Tại sao Nga là áo chống đạn của giới đầu tư Mỹ?

Lợi ích Nga đã trở thành 'chiếc áo chống đạn' cho các nhà đầu tư Mỹ, buộc Washington phải 'đứng hình' khi lưới trừng phạt Nga liên tục bị cắt...

Ngày 20/11, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Tiếng gọi từ nước Nga, ở Moscow, Tổng thống Putin cho rằng việc chính quyền Mỹ trừng phạt-cấm vận Nga chỉ là hành động 'tự bắn vào chân mình' của Washington mà thôi, theo RT.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, chính "những hạn chế mà Mỹ và đồng minh áp đặt lên Moscow từ khi Crimea tái hợp với Nga và cuộc xung đột Ukraine, đã tạo động lực cho Nga có một bước tiến lớn trong thúc đẩy chủ quyền kinh tế và công nghệ".

Có vẻ như các nhà đầu tư quốc tế đã đồng tình với nhận định của nhà lãnh đạo Nga đương thời. Bởi theo một báo cáo gần đây của Tạp chí Forbes, trái phiếu của Nga hiện được coi là hấp dẫn hơn rất nhiều so với Trung Quốc và Mỹ.

Tiếng gọi từ nước Nga có tấn suất và bước sóng ngày càng lớn

Tiếng gọi từ nước Nga có tấn suất và bước sóng ngày càng lớn

Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin còn cảnh báo, 'trừng phạt Nga đã gây ra hiệu ứng ngược, khi hàng trăm doanh nghiệp Mỹ bị cấm tham gia vào các dự án có tỷ suất lợi nhuận cao ở Nga hoặc mất tiền đầu tư vào Nga, vì quyết định đưa ra ở Washington".

Và theo nhà lãnh đạo Nga đương thời, trong trường hợp này, Nga đã trở thành chiếc áo chống đạn cho các nhà đầu tư Mỹ. Dựa vào đâu mà Tổng thống Putin lại đưa ra nhận định như vậy?

Theo giới phân tích, nhìn cả từ nước Nga và từ nước Mỹ, nhận định của ông Putin về chiếc áo chống đạn Nga dành cho các nhà đầu tư Mỹ, đều chuẩn xác, mà thể hiện ra qua chính sách tạo lợi ích và bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư.

Thứ nhất, ở Nga

Ở Nga thì chiếc áo chống đạn Nga dành cho các nhà đầu tư Mỹ là chiếc "áo lợi ích", được may bằng "tấm vải lợi ích" và "sợi chỉ chính sách" gia tăng và bảo toàn lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ.

Về tấm vải lợi ích Nga.

Các nhà đầu tư có thể tìm kiếm được "vải lợi ích" từ việc mở rộng cửa của chính phủ Nga, đang đạng hóa lĩnh vực và cách thức hợp tác-đầu tư, giúp các nhà đầu tư dễ dàng xúc tiến đầu tư và yên tâm thực hiện hoạt động đầu tư.

Vì vậy,"dù Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga từ năm 2014, nhưng các tập đoàn lớn của Mỹ, như Pepsi, McDonald's... vẫn luôn coi Nga là thị trường chiến lược vì có tăng trưởng lợi ích mạnh mẽ", theo Reuters.

Theo thống kê của hãng tin Anh, gần như trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ đều có thực thể đầu tư tại Nga và luôn không muốn bị mất cơ hội khai thác lợi ích mang về cho nước Mỹ.

Trong lĩnh vực công nghệ. Doanh thu của Cisco Systems Inc tại Nga liên tục tăng mạnh, đặc biệt năm 2017, đã tăng tới 20%. Apple Inc cũng có mức tăng trưởng về doanh thu ở Nga tới hai con số.

Tấm vải lợi ích Nga rất rộng và rất dày để hấp dẫn nhà đầu tư

Trong khi đó, Giám đốc Tài chính Amy Hood của Microsoft Corp. từng liên tục kêu gọi chính quyền Mỹ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hãng hoạt động tại thị trường Nga vì đây được xác định là thị trường chiến lược trọng điểm của Microsoft Corp.

Trong lĩnh vực tiêu dùng. Trong các báo cáo về chiến lược phát triển và gia tăng lợi nhuận, Mondelez International Inc luôn xác định Nga là thị trường chiến lược và hãng này đã trở thành nhà sản xuất sôcôla hàng đầu tại Nga.

Còn trong các báo cáo tài chính, PepsiCo luôn cho thấy mức doanh lợi gia tăng tại Nga, đặc biệt năm 2017, doanh thu ròng tại Nga là 3,23 tỷ USD, chiếm 5,1% tổng doanh thu của hãng. McDonald's có mức tăng trưởng trên 80% tại thị trường Nga.

Trong lĩnh vực dược phẩm. Johnson & Johnson (JNJ.N) đã xác định Nga là một thị trường chiến lược cho các nhãn hiệu tiêu dùng quen thuộc và mở rộng kinh doanh sang những sản phẩm mới.

Còn Abbott Laboratories thì đã là 1 trong 5 công ty hàng đầu thế giới về thuốc và thực phẩm chức năng có thương hiệu ở Nga, theo Giám đốc tài chính của công ty, Brian Yoor, cho biết.

Trong lĩnh vực hàng không. Còn nhớ tại Diễn đàn ngành công nghiệp diễn ra tháng 3/2018, đại diện Boeing cho biết hãng hàng không khổng lồ này đã xem Nga là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm tới.

Trong lĩnh vực vận tải. Doanh thu của Ford Motor Co tại thị trường Nga - thông qua liên doanh với Sollers PAO - kể từ khi đầu tư vào Nga năm 2015 - liên tục tăng mạnh, đặc biệt năm trong giai đoạn 2015-2017, tăng tới 200%.

Thông kê của Reuters cho thấy, lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ có được tại Nga là rất lớn và liên tục tăng. Trong năm 2017, chỉ các công ty niêm yết công khai của Mỹ đã tạo ra hơn 90 tỷ USD từ Nga.

Gần đây nhất, theo Báo cáo về đầu tư thế giới năm 2019 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển LHQ, Mỹ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Nga, với khoảng 39,2 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ tấm vải lợi ích Nga rất rộng và rất dày.

Doanh lợi từ Nga khiến giới đầu tư không thể cưỡng lại

Về sợi chỉ chính sách gia tăng và bảo toàn lợi ích cho các nhà đầu tư

Chính sách giúp tối đa hóa lợi ích của các nhà đầu tư

Lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Nga được gia tăng thông qua lợi suất vốn đầu tư được tối đa hóa nhờ chính sách tài chính thận trọng của chính phủ Nga và chính sách giúp nâng cao sức mua cho đồng ruble, giúp nâng cao lợi suất đồng nội tệ.

Với chính sách tài chính thận trọng, lợi suất vốn đầu tư gia tăng nhờ khả năng hỗ trợ của tài chính công với tài chính doanh nghiệp, thông qua ưu đãi thuế và các công cụ tài chính khác, giúp doanh nghiệp mở rộng và duy trì tối đa hiệu suất hoạt động.

Với chính sách giúp nâng cao sức mua cho đồng ruble, qua đó nâng cao lợi suất cho đồng tiền quốc gia, giúp cho đầu tư nước ngoài được hưởng lợi kép - cả trực tiếp và gián tiếp.

Trực tiếp là lợi suất của vốn đầu tư được tăng lên tỷ lệ thuận với sự gia tăng lợi suất của đồng ruble. Gián tiếp là giá trị lợi nhuận, lợi tức được đảm bảo, khi nền tài chính Nga ngày càng độc lập với đồng USD và cơ chế tài chính Mỹ.

Chính sách bảo toàn lợi ích cho nhà các đầu tư

Xuất phát điểm là chủ trương của Tổng thống Putin không kích thích tăng trưởng dựa trên nợ vay, từ đó đảm khả năng thanh khoản cao của khách hàng, đối tác và người tiêu dùng Nga - những đối tượng mà doanh nghiệp nước ngoài phục vụ hay hợp tác.

Khả năng bảo toàn vốn của doanh nghiệp nước ngoài luôn ở mức cao, nhờ tính thanh khoản tốt của các đối tượng được phục vụ hay hợp tác. Bởi tiền mua bán hay vốn đối ứng là "tiền tươi thọc thật".

Bên cạnh đó, chủ trương của Tổng thống Putin không kích thích tăng trưởng dựa trên nợ vay và chính sách tài chính thận trọng của chính phủ Nga đã giúp hệ số đòn cân nợ - Vốn vay/vốn sở hữu chủ, của hệ thống doanh nghiệp Nga luôn ở mức thấp.

Điều này đảm bảo khả năng thu hồi vốn hay bảo toàn vốn của đầu tư nước ngoài khi liên doanh, liên kết hay tham gia vào đa dạng hóa sở hữu, luôn ở mức cao và lợi tức, lợi nhuận có được luôn dễ dàng được phân phối và phân phối với tỷ lệ cao.

Thứ hai, ở Mỹ

Ở Mỹ thì áo chống đạn Nga dành cho các nhà đầu tư Mỹ chính là hiệu ứng tích cực từ dòng vốn đầu tư vào Nga đối với nguồn vốn sở hữu chủ tại Mỹ, từ đó tác động và làm thay đổi chính sách hạn chế đầu tư vào Nga của chính phủ Mỹ.

Đầu tư vào Nga có tác hiệu kép với vốn và nguồn vốn sở hữu chủ tại Mỹ

Về hiệu ứng tích cực từ dòng vốn đầu tư vào Nga đối với nguồn vốn sở hữu chủ tại Mỹ

Điều này thể hiện qua tác dụng kép từ hệ số đòn cân nợ : Vốn vay/vốn sở hữu chủ mà chính sách vĩ mô giúp tạo ra cho thống doanh nghiệp Nga luôn ở mức thấp, giúp lành mạnh hóa nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ Mỹ.

Xin đặt lại bài toán kinh tế. Doanh nghiệp X của Mỹ có hệ số nợ là Rx = 0,75, bỏ khoản vốn Vx tương đương 5% giá trị DN, đầu tư vào doanh nghiệp Y của Nga có hệ số nợ là Ry = 0,25. Khoản đầu tư của X tương đương 10% giá trị của Y - Vy.

Khi đó sẽ diễn ra quá trình lành mạnh hóa nguồn với đầu tư của doanh nghiệp Mỹ và có thể lượng hóa cụ thể qua hệ số nợ của khoản vốn của DN X đầu tư vào DN Y là Rxy, như sau :

Rxy = (Vx x Rx + Vy x Ry) / (Vx + Vy) = (0.05 x 0,75 + 0,1 x 0,25) / (0,05 + 0,1)

Rxy = 0,42

Như vậy từ hệ số nợ ban đầu là Rx = 0,75, khoản vốn đầu tư của DN X vào DN Y đã có hế số nợ mới là Rxy = 0,42. Đây chính là lành mạnh hóa nguồn vốn của doanh nghiệp Mỹ lần thứ nhất.

Tuy nhiên, với 5% giá trị doanh nghiệp X đã đầu tư vào Nga có hệ số nợ là Rxy = 0,42, thì khi đó hệ số nợ của DN X tại Mỹ cũng sẽ thay đổi theo hệ số nợ mới là Rxm

Rxm = (0,5 x 0,42 + 0,95 x 0,75) / 1 = 0,73. Như vậy, từ hệ số nợ ban đầu là Rx = 0,75, nay DN X đã có hệ số nợ mới là Rxm = 0,73. Đây chính là lành mạnh hóa nguồn vốn của doanh nghiệp Mỹ lần thứ hai.

Khi hệ số đòn cân nợ được tích cực hóa thì cũng đồng nghĩa khả năng bảo toàn vốn đầu tư được nâng lên, và không chỉ với vốn đầu tư của Mỹ ra nước ngoài, mà cả với nguồn vốn sở hữu chủ ngay tại Mỹ.

Các nước cờ của Tổng thống Putin luôn có đa tác hiệu

Tác động của đầu tư vào Nga đối với chính sách của chính phủ Mỹ

Theo giới phân tích, có 2 hiệu ứng có thể nhận diện rõ nhất tác động của nguồn vốn đầu tư vào Nga đối với chính sách của chính phủ Mỹ nhằm hạn chế đầu tư vào Nga trong thời cấm vận Nga, trừng phạt Moscow.

Một là, cho đến nay tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ - dù đã được luật hóa - chưa bao giờ leo thang đến mức có thể khiến Moscow có thể làm khó các nhà đầu tư Mỹ, như đánh giá của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD).

Hai là, tất cả các biện pháp trừng phạt của Mỹ chưa bao giờ nhắm đến thực thể là nhà nước Nga, mà chỉ được áp đặt đối với các lĩnh vực cụ thể, các tổ chức hay cá nhân cụ thể. Đây là lý do đầu tư của Mỹ vào Nga tăng mạnh, theo WB.

Rõ ràng, lợi ích Nga đã trở thành "chiếc áo chống đạn" cho các nhà đầu tư Mỹ, buộc Washington phải "đứng hình" khi hệ thống doanh nghiệp và giới đầu tư Mỹ "cắt lưới trừng phạt" Nga, qua đó cộng hưởng tác hiệu cho nước cờ của Tổng thống Putin.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/tai-sao-nga-la-ao-chong-dan-cua-gioi-dau-tu-my-3391845/