số lượng căn cứ quá nhiều xung quanh Nga như hiện nay, việc Hoa Kỳ triển khai thêm một căn cứ quân sự ở Ba Lan, nước láng giềng của Nga, càng khiến Moscow khó chịu, và tất nhiên trong trường hợp này việc Nga đáp trả là điều khó tránh.

Lính Ba Lan và Mỹ trong thời gian tập trận chung

Chuyên gia của tạp chí National Interest (Hoa Kỳ), ông Doug Bandow, trong một bài báo mới được đăng tải, cho biết việc Mỹ có thể sẽ triển khai căn cứ quân sự Fort Trump ở Ba Lan là một ý tưởng tồi tệ đối với cả Hoa Kỳ và châu Âu.

Theo ông, việc triển khai căn cứ không có ý nghĩa – bởi hiện giờ hầu như không còn ai tin rằng Nga vẫn muốn tấn công Ba Lan. Thêm vào đó, ông Bandow nhắc lại vấn đề ở đây chính là sức mạnh hạt nhân.

Chuyên gia tin rằng việc thành lập ra một căn cứ quân sự mới sẽ làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu giữa Moscow và Washington. Theo ông, Nga đã có lý do bất mãn, ví dụ như việc mở rộng NATO và sự can thiệp của Mỹ vào các chính sách của các quốc gia khác. "Nếu Nga hành xử theo cách này ở Canada hoặc Mexico, Washington sẽ phản ứng tức thì và mạnh mẽ", ông nói.

Tác giả bài báo nhận định việc bôi nhọ Moscow cũng như tâm lý bài Nga đang đẩy Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Ngoài ra, chuyên gia Bandow còn cho rằng chính bản thân châu Âu cũng có thể tự duy trì khả năng phòng thủ của mình.

Trước đó, Ba Lan đã đề nghị Hoa Kỳ triển khai một đơn bị xe bọc thép tại nước này, mọi chi phí khoảng 2 tỉ USD do Warsaw tự chi trả. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố, Washington vẫn đang xem xét khả năng thành lập một căn cứ quân sự.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu lưu ý bước đi này không góp phần tăng cường an ninh khu vực, thậm chí nó còn buộc Moscow phải áp dụng các biện pháp trả đũa.

Được biết, hiện Hoa Kỳ có hơn 800 căn cứ quân sự, hiện diện quân sự ở hơn 160 quốc gia trên thế giới. Theo các số liệu thống kê, có hơn 400 căn cứ và các cứ điểm đóng quân khác nhau của Mỹ-NATO nằm xung quanh nước Nga, lập thành một vòng vây chặt chẽ, đang siết chặt quanh Moscow.

Mặc dù Chiến tranh Thế giới II đã kết thúc từ 70 năm trước, mối nguy cơ quân sự từ Liên Xô và khối Warszawa cũng đã mất đi, tuy nhiên chính phủ hiện nay của ông Donald Trump không tìm cách giảm số lượng căn cứ, mà trái lại, đang cho xây dựng thêm.

Trí Đức (Lược dich)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tai-sao-hoa-ky-khong-nen-dat-can-cu-quan-su-gan-bien-gioi-nga-post280342.info