Tại sao không thể dùng app đo tiếng ồn để xử lý ô nhiễm từ karaoke?

Luật sư cho rằng việc sử dụng ứng dụng di động (app) thay thế thiết bị chuyên dụng để đo tiếng ồn là không đúng luật. Sở KHCN thì nhận định app sẽ cho kết quả không chính xác.

Mới đây, một chủ tịch phường đã đề xuất với UBND TP.HCM phát triển ứng dụng đo tiếng ồn trên điện thoại để giải quyết tình trạng hát karaoke gây ô nhiễm. "Tôi kiến nghị thành phố sử dụng ứng dụng đo decibel (dB). Sở Khoa học Công nghệ có thể làm được ứng dụng ghi nhận mức tiếng ồn tại hiện trường để có căn cứ xử lý. Cán bộ có trách nhiệm chỉ cần cài phần mềm là xử lý được", vị này kiến nghị.

Dù ý kiến trên được một bộ phận người dân ủng hộ vì cách làm mới và dễ dàng, sáng kiến này không nhận được sự đồng tình của chuyên gia cũng như cơ quan chuyên môn.

Không thể áp dụng

Từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) thẳng thắn nhìn nhận sáng kiến này là "không thể áp dụng", trừ khi pháp luật thay đổi.

Theo luật sư, nguyên tắc cơ bản trong xác định vi phạm với trường hợp âm thanh vượt quá mức cho phép cũng giống như sai phạm về tốc độ, ánh sáng (đèn xe bị mờ), lốp xe mòn... Tất cả đều phải đo bằng thiết bị chuyên dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, khi nào pháp luật cho phép sử dụng ứng dụng đo độ ồn trên thiết bị di động làm căn cứ xử phạt thì mới có thể thực hiện được.

"Theo tôi, dù có bức xúc, bất bình thì cũng phải tuân thủ theo quy định pháp luật khi xử lý vi phạm chứ không thể cảm tính hoặc thiếu căn cứ để xử phạt", luật sư Công nhận định.

 Hát karaoke bằng loa kẹo kéo là vấn nạn tồn tại nhiều năm tại TP.HCM. Ảnh: Hải An.

Hát karaoke bằng loa kẹo kéo là vấn nạn tồn tại nhiều năm tại TP.HCM. Ảnh: Hải An.

Có quan điểm tương tự, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ việc phát triển ứng dụng (app) không khó, thậm chí không cần làm vì hiện nay đã có nhiều ứng dụng làm sẵn. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở quy định.

Quy định Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vi phạm tiếng ồn là cơ quan có chức năng phải đo bằng thiết bị chuyên dụng được công nhận đạt kiểm định của Nhà nước.

"Đó là chuẩn để xử phạt. Nếu người dân ai cũng muốn tự đo rồi đòi phạt thì không cán bộ nào dám làm cả vì rất có thể bị kiện ngược lại. Nếu ông chủ tịch phường mang điện thoại đến đo và phạt dựa vào kết quả trên app thì người dân cũng có thể kiện liền vì quy định không cho phép điều đó", TS Nguyễn Việt Dũng chia sẻ quan điểm.

Về mặt khoa học, ông Dũng cho rằng việc phát triển một ứng dụng riêng cũng rất khó được công nhận đạt kiểm định. Nguyên nhân là độ chính xác của những ứng dụng này phụ thuộc rất lớn vào phần cứng điện thoại. Trong khi hiện nay, điện thoại có rất nhiều loại khác nhau và chênh lệch chất lượng cũng rất lớn.

"Cùng một phần mềm đó, vô điện thoại Iphone khác, vô điện thoại Xiaomi lại khác. Hay cùng một loại điện thoại thì cái mới khác, cái xài 3 năm lại khác. Ví dụ, điện thoại có một tấm màn để đo độ rung của tiếng ồn và xác định dB. Tuy nhiên, tấm màn này của điện thoại cũng có thể 'lão hóa' giống như con người cho nên kết quả không chuẩn", ông Dũng so sánh.

Theo chuyên gia, ngay cả thiết bị chuyên dụng cũng cần kiểm định chất lượng hàng năm, do đó, tính chính xác của những ứng dụng trên điện thoại là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết nếu Sở Tài nguyên Môi trường mong muốn phát triển ứng dụng này, Sở Khoa học Công nghệ cũng sẵn sàng phối hợp.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Đề xuất giải pháp, luật sư Công cho rằng để xử lý tiếng ồn, đặc biệt là tình trạng “hung thần karaoke loa kéo” như hiện nay, cần tăng cường việc vận động đối với hàng xóm của các hộ gia đình/cá nhân thường xuyên sử dụng hoạt động này.

"Dù là ai thì họ cũng sống có hàng xóm láng giềng, sẽ không vui vẻ gì khi hàng xóm liên tục than phiền và nhiều người cùng lên tiếng trong khoảng thời gian ngắn", ông Công đề xuất.

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng mức xử phạt với hành vi vi phạm tiếng ồn (trong khoảng thời gian từ sau 22h đến 6h sáng hôm sau) chỉ khoảng 100.000-300.000 đồng là hoàn toàn không đủ sức răn đe, giáo dục (theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Ông Công nhận định mức tiền phạt thấp như vậy rất khó để cá nhân vi phạm “e dè”.

"Cần sửa đổi quy định này theo hướng tăng mức tiền phạt bởi tính răn đe của chế tài xử phạt vi phạm hành chính, nhất là đối với hình phạt phạt tiền, chỉ có tác dụng khi tác động trực tiếp đến túi tiền của họ", luật sư Công kiến nghị.

Người dân thường hát karaoke tại các quán ăn vỉa hè, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Ảnh: Thư Trần.

Là một người dân TP.HCM, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Nguyễn Việt Dũng cũng không tránh khỏi việc bị tra tấn bởi "hung thần karaoke". Suốt nhiều năm, chính ông cũng phải "bó tay" trước tình trạng này.

Theo ông Dũng, để giải quyết vấn nạn này, thành phố cần làm từng bước và có sự phối hợp của cộng đồng. Thay vì ứng dụng đo tiếng ồn, TS Dũng cho rằng nên làm các app để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cho chính quyền giám sát.

"Các trường hợp thường xuyên bị phản ánh với tần suất nhiều thì chủ tịch phường phải tổ chức kiểm tra, xử lý. Tôi nghĩ đây là cách khả thi nhất, không chỉ với ô nhiễm tiếng ồn mà cả điểm đen rác, mùi hôi, kẹt xe...", ông Dũng nhận định.

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho rằng ứng dụng này còn có thể lưu trữ số liệu được phản ánh để xây dựng biểu đồ. Từ đó, chính quyền có dữ liệu để phân tích các điểm thường xuyên phải xử lý tình trạng ầm ĩ do hát karaoke và có giải pháp phù hợp.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-khong-the-dung-app-do-tieng-on-de-xu-ly-o-nhiem-tu-karaoke-post1188552.html