Tại sao Mỹ phải băm nát tất cả F-14 Tomcat, trị giá gần 1.000 tỉ/chiếc?

Khi cho nghỉ hưu máy bay chiến đấu F-14 Tomcat, trị giá 38 triệu USD (khoảng 912 tỉ VNĐ), Mỹ đã nghiền nát chúng, quyết chặn các máy bay phản lực còn sót lại và các linh kiện của chúng lọt ra ngoài thị trường.

Chiến đấu cơ lợi hại!

Grumman F-14 Tomcat là máy bay siêu âm cánh cụp cánh xòe 2 động cơ 2 chỗ ngồi, phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1972, được đánh giá là một máy bay chiến đấu vượt trội trên không, dùng vào do thám, ném bom và chặn đánh trên không.

Đây cũng là dòng đầu tiên trong loạt máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ được phát triển sau những trận không chiến với các máy bay Mikoyan của Liên Xô ở Việt Nam loại biên vào cuối năm 2006 và được thay thế bởi Boing F/A-18E/F Super Hornet.

 Chiếc F-14D Tomcat- Phi đội máy bay chiến đấu 213 (VF-213), Hải quân Hoa Kỳ. Nguồn: US NAVY/Lt. jg Scott Timmester.

Chiếc F-14D Tomcat- Phi đội máy bay chiến đấu 213 (VF-213), Hải quân Hoa Kỳ. Nguồn: US NAVY/Lt. jg Scott Timmester.

F-14 bắt đầu thay thế cho F-4 Phantom II trong Hải quân vào tháng 9/1974 trong đội hình của phi đoàn VF-1 Wolfpack và VFA-2 Bounty Hunters trên tàu sân bay USS Enterprise (CVN 65), và đã tham gia vào sự kiện di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn.

Tuy nhiên, mãi đến 19/8/1981, F-14 mới có chiến công đầu tiên trong sự kiện vịnh Sidra. Hai chiếc F-14 thuộc phi đoàn VF-41 giao chiến với 2 chiếc Su-22 Fitters của Libya. F-14 tránh được các đòn tấn công săn đuổi của tên lửa tầm nhiệt AA-2 Atoll và bắn trả lại, hạ cả hai máy bay chiến đấu của Libya.

Một chiếc F-14D thuộc Hải quân Hoa Kỳ làm nhiệm vụ trên vùng trời Vịnh Ba Tư năm 2005. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.

Trong trận không chiến với MiG-23 "Floggers" của Libya trong vịnh Sidra ngày 4/1/1989, một lần nữa, 2 chiếc F-14 thuộc phi đoàn VF-32 đã hạ 2 chiếc MiG-23 Floggers.

F-14 được công nhận rộng rãi, nó được cải tiến và được giới thiệu trong tháng 3/1987 với phiên bản F-14A+ với động cơ General Electric F110-400 mạnh mẽ, thay thế cho động cơ TF30.

Vào tháng 1/1991, F-14A+ lại được nâng cấp lên thành F-14B. Với những cải tiến quan trọng ở hệ thống điện tử hàng không và hệ thống vũ khí, đã giúp F-14 trở nên mạnh hơn các đối thủ khác cùng thời.

F-14 của Hải quân Iran. Ảnh: Military-wiki.

Đến năm 1994, tất cả biến thể của F-14 đã thể hiện năng lực tấn công của mình, chúng đều được trang bị hệ thống đi biển ban đêm bằng tia hồng ngoại LANTIRN, tương thích hệ thống nhìn ban đêm và hệ thống bảo vệ mới LAU-138 BOL Chaff. Đến khi gần hết hạn sử dụng, F-14 vẫn tiếp tục được cải tiến.

Cho nghỉ hưu và nghiền nát

Cuối năm 2006, Hoa Kỳ cho nghỉ hưu toàn bộ phi đội F-14. Là chiến đấu cơ có nhiều ưu điểm, lô F-14 dù là hàng loại biên của quân đội Hoa Kỳ, nhưng vẫn là vũ khí có giá trị với nhiều quốc gia khác; và, thông thường nó được bán lại.

F-14 mang tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix. Ảnh: NavyCommand Shown.

Northrop Grumman Corporation, nhà phát triển F-14 cũng có ý tưởng bán những chiến đấu cơ loại biên này, vốn có giá trị khoảng 38 triệu USD mỗi chiếc. Thế nhưng, Hoa Kỳ đã quyết định nghiền nát toàn bộ, nhằm không để bất cứ chi tiết phụ tùng nào có thể lọt ra ngoài thị trường. Lí do được cho khá đơn giản.

Hoa Kỳ và Iran từng là đồng minh gần gũi. Iran là khách hàng lớn nhất và duy nhất của F-14 Tomcat.

Dưới thời trị vì của vị vua cuối cùng của Iran, Mohammad Shah Reza Pahlavi (trị vì 1941-1979), vào đầu những năm 1970, Iran đã tìm kiếm một loại máy bay chiến đấu tiên tiến, có khả năng đánh chặn các máy bay trinh sát MiG-25 của Liên Xô. Và, Vua Iran Shah đã chọn mua 80 Tomcats thay vì F-15 Eagle từ Hoa Kỳ, cùng với 714 quả tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix, có tầm bắn 190 km.

Toàn bộ số F-14 của Hoa Kỳ được băm nát sau khi loại biên. Ảnh: Military-wiki.

Ngay cả sau khi Đế quốc Iran nhường chỗ cho Cộng hòa Hồi giáo Iran sau cuộc cách mạng năm 1979, Không quân Iran vẫn sở hữu một số phi công Tomcat lành nghề nhất thế giới. Hiện nay, Iran vẫn còn 3 phi đoàn F-14.

Cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Iran kéo dài đã khiến nước này gặp khó khăn trong việc trang bị vũ khí hiện đại, cũng như cải tạo sửa chữa kho vũ khí già cỗi.

Trong chiến tranh Iran- Iraq (1980-1988), F-14 của Iran tỏ rõ sự lợi hại tại chiến trường. Lực lượng không quân Iran đã thành thạo trong Chiến tranh Iran-Iraq đến mức một quả Tomcat đơn độc có thể quét sạch bầu trời của máy bay đối phương mà không cần bắn một phát nào.

F-14 được sơn màu giống như của Không quân Iran. Nguồn: NavyCamera Operator.

Tháng 1/2020, ngay sau khi Iran tấn công căn cứ của Mỹ bằng tên lửa, Lầu Năm Góc đã điều động máy bay chiến đấu F-35, sẵn sàng trả đũa. Tuy nhiên, Tehran đã điều động 24 máy bay chiến đấu F-14 và F-4, phối hợp với một số radar và tên lửa đất đối không để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn. Thành công của chiến dịch này mang lại niềm tin cho Tehran rằng, họ có thể đẩy lùi bất kì cuộc tấn công đường không nào từ Mỹ.

Với khả năng của F-14 và tên lửa tầm xa Phoenix kèm theo, chiến đấu cơ này vẫn đủ sức tạo ra những tình huống bất ngờ, nguy hiểm buộc Hoa Kỳ phải thận trọng.

Và, Hoa Kỳ đã không muốn bất kỳ chiếc F-14 nào hay linh kiện của nó lọt ra ngoài thị trường để cuối cùng đến tay Iran, khiến nước này có thể cải tạo phi đội máy bay chủ lực già cỗi. Chính mối lo ngại này đã khiến Lầu Năm Góc phải băm nát mọi chiếc F-14 Tomcat còn sót lại.

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/tai-sao-my-phai-bam-nat-tat-ca-f-14-tomcat-tri-gia-gan-1-000-ti-chiec-94160.html