Tại sao Mỹ không bồi thường tiêm kích bị nổ động cơ cho Australia?

Chỉ vài chiếc EA-18G hoạt động là có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống điện tử của đối phương, đến điện thoại cũng không sử dụng được, sau đó nó sẽ phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu. Đây thực sự là loại khí tài khiến Nga- Trung Quốc thèm khát. Hồi đầu năm 2018, một tiêm kích loại này đã bị phát nổ động cơ, song đến nay, phía Mỹ cương quyết không đền bù cho bên sử dụng là Australia.

Tập đoàn Boeing từ chối bồi thường cho Australia trong vụ tiêm kích EA-18G nổ động cơ và bị hư hỏng hoàn toàn đầu năm 2018. Điều này khiếnAustraliakhông hài lòng.

"Hải quân Mỹ đã gửi văn bản cho chúng tôi, thông báo rằng Australia sẽ không được bồi thường cho sự cố", Thiếu tướng Greg Hoffmann, lãnh đạo Cơ quan quản lý Các hệ thống không quân, phát biểu trước thượng viện Australia hôm 29-11.

Tướng Hoffmann cho biết, điều khoản mua bán quy định tập đoàn Boeing của Mỹ không có trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai nạn, ngay cả khi đó là sự cố kỹ thuật và không phải lỗi phi công.

Nhiều nghị sĩ đã chỉ trích quân đội Australia vì không nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi mua vũ khí.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds cho biết thỏa thuận mua phi đội EA-18G được ký với Mỹ từ năm 2013 dưới thời nội các cũ và chính quyền hiện tại không thể thay đổi điều khoản trong hợp đồng.

Chiếc tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler của Australia bốc cháy, lao khỏi đường băng căn cứ không quân Nellis ở Mỹ ngày 27-1-2018.

Sau 6 tháng điều tra, không quân Australia kết luận một động cơ GE F414 của chiếc Growler đã phát nổ, phá hủy đuôi máy bay và gây cháy toàn bộ phi cơ. Hình ảnh chiếc máy bay xấu số.

"Máy nén khí cao áp trong động cơ F414 vỡ thành ba mảnh lớn, một mảnh xuyên thủng bụng máy bay và rơi xuống đường băng. Mảnh thứ hai bắn sang ngang làm hỏng động cơ còn lại, trong khi mảnh vỡ thứ ba văng lên trên, phá hủy cánh đuôi đứng bên phải. Phần đuôi chiếc Growler bắt lửa, càng đáp chính bị sập, hai trong ba cụm gây nhiễu ALQ-99 bị hỏng", báo cáo sau tai nạn kết luận.

Sự cố làm chiếc tiêm kích trị giá 85 triệu USD bị phá hủy hoàn toàn, không thể sửa chữa và khiến Australia chỉ còn 11 chiếc EA-18G trong biên chế. Nguồn tin giấu tên tại Bộ Quốc phòng Australia tiết lộ, đây là tai nạn nghiêm trọng nhất với không quân nước này trong hơn 25 năm.

Không quân Australia sau đó đề xuất giải pháp mua một chiếc EA-18G để thay thế phi cơ bị cháy, hoặc hoán cải một tiêm kích F/A-18F thành EA-18G do hai biến thể có khung thân và hệ thống dây cáp tương đồng.

EA-18G Growler là một phiên bản tác chiến điện tử sử dụng trên tàu sân bay, có hai chỗ ngồi được phát triển từ F/A-18F Super Hornet.

Loại máy bay này bắt đầu được chế tạo vào năm 2007 và sẽ được cung cấp cho các phi đội vào năm 2009.

EA-18G được sử dụng thay thế cho những chiếc EA-6B Prowler đã cũ của hải quân Mỹ.

EA-18G có chung hơn 90% thiết kế của Super Hornet, nó dùng chung khung máy bay, radar AESA và hệ thống vũ khí như Hệ thống quản lý tích trữ AN/AYK-22.

Pháo Vulcan 20 mm đã bị loại bỏ khỏi phần mũi để thêm vào hệ thống điện tử, máy thu ALQ-218 được lắp ở đầu cánh, ngoài ra còn có ALQ-99 là máy làm nhiễu.

Những thùng nhiên liệu phụ cũng được tăng thêm, như vậy, EA-18G sẽ có tầm hoạt động dài hơn và thời gian trên không cũng tăng thêm.

EA-18G có thể được trang bị với 5 thiết bị gây nhiễu chiến thuật ALQ-99, thêm 2 tên lửa để tự vệ AIM-120 AMRAAM, 2 tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM.

EA-18G cũng sẽ sử dụng hệ thống Xóa bỏ gây nhiễu INCANS, hệ thống này cho phép truyền thông tin bằng tiếng nói trong nội bộ, trong khi hệ thống thông tin của đối phương bị nhiễu, một khả năng không có trên EA-6B.

Những chiếc EA-18G sẽ mang tên lửa AIM-120 AMRAAM để tự vệ và 2 tên lửa AGM-88 HARM hoặc tên lửa AGM-88E AARGM để tiêu diệt các đài radar của đối phương.

EA-18G Growler có chiều dài 18,3m; chiều cao 4,8m; sải cánh 13,6m. Trọng tải rỗng của EA-18G Growler là 15.011kg, trọng tải cất cánh tối đa 29.964kg.

Trọng tải rỗng của EA-18G Growler là 15.011kg, trọng tải cất cánh tối đa 29.964kg.

EA-18G Growler sử dụng 2 động cơ GE-F414, lực đẩy đạt 98 kN (khi đốt lần hai). Vận tốc cực đại của EA-18G Growler là Mach 1,8. Tầm bay của EA-18G Growler là 3.330km, trần bay 15.000m.

EA-18G có thể hỗ trợ các thiết bị và máy bay không người lái, làm nhiễu liên lạc radar đối phương trên mặt đất cũng như trực tiếp tấn công bằng tên lửa chống radar HARM.

Ngoài ra máy bay có thể thông báo sớm sự xuất hiện của các tàu và máy bay chiến đấu của đối phương.

Hơn nữa EA-18G còn có khả năng “Tấn công điện tử phi truyền thống” (Non-Traditional Electronic Attack), nghĩa là nó có thể phối hợp với phòng không mặt đất trong những nhiệm vụ đặc biệt.

Dù là máy bay tác chiến điện tử nhưng EA-18G vẫn có một radar AESA đa chế độ APG-79 và một Hệ thống Điều khiển Helmet-Mounted Cueing để dẫn đường cho các loại tên lửa không đối không và không đối đất. Với nhiều khả năng đỉnh cao như vậy, EA-18G là loại máy bay tác chiến điện tử kiêm tiêm kích mạnh nhất và độc nhất vô nhị trên thế giới.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tai-sao-my-khong-boi-thuong-tiem-kich-bi-no-dong-co-cho-australia/834973.antd