Tại sao Nga chưa gia nhập WTO?

"Nếu tham vọng duy nhất của Nga là trở thành một cường quốc nhiên liệu hóa thạch, thì nước này có thể không cần gia nhập WTO", đó là phát biểu của Peter Mandelson - Cao ủy Thương mại EU tại thủ đô Mátxcơva. Nhưng không, với thế và lực của mình, điều Nga mong muốn không chỉ có thế... Do vậy, việc Nga chưa gia nhập WTO được coi như là một điều khác thường.

Trong khi hầu như tất cả các nước đều mong muốn gia nhập WTO -tổ chức đề ra các quy định đối với thương mại toàn cầu, Nga là thành viên duy nhất của G20 không phải là thành viên WTO và dường như không mặn mà với việc gia nhập tổ chức này. Việc chưa phải là thành viên đã khiến Nga bị yếu thế trong một loạt các vấn đề mà nước này cho rằng họ bị đối xử như một thành viên cấp 2 bởi chính những nước trong G20. Chưa đồng thuận nội bộ Hơn 95% thương mại thế giới đang được luân chuyển qua 153 nước thành viên WTO, trong khi Nga vẫn là nền kinh tế lớn nhất đứng bên ngoài. Thông thường, chỉ mất khoảng 6 năm cho cả một quá trình gia nhập WTO của một quốc gia, nhưng đã 17 năm trôi qua, Nga vẫn đứng ngoài WTO. Thực tế thì Nga đã từng đệ đơn xin gia nhập WTO và làm những thủ tục đầu tiên từ năm 1994. Từ 1995-1997, các nhà đàm phán của Nga đã trả lời xong 3.500 câu hỏi của các thành viên WTO về hệ thống thương mại của nước này. Các cuộc đàm phán cũng đã thật sự bắt đầu từ năm 1998 theo cả hai kênh song phương và đa phương. Những đối tác quan trọng như EU và Mỹ cũng đã thỏa thuận xong. Chỉ có điều, chính "thân hình" to lớn của Nga, đã làm mối lo ngại về mức độ ảnh hưởng của nước này đến thương mại quốc tế thêm căng thẳng. Vì thế, thay vì chỉ phải vượt qua khoảng 10 đến 20 hiệp định song phương về tiếp cận thị trường như thông lệ, Nga đã được tới 60 nước "quan tâm". Điều này đã từng làm các quan chức Nga hết sức tức giận, vì cho rằng họ đã bị phân biệt đối xử. Với nỗ lực của mình, kể từ năm 2000, nhiều luật quan trọng của Nga đã được thông qua hay chỉnh sửa để phù hợp với các quy định WTO. Giới phân tích nói rằng, sau khi đạt được thỏa thuận với EU và Mỹ, năm 2006 Nga đã tiến rất gần tới WTO, vấn đề chủ yếu chỉ còn là sự quan tâm của giới lãnh đạo Nga với việc này và giải quyết các vấn đề nổi bật còn lại. Thế nhưng, nay đã là 2010, Nga vẫn chưa là thành viên WTO. Vậy, sự chậm chạp này là do đâu? Theo các nhà phân tích thì gần 17 năm qua, trong chính nước Nga vẫn tồn tại một lực lượng không nhỏ chưa ủng hộ việc gia nhập WTO. Trước hết, theo nhiều người thì khoảng 2/3 mặt hàng xuất khẩu của Nga bao gồm dầu lửa và khí đốt tự nhiên, vốn ít phải chịu các biện pháp bảo hộ mậu dịch, các mặt hàng nhạy cảm khác như sắt thép, hóa chất, ngũ cốc chỉ chiếm 1/5 hàng xuất khẩu. Nên những thiệt hại của Nga nếu không phải là thành viên của WTO được coi là rất nhỏ, chưa đầy 1% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất thì cần một khoảng thời gian chuyển giao với sự bảo hộ nhất định để điều chỉnh sang thương mại tự do. Phòng Thương mại và Công nghiệp thì liên tục bày tỏ quan ngại về việc mở cửa cho các nhà cạnh tranh nước ngoài và cho rằng việc tiếp cận các thị trường nước ngoài chưa quan trọng, bởi vì ngay sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu nội địa họ còn chưa phục vụ hết. Và họ cũng chỉ chủ yếu xuất khẩu hàng hóa có sự tiếp cận dễ dàng đối với thị trường thế giới, nên có thể không cần trở thành thành viên WTO. Lý lẽ này cũng được áp dụng với các ngành công nghiệp thực phẩm chế biến, dược phẩm, hóa chất và điện tử. Ngành nông nghiệp nhanh chóng trở thành "nhà vô địch" trong việc vận động bảo hộ mậu dịch khi nêu hàng tá lý do để hạn chế các loại nông sản từ bên ngoài. Ngành dịch vụ cũng không chịu thua kém, với sự phản đối đến từ các khu vực sở hữu trí tuệ, thương mại bán lẻ, liên lạc viễn thông, bảo hiểm và ngân hàng. Lập luận ngành công nghiệp còn non trẻ cũng được sử dụng ở đây. Không biết có phải do thế lực của các lực lượng trên quá lớn, hay nhiều người cùng đồng thuận với lời kêu gọi "hãy tự đi bằng chính đôi chân của mình", mà sau năm 2006, các cam kết của Nga đối với gia nhập WTO cũng mờ nhạt dần. Chính sách mới thay thế nhập khẩu của Nga lúc đó chuyển sang mở rộng can thiệp nhà nước, chính sách công nghiệp và bảo hộ mậu dịch. Không những thế, Nga còn đề xuất một loạt biện pháp hoàn toàn trái ngược với những quy định của WTO, như kêu gọi tăng trợ cấp cho ngành chăn nuôi, thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất xe hơi bằng cách tăng thuế hải quan... Những rào cản mới Từ 2008 đến nay, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Nga có nhiều thay đổi, lại thêm ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ trọng dầu lửa và khí đốt giảm dần. Xuất khẩu của Nga bị chịu nhiều biện pháp bảo vệ thương mại hơn. Không có quy chế thành viên WTO, Nga không có cách nào để kêu ca. Nhu cầu của Nga đối với việc gia nhập WTO trở lại rõ ràng. Tuy nhiên, cơ hội đã qua, từ sau 2006, các vấn đề mới lại nổi lên ngăn cản việc Nga gia nhập WTO. Bởi thông thường WTO kết nạp một hoặc hai thành viên mỗi năm và những thành viên mới này lại yêu cầu nghị định thư song phương với Nga, như Campuchia, Arab Saudi, Việt Nam. Mỗi cuộc đàm phán lại tạo thêm công việc và sự phức tạp. Một vấn đề lớn là liệu thành viên mới Ukraine có yêu cầu một nghị định thư hay không để giải quyết các cuộc xung đột thương mại của nước này với Nga. Tuy nhiên, vào ngày 9/6/2009, Nga thông báo rằng Kazakhstan, Belarus và Nga đã từ bỏ những cuộc đàm phán riêng rẽ, thay vào đó, họ thành lập một liên minh thuế quan riêng để thúc đẩy việc gia nhập WTO nhanh hơn. Trên thực tế, tuyên bố này bị các nhà phê bình đánh giá là đã hủy hoại việc gia nhập WTO gần như đã xong của Nga. Liên minh thuế quan đã không thể giúp giải quyết hay thúc đẩy việc giải quyết bất kỳ một khó khăn nào. Nhiều bình luận cho rằng, Nga đang gánh chịu tai họa năng lượng, bởi khi giá dầu dao động ở mức khoảng 75 USD/thùng thì khó có thể trông chờ vào một sự cải cách nào. Tuy nhiên, đã có những người vẫn ủng hộ việc gia nhập WTO lên tiếng. Giới kỹ trị và tự do nhận thấy rằng Nga còn lâu mới trở nên giàu mạnh và cởi mở vì vẫn còn nạn quan liêu và tham nhũng. Họ muốn quay trở lại những cải cách thị trường mà chính phủ Nga từng theo đuổi. Thậm chí, để đánh giá điều này bằng các tiền lệ, Nga cần một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng để thức tỉnh và theo đuổi các cải cách, chẳng hạn, GDP của Nga đã giảm 8-9% trong năm 2009. Nhưng câu hỏi là liệu cú sốc có đủ lớn và liệu giá dầu thô có lại tăng cao đến mức các cải cách dường như vẫn không cần thiết. Là một nhà xuất khẩu có nhiều ưu thế, Nga ít cần WTO hơn là một nhà sản xuất giống như Trung Quốc, nhưng một loạt nghiên cứu của Nga và WB đã dự đoán rằng Nga có thể đạt được từ 0,5-1% tăng trưởng nếu gia nhập WTO. Đến nay, việc trở thành thành viên WTO của Nga vẫn còn khá dễ dàng, chỉ với vài tháng đàm phán căng thẳng. Nhưng vấn đề là liệu Kremlin sẵn sàng có một vài nhượng bộ quan trọng để việc gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu có thể diễn ra nhanh chóng. An Sinh

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2010/5/6AE0864D373A7C8F/