Tại sao là Huawei?

Tại sao là Huawei chứ không phải một cái tên nào khác, giữa không ít những thương hiệu đình đám của Trung Quốc, đang làm mưa làm gió trên thế giới.

Vụ việc Giám đốc Tài chính, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada không đơn giản là một vụ bắt bớ vì một lý do bình thường nào đó. Động thái của Mỹ trong vụ này có thể xem là "nắn gân", thể hiện sức mạnh và uy lực của Washington trước đối thủ đang đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới.

Huawei có thật đáng sợ?

Tạm quên đi tình tiết vụ việc, quên đi hình ảnh “con bài Huawei” trên bàn cờ thể hiện uy lực giữa hai người khổng lồ Trung – Mỹ và tạm quên đi vụ bắt bớ với những hệ lụy không nhỏ của nó đối với thị trường thế giới, thậm chí ảnh hưởng đến cả mối quan hệ ngoại giao giữa các nước lớn, hãy chỉ nói về Huawei.

Huawei là một "đứa con" điển hình trong ngành công nghệ đang phát triển rất sôi động của Trung Quốc. Những năm gần đây, Tập đoàn này là một hiện tượng của thị trường công nghệ thế giới, từ một nhà sản xuất điện thoại có quy mô nhỏ với số vốn ban đầu là 21.000 nhân dân tệ, nhanh chóng vươn lên đi đầu toàn cầu trong ngành công nghệ viễn thông.

Doanh thu 92 tỷ USD năm 2017 của Huawei cao hơn cả Alibaba Group, Tencent Holdings hay Baidu... (Nguồn: SCMP)

Dù có phần kín tiếng so với các “đại gia công nghệ” Trung Quốc, nhưng doanh thu 92 tỷ USD của Huawei vào năm 2017 đã cao hơn cả Alibaba Group, Tencent Holdings hay Baidu... Một yếu tố đặc biệt nữa là khoảng một nửa doanh thu của Huawei thu được từ nước ngoài, gồm châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Trên thị trường thế giới, cái tên Huawei đã trở nên khá quen thuộc khi "càn quét" thị trường các mặt hàng điện tử dân dụng, đặc biệt là điện thoại thông minh với các mẫu điện thoại di động từ cao cấp đến bình dân. Quý II/2018, Huawei đã lần đầu tiên qua mặt Apple về số lượng điện thoại di động được bán ra trên toàn thế giới, khi xuất xưởng tới 54,2 triệu chiếc, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi Apple chỉ xuất xưởng 41,3 triệu chiếc. Huawei còn có mặt trong những lĩnh vực mới, từ dịch vụ điện toán đám mây cho tới công nghệ trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là phát triển mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) - lĩnh vực mà công ty này có thế mạnh và đã lên kế hoạch đầu tư tại nhiều nước.

Trong mắt giới kinh doanh, Huawei được xây dựng từ văn hóa kỷ luật và sự cần mẫn. Trong khuôn viên trụ sở rộng lớn của Huawei Technologies tại Thâm Quyến, các bức tường nhà ăn được trang trí bằng các triết lý của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Phòng thí nghiệm được xây dựng mô phỏng như Nhà Trắng ở Washington. Và một điều gây tò mò là một bầy thiên nga đen bơi trong hồ nước.

Người ta nói rằng, đối với ông trùm viễn thông Nhậm Chính Phi, những chú thiên nga đen tao nhã có hàm ý nhắc nhở bản thân và các nhân viên Huawei cần tránh sự tự mãn và phải luôn trong tâm thế cho một khủng hoảng bất ngờ ập đến. Và dường như tình huống tồi tệ đó đã đến, giới quan sát bình luận rằng, lời nhắc nhở “thiên nga đen” giờ có dịp phát huy tác dụng.

Chỉ là cái tên được gọi đầu tiên

Bất chấp những tranh cãi ngày càng tăng về việc liệu các thiết bị viễn thông của Huawei có tiềm ẩn những mối đe dọa an ninh hay không và việc các thương vụ làm ăn của tập đoàn này bị chặn ở một số nơi trên thế giới, nhất là tại Mỹ, Huawei vẫn phát triển khá tốt trên toàn cầu, kể cả ở châu Mỹ. Chẳng hạn, Huawei đã âm thầm tạo dựng vị trí là nhà cung cấp lớn các thiết bị công nghệ cho cơ sở hạ tầng viễn thông của Canada, một vị thế khó có thể lung lay trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, tham vọng mở rộng ra toàn cầu của Huawei bị kìm hãm bởi nhiều rắc rối sau khi bị Washington gọi là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và viện dẫn những lo ngại về khả năng kiểm soát công nghệ 5G. Tổng thống Mỹ Trump đã ký một dự luật cấm Chính phủ sử dụng công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Gần đây nhất, đầu năm 2018, thương vụ hợp tác Huawei và AT&T nhằm phân phối điện thoại của hãng tại Mỹ "đổ bể" vào phút chót. Lấy lý do an ninh quốc gia để “cấm cửa” Huawei, Mỹ còn khuyến cáo các nước tẩy chay các sản phẩm mác Huawei, động thái được nhận định là lôi kéo các đồng minh và đối tác tạo một "thế trận cờ vây", mà mục tiêu là hướng tới "cô lập" Trung Quốc, ít nhất là về kinh tế. Lần lượt các đồng minh của Mỹ gồm Australia, New Zealand, Anh và mới nhất là Nhật Bản đã tuyên bố sẽ không sử dụng các thiết bị của Huawei cho mạng lưới 5G tại đất nước họ.

Thế nhưng, trong giới phân tích, có ý kiến cho rằng, việc Huawei tiếp tục phát triển đến đâu có lẽ không chỉ phụ thuộc vào thái độ chính trị của các nước phương Tây, mà còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Huawei trên thị trường. Trước đây, Huawei cũng từng bị cáo buộc - giống như nhiều công ty Trung Quốc khác, là sao chép công nghệ do phương Tây phát triển, rồi sau đó qua mặt các đối thủ nhờ khả năng cạnh tranh về giá. Nhưng Huawei hiện chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh tay hơn so với nhiều tập đoàn hùng mạnh khác trên thế giới. Được biết, trong số 180.000 nhân viên Huawei, khoảng 80.000 đang tham gia vào R&D.

Trên thực tế, trong nỗ lực duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của mình, Mỹ luôn coi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là mối đe dọa cần phải được kiềm chế. Từ lâu, tất cả các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông sản xuất tại Trung Quốc đã nằm trong tầm ngắm của giới chức Mỹ, mà Huawei chỉ là một trong số đó. Nay trong bối cảnh cuộc chạy đua Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ và không gian mạng ngày càng quyết liệt, thì những tập đoàn như Huawei đã bị đẩy lên tuyến đầu.

Trở lại với câu hỏi tại sao là Huawei?... Chẳng vì sao, Huawei có lẽ chỉ là cái tên được gọi đầu tiên. Và giới phân tích cho rằng, trong vòng ba tháng tới, nếu tình hình không sáng hơn, sẽ tiếp tục có nhiều vụ việc tương tự, bao gồm cả việc trừng phạt các công ty nhà nước và cá nhân của Trung Quốc.

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tai-sao-la-huawei-83455.html