Tại sao nhiều sở, ngành vẫn 'im lặng' sau những sai phạm của Samco?

Thanh tra TPHCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (Tổng công ty Samco). Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều sở, ngành tại TPHCM vẫn 'im lặng' một cách khó hiểu.

Sai từ nhỏ đến lớn, sai từ trên xuống dưới

Theo Thanh tra TPHCM, Tổng công ty Samco đã mắc rất nhiều sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình nhất vẫn là những sai phạm tại hai công ty “con” là Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé và Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông.

Tổng công ty Samco bị Thanh tra TPHCM chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Công ty Cảng Bến Nghé đã hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu với hình thức cho Công ty Cổ phần Tân Cảng Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu thực chất là hợp tác thành lập pháp nhân mới. Sau đó, Cảng Bến Nghé cho thuê lại cơ sở hạ tầng nêu trên là thực hiện không đúng ý kiến của UBND TPHCM.

Theo kết luận thanh tra, UBND TPHCM chỉ cho phép Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, không phải hợp tác với Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu. Do đó, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng đối tượng, không đúng quy định.

Samco là một doanh nghiệp 100 vốn Nhà nước và có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Thế nhưng, doanh nghiệp này đã không biến những lợi thế có được để thành công mà liên tục mắc sai phạm nghiêm trọng.

Công ty Cảng Bến Nghé cũng chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn đo vẽ hiện trạng và xác định giá trị % còn lại công trình tại Công ty Cảng Bến Nghé với giá trị là 591 triệu đồng. Việc này là không đúng quy định chỉ định thầu đối với gói thầu vượt trên hạn mức chỉ định thầu.

Công ty Cảng Bến Nghé cũng xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của doanh nghiệp mình không hợp lý và chưa có căn cứ. Nhiều tài sản vẫn sử dụng tốt được doanh nghiệp này đánh giá chất lượng còn lại rất thấp. Nếu cơ quan chức năng không kiểm tra kịp thời thì rất nhiều tài sản của Nhà nước thuộc đơn vị này quản lý đã bị giảm giá trị một cách “vô lí”. Ngoài ra, Công ty Cảng Bến Nghé cũng còn rất nhiều sai phạm khác.

Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cũng không là một ngoại lệ. Đây là công ty thành viên của Tổng công ty Samco. Tuy nhiên, Bến xe Miền Đông đã cho thuê mặt bằng kinh doanh, buôn bán không đúng quy định suốt thời gian dài. Hàng chục ngàn chuyến xe ra vào bến xe Miền Đông cũng không được thu phí dịch vụ đúng quy định trong suốt 3 năm từ 2015 – 2017.

Cũng theo kết quả thanh tra, Tổng công ty Samco được UBND thành phố giao quản lý, sử dụng 12 cơ sở nhà, đất trên địa bàn các quận, huyện. Tuy nhiên, có đến 5/12 cơ sở thực hiện không đúng mục đích, tùy tiện cho các đơn vị khác sử dụng.

Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông có nhiều sai phạm khi bị thanh tra.

Điển hình như mặt bằng tại số 1450 Võ Văn Kiệt (phường 1, quận 6), mặt bằng số 444 - 448 Nguyễn Chí Thanh (phường 6, quận 10), mặt bằng số 1135 Quốc lộ 1A (phường Tân Tạo, quận Bình Tân)... Samco xin thuê nhưng không sử dụng mà cho các đơn vị khác thuê lại. Trong quá trình quản lý, các lãnh đạo tổng công ty có dấu hiệu làm thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước. Ngoài ra, Tổng công ty Samco cũng còn mắc hàng loạt sai phạm khác.

Xử lý vi phạm ở Samco khó vậy sao?

Mặc dù sai phạm là “tràn trề” và “đụng đâu sai đó” nhưng cho đến nay vẫn chưa có cá nhân cụ thể nào tại Tổng công ty Samco nhận trách nhiệm về những sai phạm nói trên. Các sở, ngành cũng “im hơi lặng tiếng” một cách khó hiểu.

Theo văn bản của Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài Chính) gửi UBND thành phố thì Chi cục này cho rằng, Tổng công ty Samco và Công ty TNHH Ô tô Toyotsu ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng tại địa chỉ 264 Trần Hưng Đạo (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) khi chưa có ý kiến của các sở, ngành là không đúng với chỉ đạo của UBND TPHCM.

Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé cũng “chi chít” sai phạm.

Do đó, Chi cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về nội dung, các điều kiện và điều khoản của hợp đồng cho thuê nhà xưởng nói trên.

Về việc Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé (thuộc Tổng công ty Samco) hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với hình thức cho Công ty CP Tân Cảng – Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu không đúng quy định và không đúng đối tượng, Chi Cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải có ý kiến về việc này.

Như vậy, việc thanh tra toàn diện Tổng công ty Samco đã được Thanh tra TPHCM hoàn tất và có kết quả từ đầu năm 2018. Thế nhưng, sau 10 tháng thì nhiều sở, ngành ở TPHCM vẫn chưa hề có “động tĩnh” gì thể hiện sự vào cuộc quyết liệt đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TPHCM quản lý.

Điều này khiến dư luận hoài nghi, liệu có phải Tổng công ty Samco là doanh nghiệp thuộc UBND TPHCM nên những cơ quan quản lý nhà nước này "ngại" va chạm?

P.V

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/tai-sao-nhieu-so-nganh-van-im-lang-sau-nhung-sai-pham-cua-samco-46763