Tại sao phải sống có trách nhiệm ?

Nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ hiện nay vẫn chưa ý thức được hết về việc sống có trách nhiệm. Liệu có đúng là như vậy?

Giúp đỡ những người yếu thế cũng là cách chia sẻ trách nhiệm của người trẻ - Ảnh: N.T.N

Hiểu, nhưng chưa làm được

Đó là tâm sự rất thật của khá đông bạn trẻ, là học sinh, sinh viên về vấn đề này. Họ cho rằng sống có trách nhiệm là cần phải làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với bản thân, gia đình, trường lớp và xã hội. Ngoài ra, đã dám làm thì dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Quang Anh, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, không ngần ngại thừa nhận: “Tuy hiểu là vậy, nhưng tự xét thấy bản thân mình chưa thực hiện được điều này”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo kỹ năng Ý Tưởng Việt, cũng nhìn nhận bên cạnh những người trẻ có tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội thì vẫn tồn tại một bộ phận bạn trẻ thờ ơ với cụm từ “trách nhiệm”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty giáo dục DeltaViet cũng cho rằng giới trẻ hiện nay đang gặp một số lỗi nhỏ trong việc sống chưa có trách nhiệm. Ông Minh dẫn chứng hàng loạt câu chuyện về giới trẻ chưa có trách nhiệm với bản thân như: coi thường sức khỏe, thức khuya, lười học, lười tập thể dục; Hay trốn tránh trách nhiệm, đổ thừa, dựa dẫm và ỷ lại với những người xung quanh là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Và cả việc chưa có trách nhiệm với xã hội như: không vứt rác vào đúng nơi quy định, vi phạm luật giao thông…

Đặc tính quan trọng của người thành công

Vấn đề này cũng được đặt ra trên các diễn đàn học sinh, sinh viên thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên. Trong đó, đáng chú ý có ý kiến thắc mắc không hiểu tại sao phải sống có trách nhiệm.

Bà Đặng Thị Kim Chi, giảng viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, cho rằng sống có trách nhiệm là một chuẩn mực để đánh giá nhân cách, sự trưởng thành của một người. Khi sống có trách nhiệm thì không phải nói những từ “giá như”, “nếu”…

Bà Nhung cũng cho rằng đây là một nét sống đẹp, là phẩm chất cần có của những người trẻ hiện đại. Ngoài ra còn là hành động khẳng định giá trị bản thân, là dấu hiệu cơ bản, quan trọng của việc hòa nhập với cộng đồng và giúp cho cuộc sống chung trở nên tốt đẹp hơn.

Còn ông Minh thì khẳng định, đây là một trong những đặc tính quan trọng của người thành công. “Khi nói là làm, dám chịu trách nhiệm về những gì bản thân thực hiện thì không chỉ lấy được lòng tin từ người khác mà còn nâng cao giá trị bản thân. Chính điều đó sẽ khiến dễ thành công, giàu có, có được nhiều mối quan hệ chất lượng hơn”, ông Minh lý giải.

Để sống có trách nhiệm

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, để sống có trách nhiệm không hề khó.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, cho rằng tự mỗi người hãy trả lời triệt để câu hỏi: “Tôi là ai”. Nếu như ý thức được bản thân là ai, đang đóng vai trò gì trong từng hoàn cảnh cụ thể. Hành động và ứng xử phù hợp với từng vai trò ấy thì hai từ trách nhiệm sẽ xuất hiện và hình thành.

Ông An khuyên muốn là người con có trách nhiệm thì hãy hiểu hoàn cảnh gia đình chứ đừng đua đòi, a dua theo những sự hào nhoáng bề ngoài để được nổi bật. Hay trở thành học sinh, sinh viên có trách nhiệm thì phải thực hiện tốt nghĩa vụ học tập, trau dồi kỹ năng, tích lũy tri thức chứ đừng mải mê trốn học đi chơi…

Để có trách nhiệm được với những việc lớn thì hãy tập có trách nhiệm từ những việc nhỏ.

Bà Nhung gợi ý những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt, đơn giản nhưng qua đó có thể trau dồi đức tính sống có trách nhiệm này, và giới trẻ nên làm ngay như: Đã hứa thì giữ lời; ý thức được nhiệm vụ chính của bản thân ở từng giai đoạn để làm thật tốt nhiệm vụ ấy; thực hiện đúng vai trò người con trong gia đình: hiếu thảo, lễ phép, biết phụ giúp gia đình; dám đối diện với sai lầm và có ý thức khắc phục để hoàn thiện bản thân; hãy tham gia các câu lạc bộ tình nguyện để tập thói quen chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh…

Nguyễn Thanh Nam - Trâm Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/tai-sao-phai-song-co-trach-nhiem-89364.html