Tại sao người Mỹ làm lễ hạ quả cầu pha lê trong đêm Giao thừa?

Mỗi năm, có hơn 1 triệu người tập trung về Quảng trường Thời đại để theo dõi lễ hạ quả cầu pha lê, đánh dấu thời khắc bước sang Năm mới. Từ đâu mà ý tưởng hạ quả cầu lại trở thành điểm nhấn trong hoạt động đón Năm mới của người Mỹ?

Người dân Mỹ đón năm mới 2020 tại Quảng trường Thời đại. (Nguồn: Timessquarenyc)

Lễ hạ quả cầu pha lê trong đêm Giao thừa trên Quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ) đã có truyền thống từ hơn 100 năm nay.

Nghi thức đón Năm mới đầu tiên được tổ chức trên Quảng trường Thời đại diễn ra vào năm 1904, với mục đích nâng cao tầm vóc cho trụ sở mới của New York Times, khi tờ báo lâu đời này tìm được một vị trí “đắc địa” để “an cư”, đó chính là tại tòa nhà One Times Square ngày nay.

Muốn việc chuyển tới trụ sở mới thu hút sự chú ý hơn, chủ bút của tờ New York Times lúc bấy giờ - ông Adolph Ochs cho rằng, thời điểm Giao thừa chính là lúc lý tưởng nhất để tiệc tùng “tân gia” cho tòa báo.

Vậy là 200.000 người đã được mời tới trước tòa nhà One Times Square - nơi có trụ sở tòa báo, để cùng tiệc tùng nguyên một ngày cuối năm trên đường phố Quảng trường Thời đại, sự kiện kết thúc với màn pháo hoa khi Năm mới đã điểm. Lúc này, quả cầu ánh sáng vẫn còn chưa xuất hiện.

Quả cầu trên Quảng trường Thời đại lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1907. Khi đó, chủ bút tờ New York Times Adolph Ochs muốn sự kiện tổ chức thường niên của báo thêm phần rực rỡ, ngoạn mục, vì vậy, ông yêu cầu kỹ sư điện và chuyên gia thiết kế của báo cùng hợp tác.

Lấy cảm hứng từ truyền thống hạ quả cầu thường được tiến hành ngoài bến cảng để đánh dấu thời điểm giữa trưa, giúp cho các tàu thuyền cập cảng ở Mỹ có thể thay đổi giờ trên đồng hồ của họ cho khớp với thời gian bản địa, người ta liền nghĩ ra lễ hạ cầu đón Năm mới.

Quả cầu trên Quảng trường Thời đại lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1907. (Nguồn: Timeout.com)

Truyền thống này được tiến hành đều đặn hàng năm, bắt đầu từ năm 1907. Chỉ có hai năm không tiến hành lễ hạ cầu là năm 1942 và 1943.

Trong danh sách những địa điểm đón Năm mới tuyệt vời nhất thế giới, Quảng trường Thời đại luôn đứng số 1. Không khí háo hức của hơn 1 triệu người có mặt tại Quảng trường luôn được xem là lăng kính đẹp nhất, thâu tóm được sự háo hức của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.

Mỗi năm, sự kiện đón Năm mới tại Quảng trường Thời đại luôn được các kênh truyền hình Mỹ phát sóng trực tiếp, thu hút hàng trăm triệu người xem trên khắp thế giới và rất nhiều người ước mình được có mặt tại nơi náo nức ấy. Đó cũng là lý do trong số hơn 1 triệu người có mặt trên Quảng trường Thời đại có rất nhiều du khách nước ngoài.

Thực tế, cái tên “Times Square” (Quảng trường Thời đại) được sinh ra từ sự kiện đình đám của tờ New York Times.

(theo Dân trí)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-sao-nguoi-my-lam-le-ha-qua-cau-pha-le-trong-dem-giao-thua-107049.html