Tại sao phải nhẫn?

Bạn đang phóng xe trên đường, đến một ngã tư. Một chiếc xe khác cũng phóng nhanh về phía bạn, sát sạt bạn, theo chiều vuông góc với bạn. Chắc chắn sẽ có một người phải dừng lại để người còn lại phóng vọt qua mình. Bạn có chắc chắn, người dừng lại đó sẽ là bạn?

Trong cái khoảnh khắc ngắn bằng vài chục giây ấy, rốt cuộc điều gì đã xảy ra trong tâm trí bạn? Phải cố gắng rướn lên, phải cố gắng vượt qua nó, phải cố gắng nhanh nhất có thể - liệu có phải là những suy nghĩ như vậy hay không? Trong một cuộc thảo luận chuyên đề mới đây, tôi đã đặt ra câu hỏi này.

Và sau khi bình tĩnh nhớ lại những gì đã xảy từng ra với mình, có đến 24/30 người đã trả lời: Đúng là như vậy! Có nghĩa, trong cuộc thảo luận của tôi có 25 người vội vàng (tính cả chính tôi nữa), 25 người không chịu nhường nhịn, 25 người ít kiên nhẫn, dù cho sự nhường nhịn (nếu có) cũng chỉ lấy của mình vài chục giây, chẳng bõ bèn gì.

Sở dĩ tôi đặt ra chủ đề này là vì sau một số lần điều khiển giao thông trên đường, rướn ga một cách vô thức/ vọt lên một cách vô thức/ không chịu nhường nhịn một cách vô thức/ tôi đã tự nhìn lại bản thân mình và tự hỏi: có phải lúc ấy mình bận rộn quá không?

Và tôi bất ngờ với câu trả lời của chính mình: Không! Kể cả khi đang đi dạo, chứ không phải đến một buổi họp thì tôi cũng hành xử y như thế. Và tôi nghi vấn, với chỉ riêng trường hợp của mình thôi: Có lẽ, sự vội vàng, thiếu kiên nhẫn đã trở thành một bản năng, ăn sâu vào con người mình?

Thế rồi tôi đặt nghi vấn này cho 24 người còn lại. Người thì đồng ý ngay. Người thì phản đối. Người thì ậm ờ khó nói. Thôi thì mỗi người một căn nguyên nhưng dẫu là căn nguyên nào thì nó cũng phản ánh cái tâm thế thiếu kiên nhẫn của con người hiện đại, trong một chuỗi những vận động của xã hội hiện đại hôm nay.

Tất cả chúng ta đều hiểu: xã hội vận động ngày một nhanh hơn, đã đành rồi nhưng nhanh đến mức chóng mặt, nhanh đến mức phát sốc - đấy là điều mà khi bình tĩnh nhìn lại chính chúng ta cũng phải bàng hoàng. Mới hôm qua vẫn còn nói đến 3.0 - thời đại số hóa, thế mà bây giờ đã nói đến 4.0 - thời đại của trí tuệ nhân tạo và ai cũng chắc chắn rằng gia tốc của 4.0 cao hơn hẳn gia tốc của 3.0, cho dù không chắc đã hiểu rõ bản chất của 4.0 là gì.

Khoảng 20 năm trước, ở thành phố mà tôi sống, nói đến chuyện ăn, về cơ bản tôi thấy người ta ăn thư thả, nói đến chuyện uống, tôi thấy người ta uống từ tốn. Nhưng bây giờ đi trên một con phố chẳng có gì bất ngờ nếu thấy những quán ăn nhanh, những quán uống nhanh và đây nữa, có luôn cả “take away” - tức là những thứ để người ta vừa mang đi, vừa ăn/uống. Nhanh đến mức ấy, liệu chúng ta có đối xử quá tàn bạo với cái dạ dày của mình không?

Vì cái “tập quán nhanh” ăn sâu vào máu chúng ta, lan tỏa đến các hành xử của chúng ta, từ chuyện ăn, chuyện uống đến chuyện đi lại, cho nên có vẻ càng ngày chúng ta càng thiếu kiên nhẫn hơn thì phải. Thiếu kiên nhẫn trong chuyện chấp nhận dừng xe lại vài chục giây, để người khác phóng vọt qua mình mới chỉ là một nhẽ, cho dù là cái nhẽ không dễ sửa chữa và đáng báo động nhưng cái nhẽ đáng sợ hơn nằm ở sự thiếu kiên nhẫn trong tư duy, trong nhìn nhận, trong đánh giá và phán xét các vấn đề.

Bạn thử nghĩ lại xem: cũng là người bạn học đại học với mình ngày xưa nhưng giờ người ta có nhà biệt thự phố to, có tài xế riêng, ô tô đưa đón mỗi ngày, có con học trường quốc tế, trong khi bạn vẫn ở cái nhà tập thể quèn, vẫn chạy cái xe máy cũ, và chỉ đủ tiền cho con học trường công lập - hãy trả lời thành thực xem, trước sự tương phản ấy, bạn có thấy mất kiên nhẫn với chính mình hơn không? Ai đó đột nhiên xuất hiện và “mách” vào tai bạn: “Đừng nhìn vào sự giàu có của nó mà hoảng. Nó toàn tham ô tham nhũng đấy. Rồi có ngày tù rũ xương”.

Bạn lập tức hiểu: À, ra thế! Nhưng sau cái “à ra thế” sẽ thế nào? Sẽ bình tĩnh tiếp tục đi trên con đường chân chính nhưng nghèo khó của mình, hay vẫn lấn cấn, vẫn so bì và thế là khi cơ hội đến, với tất cả những “lấn cân, so bì” vốn ấp ủ bấy lâu, bạn sẽ không ngại đi theo đúng con đường của cậu bạn mình?

Hãy thử nhìn vào chính những đồng nghiệp của bạn, chắc chắn bạn đã thấy những người hôm nay tốt nhưng ngày mai không tốt vì đứng vào hàng ngũ của sự không tốt họ có thể giàu có nhanh hơn, tầm ảnh hưởng lớn hơn. Tức là, họ đã đánh mất đi sự kiên nhẫn trong cái hành trình chính đạo mà trước đó họ quyết tâm theo đuổi.

Kiên nhẫn với một con đường, kiên nhẫn với cái tử tế, kiên nhẫn với những giá trị nhân văn và tốt đẹp - điều ấy vốn dĩ không bao giờ đơn giản. Ngay cả ông thầy Đường Tăng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng đã có những thoáng mất kiên nhẫn khi lạc vào và bị bủa vây bởi một vương quốc toàn phụ nữ kia mà. Nhưng Đường Tăng đã vượt thoát khỏi cái thoáng mất kiên nhẫn ấy bằng phẩm đạo của một vị chân tu.

Ở Việt Nam cũng từng có câu chuyện tương tự khi vua Trần Anh Tông cử cung nữ Điểm Bích lên núi Yên Tử để thử lòng thiền sư Huyền Quang - vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, sau Trần Nhân Tông và Pháp Loa. Sách Tam tổ thực lục kể rằng, sau khi từ Yên Tử hồi cung, Điểm Bích đã tâu nguyên văn những lời sau với vua Trần: “Tôi vâng chiếu chỉ đi thử thiền sư Huyền Quang. Đến chùa Vân Yên, vào ở nhờ một bà vãi già, tự xưng là con gái nhà dân, xin được theo học đạo tôn sư. Bà vãi già thường sai tôi dâng nước chè lên cho sư. Trải qua hơn một tháng sư không hề liếc nhìn, hỏi han gì tôi cả. Một hôm nửa đêm sư lên nhà tụng kinh, đến canh ba, sư và đám tăng ni ai nấy đều về phòng mình mà ngủ. Tôi bèn đến bên cạnh phòng của thiền sư xem động tĩnh thế nào thì thấy sư ngâm lời kệ rằng:

“Vằng vặc giăng mai ánh nước

Hiu hiu gió trúc khua sênh

Người vừa tươi tốt cảnh vừa lạ

Mầu Thích Ca nào chẳng hữu tình”.

Sư ngâm đi ngâm lại mãi, tôi bèn vào phòng tăng, từ biệt sư để về thăm cha mẹ, để sang năm sẽ quay lại học đạo. Sư bèn giữ tôi lại ngủ một đêm, rồi cho tôi một dật vàng”.

Nhà vua nghe đến đây thì giận lắm và cho rằng Huyền Quang đã lộ ra chân tướng của mình. Cũng phải nói thêm rằng trước khi nhận y bát của Trúc Lâm Yên Tử, Huyền Quang từng đỗ trạng nguyên và từng từ hôn cả công chúa nhà Trần. Thành thử, khi biết ở chốn rừng sâu Yên Tử, Huyền Quang lại động lòng trước một cô cung nữ do mình âm thầm cử đến làm “gián điệp” thì nhà vua không thể chấp nhận được. Nếu câu chuyện dừng ở đây, chúng ta có thể kết luận: vậy là còn đi xa hơn cả Đường Tăng, thiền sư Huyền Quang đã mất đạo, mất mình, mất kiên nhẫn đến mức khó mà dung tha được. Nhưng thực tế câu chuyện không kết thúc như vậy. Sau này vua Trần phát hiện ra Điểm Bích tấu bậy, đổ oan cho Huyền Quang, đã quyết định giải oan cho quốc sư của mình và tiếp tục giao cho quốc sư làm chủ các buổi tế lễ quốc gia.

Câu chuyện này gợi ra một cách nghĩ cho thời hiện đại hôm nay: không nhất thiết phải là tu sĩ như Đường Tăng hay Huyền Quang nhưng nếu có đạo và hiểu đạo một cách thực sự (bất luận là đạo gì) thì con người ta cũng dễ giữ tâm hồn và hành động của mình một cách tĩnh lặng hơn. Qua đó, dễ kiên tâm, nhẫn nại hơn.

Việc rất nhiều người hiện đại hôm nay có xu thế tìm đến với thiền học và các thiền viện phải chăng là vì thế? Thiền có thể giúp chúng ta tĩnh tại, kiên nhẫn hơn. Nói rộng ra, tôn giáo có thể giúp chúng ta kiên nhẫn hơn. Nhưng nếu không có đôi cánh ấy thì sao? Thì việc của mỗi người là nhất định phải đi tìm một đôi cách khác, một phương thức khác, phù hợp nhất với mình.

Nếu chúng ta vẫn nói rằng cuộc sống ngày một nhanh hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn thì cũng đừng quên một nhận định rất đáng chú ý của một triết gia: “Văn minh là gì bạn biết không? Văn minh là nhốt thiên nhiên vào trong một cái lồng”.

Khi chúng ta ý thức rằng mọi sự nhanh - chậm, thắng - thua của cái thời đại được gọi tên bằng những con số cùng với một dấu chấm (2.0, 3.0, 4.0) suy cho cùng cũng chỉ gói gọn trong một cái lồng thì chính ý thức đứng ngoài cái lồng, đứng về phía tự nhiên sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn với những thứ giá trị tử tế mà chúng ta đã và đang theo đuổi.

Tại sao phải kiên nhẫn? Tại vì nếu không kiên nhẫn và bình tĩnh thì mỗi chúng ta sẽ bị nhốt vào một cái lồng và tất cả những cái lồng đó lại bị nhốt chung vào một cái lồng vĩ đại.

Phan Mỹ Chí

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tai-sao-phai-nhan-565773/