Tại sao ngành hàng không phát triển nhanh, còn đường sắt lại chậm?

Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự án Luật đường sắt (sửa đổi) chiều 12.9.

 Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Q.H)

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Q.H)

Không thực hiện thì đừng đổ cho Luật không tốt

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề: Khi thị phần vận tải đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành trong thời gian qua có xu thế giảm dần từ 1,3% năm 2008 xuống còn 0,7 % năm 2012. Trong những năm gần đây thị phần liên tục giảm.

“Bộ Giao thông vận tải cho rằng ngành đường sắt phát triển sớm nhưng thị phần lại phát triển chậm là do luật cũ không sửa đổi. Vậy bây giờ sửa đổi thị phần sẽ tăng lên bao nhiêu?. Khi luật ra đời thì việc lấn chiếm có chấm dứt không khi theo quy định các công trình cách đường sắt 15m nhưng hiện chỉ cách 1,5m. Vậy có giải quyết được không? kinh phí ở đâu?”-bà Hải đặt vấn đề. Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội băn khoăn khi mục tiêu đến năm 2020 đạt 1%, chưa bằng năm 2008.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định: Việc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa lo quản lý kết cấu hạ tầng, vừa lo kinh doanh, chính việc không tách bạch rõ ràng nên dẫn đến nhiều hệ quả. Vừa qua Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã có những sai phạm và bị cơ quan thanh tra chỉ rõ.

“Tại sao cùng trong mảng chính sách giao thông nhưng ngành hàng không phát triển nhanh còn đường sắt phát triển chậm?. Có nước nào xả thẳng vệ sinh như nước ta không?. Chúng ta đề nghị cấm đổ phế thải ra đường sắt vậy có cấm kinh doanh đường sắt mà xả thải thẳng ra đường như vậy không?”-bà Nga đặt vấn đề. Và theo bà Nga phải cải tổ và đột phá trong lĩnh vực này.

“Cần báo cáo Quốc hội cho khách quan là có phải do luật năm 2005 đường lối không đúng không?. Không phải, đấy là do chúng ta không thực hiện thì đừng đổ cho luật không tốt. Hay quy định chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt luật năm 2005 cũng đã quy định mà ta không thực hiện được, bây giờ cần đánh giá khách quan để sửa đổi. Đừng có đổ cho luật năm 2005 là không tốt”-bà Nga chỉ rõ.

Do mô hình cơ cấu, tổ chức?

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thị phần vận tải của đường sắt liên tục giảm so với các lĩnh vực khác là thực tế diễn ra từ năm 2008 cho đến nay. Năm 2014, và 2015 vận tải hành khách đạt 11,2 triệu khách, giảm so với trước rất lớn. Hàng hóa thị phần cũng chỉ chiếm 0,39-0,4%. Đây là do mô hình cơ cấu, tổ chức.

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam quản lý cả hạ tầng và vận tải nên tính cạnh tranh còn hạn chế. Mặt khác tính kết nối giữa đường sắt với các cơ sở hạ tầng khác còn hạn chế, nhiều nơi hàng hóa từ bến cảng vận chuyển lên tàu phải bốc xếp cho nên thị phần giảm.

“Nếu sửa đổi luật, sẽ tách hạ tầng cho thuê tuyến để khai thác, thu hút tư nhân vào dịch vụ đầu máy toa xe, còn nhà nước chỉ lo phần hạ tầng. Khi kết nối vào các mối hàng vào các cảng thì thị phần hàng hóa sẽ tăng lên. Do hạn chế của đầu máy toa xe, nên khi tư nhân vào sẽ kết nối tốt hơn chứ nhà nước tính cạnh tranh không cao. Hiện chưa có tuyến tư nhân đầu tư, kêu gọi, cho thuê vì chúng ta đang giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam quản lý khai thác. Khi sửa Luật kêu gọi tư nhân sẽ tăng được thị phần”-ông Đông cho hay.

Liên quan đến xây đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Đông cho biết, Quốc hội khóa XII chưa thông qua và yêu cầu làm rõ hiệu quả của dự án và lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân. Chính phủ đang giao Bộ Giao thông vận tải cập nhật, nghiên cứu tiền khả thi. Phấn đấu đến năm 2018 Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định lại. Nếu Chính phủ thông qua sẽ trình sang Quốc hội.

Liên quan đến đường sắt tốc độ cao, Hàn Quốc đang nghiên cứu 2 đoạn Hà Nội – Vinh; Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Lộ trình từ giờ đến 2020 xây dựng chủ trương, sau 2020 xây dựng tuyến thí điểm từ Sài Gòn đi Long Thành, sau đó làm tiếp đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh và TP.Hồ Chí Minh. Ngoài 2030 thì sẽ nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội vào Đà Nẵng, từ TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng.

Theo lộ trình dự kiến của Bộ Giao thông vận tải, phù hợp với quy hoạch chiến lược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta xây dựng đến 2050 cơ bản hoàn thành xong tuyến đường sắt tốc độ cao.

Clip Phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tai-sao-nganh-hang-khong-phat-trien-nhanh-con-duong-sat-lai-cham-591828.bld