Tại sao Nga tổn thất nhiều máy bay hơn Mỹ ở Syria?

Có đúng là các tướng lĩnh của chúng ta (Nga) đang hành động theo tính thần 'các bà mẹ Nga còn đẻ thêm nhiều Ivanov nữa»?

Xin được giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc AleksandrSitnhikov. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 7/11/2019 mới đây.

Địa điểm rơi máy bay Su-24M và máy bay lên thẳng Mi-8 của Nhóm cứu nạn Nga tại Syria (Ảnh: Ủy ban điều tra LB Nga/TASS)

Các phương tiện truyền thông Mỹ vừa mới cho đăng tải một số bức ảnh chụp máy bay lên thẳng “Black Hawk” HH-60M của Mỹ (phiên bản cứu thương của UH-60) trang bị tổ hợp tự bảo vệ AN / AAQ-24.

Đồng thời, những phương tiện truyền thông nói trên cũng khẳng định rằng đây là một tổ hợp “độc nhất vô nhị” chỉ nước Mỹ mới có.

Chưa hết, các bức ảnh này được chụp tại chiến trường Syria- trong lúc các máy bay lên thẳng này sơ tán những người bị thương ở ngoại ô thành phố Sarrin phía Bắc Syria,- có nghĩa là ảnh được chụp trong điều kiện tác chiến thực tế.

Vậy tổ hợp AN/AAQ-24 là gì? Đây là tổ hợp có chức năng đánh chặn các tên lửa “đất đối không” tự dẫn phóng từ các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai của đối phương,- tức loại vũ khí nguy hiểm nhất đe dọa tính mạng phi công lái máy bay lên thẳng.

Nguyên lý hoạt động của nó tương tự như nguyên lý hoạt động của tổ hợp “Shtora” đã được lắp đặt trên xe tăng của chúng ta (Nga) trong hơn 30 năm nay. Có nghĩa là hoạt động theo nguyên lý “làm trệch hướng bay” (đánh lừa) tên lửa đối phương.

Máy bay lên thẳng “Black Hawk” HH-60M. Ảnh tải trên mạng-ND

Cách đây 2 năm, Bộ Quốc phòng Mỹ đột nhiên cho loại biên tổ hợp AN / AAQ-24 nói trên và cam kết với Không quân Mỹ là sẽ trang bị cho họ một tổ hợp mới hiện đại hơn.

Thế nhưng mới đây, trên trang mạng Twitter, một user nào đó có nickname là @JakeGodin đã nhìn thấy trên bầu trời nhiều máy bay lên thẳng của một đơn vị nào đó không xác định có gắn các thiết bị treo bên ngoài thân máy bay của tổ hợp AN / AAQ-24.

Điều đáng lưu ý là: vào thời gian đầu, những máy bay lên thẳng HH-60M được chụp ảnh nói trên nằm trong biên chế (trang bị) của Quân đoàn Lính thủy đánh bộ (Mỹ), nhưng sau đó chúng lại được bàn giao cho một nhóm quân không –bộ đặc biệt trực thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ.

Có nghĩa là, chúng ((AN / AAQ-24) đã được trang bị cho một cơ quan bí mật nào đấy rất quan trọng chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.

Liên quan đến vấn đề này, chúng ra rất nên biết tại sao tổ hợp “Shtora” theo phong cách Mỹ (tức tổ hợp AN/AAQ-24-ND) trang bị cho máy bay lên thẳng lại không được các phi công "sao và sọc" (tức phi công Mỹ) tại Syria, vâng, và tại Iraq cũng vậy, ưa thích?

Và tại sao, khác với các phi công chiến đấu thông thường, các cơ quan tình báo bên kia đại dương (tức Mỹ-ND) vẫn để trong trang bị các tổ hợp AN / AAQ-24 đã "không còn thích hợp"nữa?

Dù khó tin, nhưng những câu trả lời cho các câu hỏi trên, lại cũng là những lời giải thích cho một câu hỏi khác, quan trọng hơn nhiều đối với chúng ta: tại sao tổn thất về máy bay và máy bay lên thẳng của Nga tại Syria lại lớn hơn so với (những tổn thất cùng loại của) người Mỹ.

Nhân tiện cũng xin bổ sung một ý chính vì lý do này (tổn thất lớn hơn-ND) mà ở phía bên kia đại dương (tức Mỹ- và ở ngay trong lòng nước Nga cũng vậy) đã xuất hiện và tán phát rất nhanh những ý kiến cho rằng Bộ Quốc phòng Nga và cá nhân Tổng thống Putin không tiếc sinh mạng các phi công của mình. Và rằng, họ sẵn sàng hy sinh tính mạng phi công (Nga) vì những lợi ích địa- chính trị.

Và tiếp theo- (các thế lực thù địch) đưa ra tiếp quan điểm sau: nếu như các máy bay và máy bay lên thẳng của chúng ta đã “rụng như sung ” trong cuộc chiến với một kẻ thù đến lực lượng không quân cũng không có, thì trong trường hợp có chuyện gì đó nghiêm trọng hơn xảy ra, Không quân chiến đấu Nga sẽ không còn tồn tại. Chúng ta nên xem xét một cách chi tiết hơn quan điểm gây tranh cãi này.

Trên thực tế, các số liệu tra cứu được, rất tiếc, cực kỳ không có lợi cho chúng ta. Người Mỹ cho biết rằng họ có 5 thiết bị bay (tức máy bay, máy bay lên thẳng, máy bay không người lái nói chung -ND) “sao- sọc” (Không quân Mỹ) đã không trở về sân bay sau khi xuất kích đi thực hiện nhiệm vụ tại Syria, - trong số đó có một máy bay tiêm kích F-16 CJ xuất kích ngày 30/11/2014 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ban đêm.

Nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay này đã được làm rõ- do trục trặc kỹ thuật của một bộ phận cơ khí trên máy bay. Phi công lái máy bay này đã chết. Những tổn thất còn lại- đó chỉ là các máy bay không người lái.

Còn đối với Bộ đội đường không- vũ trụ (VKS) Nga, các số liệu mà người Mỹ đưa ra là: đã có 22 thiết bị bay của Nga bị rơi. Trong số đó, có 13 chiếc là máy bay và máy bay lên thẳng. Xin điểm lại rất ngắn gọn về lịch sử những cái chết bi thảm của các phi công chúng ta tại Syria.

Ngày 24/11/2015, một chiếc Su-24M đã bị tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một cách tráo trở. Đó là một cú đâm vào sau lưng. Một phi công đã bị giết vì hỏa lực từ mặt đất trong khi đang nhảy dù, phi công thứ hai- may mắn được cứu sống.

Hai máy bay lên thẳng Mi-8 của Nga đã được điều ngay đến khu vực máy bay (Su-24M) gặp nạn. Một trong hai chiếc đó bị các phiến quân bắn hỏng. Các thành viên tổ lái máy bay lên thẳng này đã được giải cứu thành công.

Ngày 12/4/2016, một chiếc máy bay lên thẳng Mi-28 nổ tung gần thành phố Homs, tất cả phi công thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Nga loại trừ khả năng hỏa lực đối phương là nguyên nhân gây ra thảm họa hàng không này.

Ngày 8/ 7/2016, một máy bay lên thẳng Mi-35 đã bị rơi ở khu vực Palmyra. Theo các phương tiện truyền thông Ả Rập, chiếc máy bay này bị bắn hạ. Cả hai phi công Nga đều thiệt mạng.

Ngày 1/8/2016, một chiếc máy bay lên thẳng vận tải Mi-8 đã bị hỏa lực mặt đất bắn rơi tại tỉnh Idlib khi nó đang trên đường trở về căn cứ không quân Khmeimim. Ba thành viên tổ lái và hai sĩ quan Nga của Trung tâm Hòa giải các bên tham chiến ở Syria thiệt mạng.

Ngày 3 tháng 11 năm 2016, một máy bay lên thẳng Mi-35 phải hạ cánh khẩn cấp tại một khu vực gần thành phố Palmyra của Syria, và rất có thể, đã bị phá hủy bởi tên lửa không điều khiển sau khi hạ cánh, nhưng rất may, tổ lái đã được đưa về căn cứ không quân Khmeimim an toàn.

Ngày 14/11/ 2016, một máy bay tiểm kích MiG-29 bị rơi khi đang bay theo tàu sân bay (Đô đốc Kuznhetsov-ND). Phi công nhảy dù và may mắn sống sót. Ngày 3/12/ 2016, Không đoàn trên “Đô đốc Kuznetsov” của Hải quân Nga chịu tổn thất lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau khi dây cáp neo máy bay khi hạ cánh bị đứt. Phi công nhảy dù và thoát chết.

Ngày 10/10/ 2017, một chiếc cường kích Su-24 đã bị nổ khi đang cất cánh tại căn cứ không quân Khmeimim, - nhiều khả năng do trục trặc kỹ thuật. Vụ tai nạn đã làm cả hai thành viên tổ lái thiệt mạng.

Ngày 31/12/2017, một máy bay lên thẳng Mi-24 đã vướng vào đường dây tải điện tại tỉnh Hama, 2 trong số 3 thành viên tổ lái thiệt mạng.

Ngày 3/5/2018, một máy bay tiêm kích hạng nặng Su-30 đã bị rơi trên biển Địa Trung Hải sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Khmeimim. Theo các thông tin được công bố công khai, một con chim đã bị hút vào động cơ máy bay. Cả hai phi công đều chết.

Ngày 7/5/2018, một máy bay lên thẳng Ka-52 đã bị rơi trong một chuyến bay theo kế hoạch trên các khu vực phía đông Syria. Cả hai phi công hy sinh.

Và cuối cùng, ngày 17/ 9/2018, máy bay trinh sát IL-20 cùng 15 quân nhân đã bị bắn hạ bởi một quả tên lửa S-200 do lực lượng phòng không Syria phóng lên. Nguyên nhân của thảm kịch được xác định là do bị Không quân Israel gài bẫy.

Tự nhiên xuất hiện tâm lý lo ngại về tình trạng khủng khiếp của Không quân chiến đấu Nga nếu so sánh với Không quân chiến đấu Mỹ. Trong khi, nói cho công bằng, chính tại nước Mỹ, cũng có nhiều phi công thiệt mạng.

Theo kết quả điều tra của tờ báo chuyên ngành quân sự The Military Times, chúng ta được biết là trong các năm 2013-2017, số lượng các vụ tai nạn liên quan đến tất cả các loại máy bay có người lái- máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay lên thẳng và máy bay vận tải quân sư Quân đội Mỹ đã tăng gần 40% mỗi. Các vụ tai nạn này đã làm 133 phi công và quân nhân Mỹ thiệt mạng.

Chỉ trong 2 tháng- tháng 3 và tháng 4/ 2018, trong Không quân Mỹ đã xảy ra 6 (!) vụ tai nạn máy bay làm chết 16 thành viên các tổ lái. Tổng cộng chỉ trong năm ngoái (2018), đã có 38 phi công Mỹ chết trong các thảm họa hàng không với các máy bay quân sự.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là xã hội "sọc sao" (xã hội Mỹ) lại rất thờ ơ trước những mất mát tổn thất xảy ra trong nước, vì (họ) cho rằng đây là những “chi phí huấn luyện” (bắt buộc). Bởi vì suy cho cùng, các phi công được trả rất nhiều tiền lấy từ túi của người đóng thuế Mỹ.

Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi một cách căn bản, nếu những thảm họa đường không đó xảy ra trên các chiến trường ngoài nước Mỹ. Khi đó- những tổn thất sẽ trờ thành vũ khí, là công cụ cho một cuộc chiến tranh chính trị ngay trong nội bộ nước Mỹ.

Và vì thế nên, trong Không quân Mỹ có tới 90% nhiệm vụ bay bị hủy khi máy bay vừa cất cánh (để đảm bảo an toàn) . Nếu có dù chỉ một thông tin mơ hồ nào đó rằng có các phiến quân đang phục sẵn phía dưới các đường bay, hoặc chỉ cần phi công thông báo là có trục trặc kỹ thuật nhỏ nào đó, lệnh “lui quân” sẽ được ban ra ngay tức khắc.

Ngoài ra, The Military Times cũng nhận xét là công tác chuẩn bị bay cho máy bay và máy bay lên thẳng cũng được thực hiện cẩn thận hơn nhiều (so với khi bay trong nước), còn bản thân nhiệm vụ bay cũng được tinh toán kỹ lưỡng, dự liệu đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Thêm nữa, “ưu tiên” bay được dành cho những phương tiện kỹ thuật (máy bay) được bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa (hỏa lực) từ mặt đất.

Nhưng khi các tổ hợp AN / AAQ-24 được trang bị cho các máy bay lên thẳng của Quân đoàn Lính thủy đánh bộ năm 2017, các phi công Mỹ ngay lập tức cảm thấy bị quá tải. Sau đó, họ đã đưa ra hàng loạt các phàn nàn, khiếu nại và cả kiến nghị về tổ hợp, đại loại là tổ hợp “độc đáo” này rất khó điều khiển và không giúp gì nhiều trong đảm bảo an toàn cho máy bay.

Vì thế, để tránh các rắc rối, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho tháo rỡ các tổ hợp trên ra khỏi máy bay. Tuy nhiên, như @JakeGodin tình cờ phát hiện ra như đã nói ở trên, các cơ quan đặc biệt (tình báo) Mỹ vẫn sử dụng các tổ hợp tương tự như “Shtora” Nga trên "Black Hawk" của mình. Để, như chuyên gia về an toàn bay Joseph Trevitik làm việc cho The Drive, giải thích, “tốt hơn nhiều so với không có gì”.

Tất cả những gì đã nói ở trên cho phép ta khẳng định rằng công tác chuẩn bị bay cho các máy bay, máy bay lên thẳng của các lực lượng kỹ thuật mặt đất Mỹ tốt hơn nhiều so với các lực lượng mặt đất cùng chức năng của chúng ta (Nga), ít nhất là cũng trong 2 năm đầu của chiến dịch (chiến dịch quân sự của Nga tại Syria-ND). Đấy chính là giai đoạn Nga chịu nhiều tổn thất nhất.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tai-sao-nga-ton-that-nhieu-may-bay-hon-my-o-syria-3391549/