Tại sao Lancet là UAV tự sát nguy hiểm hàng đầu thế giới hiện nay?

Dù xuất hiện chưa lâu, nhưng từ thực tế chiến trường, máy bay không người lái (UAV) tự sát hay đạn tuần kích Lancet của Nga được coi là loại vũ khí nguy hiểm đối với mọi mục tiêu trong tầm xạ kích của nó.

Sản phẩm của Tập đoàn vũ khí danh tiếng Kalashnikov khác biệt so với các loại UAV của Mỹ và phương Tây ở giá thành rẻ, khả năng tùy biến cao và đặc biệt là liên tục được nâng cấp để vượt qua các thủ đoạn ngăn chặn cứng hoặc mềm trên mặt trận.

Sự khác biệt của UAV tự sát Lancet

Theo lời Tổng biên tập Tạp chí Các hệ thống hàng không tự động của Nga, Denis Fedutinov, Lancet được phân loại thuộc hệ thống UAV tấn công hay đạn tuần kích có khả năng hoạt động thời gian dài trên chiến trường. Sự khác biệt của nó so với các loại UAV truyền thống là Lancet không chỉ phát hiện mục tiêu, mà bản thân nó đã là một thiết bị tấn công với đầu đạn cỡ nhỏ được thiết kế đa mục đích từ diệt phương tiện cơ giới, công sự và các nhóm bộ binh.

Thiết kế nhỏ gọn, sử dụng vật liệu phi kim loại khiến việc phát hiện và ngăn chặn UAV tự sát Lancet rất khó khăn. Ảnh: ZALA Aero

Về cơ bản, Lancet có thể được coi là một loại đạn dẫn đường có thể trinh sát và tấn công mục tiêu theo chỉ thị của hệ thống điều khiển. Cũng chính vì đặc điểm lao vào phục tiêu và phát nổ để phá hủy khiến UAV tự sát của Nga được coi là một thiết bị kamikaze (cảm tử theo ngôn ngữ của Nhật Bản).

Ý tưởng phát triển về UAV tự sát không phải là mới, nhưng đối với Lancet thì là một ý tưởng khá đặc biệt của hãng chế tạo ZALA Aero tại Izhevsk (một phân nhánh của Tập đoàn Kalashnikov). Theo chia sẻ của kỹ sư trưởng Alexander Zakharov của ZALA Aero, những nguyên mẫu phác thảo đầu tiên của Lancet được phát triển và chế tạo tại một trung tầm mua sắm cũ đã đóng cửa trong thời gian đại dịch Covid-19. Ngay từ lần ra mắt đầu tiên tại Diễn đàn Quân sự quốc tế Army-2019, Lancet đã nhận được sự quan tâm lớn từ Quân đội Nga và được hoàn thiện liên tục thông qua thực chiến chống khủng bố ở Syria với các biến thể Lancet-1 và 3.

Điều khiến Lancet khác biệt với các UAV khác là khả năng hoạt động mà không cần định vị vệ tinh. Điều này có thể thực hiện được nhờ các mô-đun tự dẫn quang-hồng ngoại có thể thay thế. Tùy thuộc vào nhiệm vụ, UAV này được trang bị các mô-đun chiến đấu phù hợp.

“Nhà phát triển đã liên tục thay đổi các thông số về trọng lượng và kích thước, có lẽ kích cỡ đầu đạn trên Lancet đã được mở rộng để tiêu diệt xe bọc thép hiệu quả hơn và phiên bản gần đây nhất sử dụng ống phóng kín để tăng tốc độ triển khai”, ông Denis Fedutinov đánh giá.

Nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên gia quân sự

Lancet cũng là một trong ít loại vũ khí có nguồn gốc Liên Xô và Nga nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên gia quân sự phương Tây.

Nhà báo Peter Suchiu trong một bài viết trên ấn phẩm 19FortyFive của Mỹ đã thừa nhận Lancet là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong cuộc xung đột tại Ukraine. Ông này nhấn mạnh rằng UAV tự sát Lancet có giá thành khoảng 35.000 USD, rẻ hơn đáng kể so với các loại vũ khí cùng loại từ Mỹ và phương Tây, nhưng hiệu quả thực chiến thì vượt trội.

Trong khi đó, Tạp chí quân sự danh tiếng Army Recognition viết, việc sử dụng quy mô lớn UAV tự sát Lancet dẫn đến tổn thất đáng kể về trang thiết bị quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine, đặc biệt là các tổ hợp pháo binh tự hành do Mỹ và phương Tây viện trợ.

“Tính năng chính của Lancet là khả năng cơ động cao giúp nó thực hiện các đòn tấn công chính xác như phẫu thuật và rất khó có thể ngăn chặn”, Army Recognition đánh giá.

Ngoài ra, thiết kế đơn giản từ các loại vật liệu phi kim và kích thước nhỏ của Lancet khiến việc theo dõi, phát hiện và ngăn chặn dòng UAV tự sát này rất khó khăn, đặc biệt là trên tiền tuyến. Army Recognition nhấn mạnh các biện pháp đối phó với đạn tuần kích Lancet gần như không khả thi do nó hoạt động im lặng và không có tín hiệu nhiệt. Việc phát hiện bằng hình ảnh và radar là không thể khiến Lancet có thể tiêu diệt bất ngờ ở mọi góc độ. Cơ cấu phóng đơn giản có thể thao tác bằng tay cũng là lợi thế của Lancet khi về cơ bản việc đưa UAV tự sát này lên bầu trời có thể thực hiện ở bất kỳ nơi đâu.

Đánh giá về UAV tự sát Lancet, chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov khẳng định dòng UAV này đã thể hiện hiệu quả chiến đấu cao, khi hầu hết UAV được phóng đi đều bắn trúng mục tiêu.

“Lancet là một loại đạn tuần kích, tức là một UAV cảm tử. Nhiệm vụ của nó là phát hiện chính xác mục tiêu và tiêu diệt chúng. Mục tiêu có thể là các tổ hợp pháo binh, pháo tự hành, xe bọc thép hạng nhẹ và hạng nặng. Lancet được chọn tùy theo mục tiêu để trang bị đầu đạn khác nhau. Người điều khiển nhắm vào mục tiêu và sau đó điều khiển UAV tấn công chúng”, chuyên gia quân sự Alexey Leonkov nói.

Về cơ bản khi đã nằm trong tầm ngắm của Lancet, mục tiêu có rất ít cơ hội thoát. Ảnh: Defense News.

Liên tục được nâng cấp từ thực tế chiến trường

Giống như quá trình phát triển mọi loại vũ khí, dù đã rất thành công trên chiến trường, nhưng UAV tự sát Lancet liên tục “tiến hóa” để tiếp tục duy trì vị thế của mình trên chiến trường.

Theo hãng tin Lenta của Nga, biến thể nâng cấp Lancet-3 mới nhất đã có hàng nghìn sửa đổi so với phiên bản nguyên gốc. ZALA Aero đã căn cứ vào hiệu quả tác chiến thực tế của Lancet trên chiến trường để liên tục sửa đổi thiết kế cho phù hợp. Có thể thấy như những thay đổi rõ ràng nhất chính là cơ cấu đầu nổ kép giúp vượt qua lớp hàng rào cứng bảo vệ phương tiện mục tiêu hay kết cấu cánh chữ X kép giúp tăng khả năng cơ động và tầm hoạt động của UAV...

Trong bản sửa đổi mới nhất, Lancet-3 được trang bị hệ thống quang học cải tiến và sự máy quay ảnh nhiệt cho phép UAV hoạt động tốt trong môi trường cả ngày lẫn đêm. Cùng với đó, những sửa đổi về hệ thống điều khiển giúp Lancet với khả năng so ảnh để tự động nhận diện và tấn công mục tiêu. Ngoài ra, đã có thông tin về việc Lancet phiên bản sửa đổi được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo để biến UAV tự sát này thành vũ khí tấn công bầy đàn cũng được tiết lộ.

Một nâng cấp đáng chú ý khác là việc Lancet được chứa trong các ống phóng kín giúp đơn giản hóa cơ cấu phóng và tăng số lượng triển khai UAV tự sát này lên bầu trời trong thời gian ngắn.

Có thể nói, hiệu quả chiến đấu của UAV tự sát Lancet không chỉ nằm ở thiết kế tối ưu của nó, mà còn nằm ở việc phương tiện chiến đấu này liên tục nâng cấp từ thực tế chiến trường. Đây chính là điều khiến Lancet hiện tại vẫn là loại vũ khí “không có đối thủ” và gần như chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia trên thế giới trong tương lai.

Một số hình ảnh về UAV tự sát Lancet-3. Nguồn: qdnd.vn

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-lancet-la-uav-tu-sat-nguy-hiem-hang-dau-the-gioi-hien-nay-761559