Tại sao nhiều người đắp mền khi ngủ, cả khi trời nóng?

Một chiếc mền có thể giúp điều chỉnh cơ thể để ngủ ngon hơn.

Shutterstock

Nhiệt độ bên ngoài lên tới 40 độ C và bạn chuẩn bị đi ngủ. Đột nhiên, bạn nhận ra đã quên một thứ gì đó và phải dậy đi lấy mền.

Nếu bạn không thể ngủ khi không đắp mền, ngay cả trong những đêm cực kỳ nóng, thì hãy biết rằng có rất nhiều người giống như bạn, theo Deccan Chronicle.

Tại sao ngủ đắp mền lại dễ có giấc ngủ ngon?

Sau đây là câu trả lời: Tất cả là do nhiệt độ.

Ellen Wermter, đại diện của Hiệp hội Better Sleep, ở Virginia (Mỹ), cho biết nhịp điệu sinh học của con người gắn liền với nhiệt độ, và nhiệt độ cơ thể giảm xuống ngay trước khi ngủ.

Cơ thể bảo tồn năng lượng cho việc thực hiện các chức năng khác trong cơ thể, như tiêu hóa chẳng hạn. Do đó, nhiệt độ cơ thể có xu hướng giảm liên tục trong suốt thời gian ngủ. Việc đắp mền giữ cho nhiệt độ cơ thể không xuống quá thấp, giúp không bị thức giấc, theo Deccan Chronicle.

Tại sao khi trời nóng nhiều người vẫn đắp mền?

Khi trời nóng, đắp mền có thể gây rắc rối vì mọi thứ hoạt động ngược lại, và mền giữ nhiệt cho cơ thể. Khi cơ thể nóng lên, nó sẽ đẩy nhiệt độ lên cao hơn và tạo ra một lò hơi bên trong cái mền.

Lúc đó giải pháp dễ dàng để giữ mát và ngủ ngon hơn là “đạp mền” ra. Nhưng dù có đổ mồ hôi và khó chịu đến đâu, nhiều người vẫn không thể rời bỏ cái mền.

Họ có thể ngâm mình trong nước lạnh trước khi phủ mền lên, hoặc thò một chân ra ngoài, hoặc đặt một cái quạt trực tiếp ở cạnh giường. Thậm chí chỉ đắp nửa thân trên. Nhưng bảo bỏ hẳn cái mền ra khỏi người, thì nhất định không chịu.

Tại sao phải đắp mền như vậy, trong khi nếu bỏ mền ra, họ sẽ ngủ ngon hơn?

Cơ thể đã quen với việc xem nhiệt độ thấp, và kèm theo đó là động tác đắp mền, đều là những dấu chỉ báo hiệu của giấc ngủ. Vì vậy, cho dù bên ngoài trời có nóng, khi nhiệt độ bên trong cơ thể giảm xuống, cơ thể chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, họ sẽ tự động muốn đắp mền, theo Deccan Chronicle.

Tương tự như việc giảm nhiệt độ cơ thể là một dấu hiệu cho giấc ngủ bắt đầu, thì việc kéo mền lên khi buồn ngủ cũng vậy. Các chuyên gia gọi những tín hiệu này là mối liên quan cho sự khởi phát của giấc ngủ.

Khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống, não sẽ tự động ra hiệu cho bạn đắp mền theo phản xạ tự nhiên. Đó là một phần của thói quen. Và nếu không làm vậy, bộ não sẽ cảm thấy thiếu một điều kiện gì đó để có thể ngủ và bạn có thể cảm thấy khó chìm vào giấc ngủ, cô Wermter cho biết, theo Deccan Chronicle.

Vì vậy, ngủ đắp mền thì nóng quá, nhưng nếu không đắp mền thì não sẽ cảm thấy còn thiếu gì đó để ngủ.

Còn một lý do nữa

Trong giấc ngủ mắt chuyển động nhanh gọi là giấc ngủ REM - là giai đoạn của giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ, nồng độ serotonin trong não giảm xuống. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác bình an, giáo sư Sanam Hafeez, từ Đại học New York Smith Columbia (Mỹ) cho biết.

Việc sử dụng mền, đặc biệt là ở những người đầy đặn, dẫn đến mức serotonin cao hơn, có nghĩa là chúng có thể giúp ngủ ngon hơn.

Có thể là trọng lượng của mền tạo hiệu ứng như được ôm ấp, gây ra sự kích thích áp lực sâu kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, có khả năng làm tăng dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh làm tăng tâm trạng và mức serotonin ở một số người, theo Huff Post.

Tuy nhiên, việc đắp mền giúp ngủ ngon bao nhiêu thì cũng phá giấc ngủ bấy nhiêu nếu trời nóng nực.

Vậy phải làm sao?

• Thử một chiếc mền làm mát và dày

Mền được thiết kế để giữ mát nhưng vẫn dày, giúp cơ thể cảm giác được ôm ấp mà không bị nóng.

• Hoặc mền bằng vải thun lycra.

Theo các chuyên gia, nó có thể mang lại cho bạn cảm giác được ôm ấp mà không cần một cái mền dày.

• Mền tre cũng có thể giúp

Mền tre ấm áp, nhưng vẫn di chuyển nhiệt ra khỏi cơ thể.

Thiên Lan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/tai-sao-nhieu-nguoi-dap-men-khi-ngu-ca-khi-troi-nong-1115403.html