Tại sao phải lập đơn vị bầu cử?

Bạn đọc có địa chỉ nguyen...ds@gmail.com hỏi: Tại sao phải lập đơn vị bầu cử mà không sử dụng luôn đơn vị hành chính làm đơn vị bầu cử?

Trả lời: Đơn vị bầu cử được lập ra để cử tri ở đơn vị bầu cử đó bầu ra đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND. Đơn vị bầu cử được lập dựa trên số dân ở một khu vực nhất định trong một đơn vị hành chính. Mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH được bầu không quá 3 đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được bầu không quá 5 đại biểu.

Đơn vị bầu cử không chỉ có giá trị trong mỗi cuộc bầu cử mà còn là căn cứ để xác định nơi mà ĐBQH/đại biểu HĐND phải chịu trách nhiệm trước cử tri/nhân dân trong suốt nhiệm kỳ đại biểu. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 27, Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Trong quá trình tiếp xúc cử tri, ĐBQH có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của ĐBQH; cử tri hoặc đại diện cử tri ở đơn vị bầu cử có thể góp ý kiến với ĐBQH tại hội nghị cử tri do đoàn ĐBQH phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương tổ chức trong trường hợp cần thiết”. Khoản 1, Điều 94, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình...”.

Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Hội đồng Bầu cử quốc gia ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng ĐBQH được bầu theo từng đơn vị bầu cử theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở đề nghị của ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban bầu cử cấp nào thì ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu HĐND được bầu cấp đó theo đề nghị của UBND cùng cấp. Ví dụ, ủy ban bầu cử tỉnh ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu HĐND tỉnh theo đề nghị của UBND tỉnh đó.

Báo Quân đội nhân dân trân trọng cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/theo-dau-don-thu/tai-sao-phai-lap-don-vi-bau-cu-655088