Tại sao phù thủy trong truyện cổ tích thường là phụ nữ già

Trong suốt nhiều năm, trí tuệ dân gian thường hình dung phù thủy là mụ già gầy ốm, mắt ti hí, mũi khoằm mụn nhọt, hàm chỉ còn đôi ba chiếc răng, cưỡi chổi, pha chế thuốc độc.

Tạo hình phù thủy trong Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Ảnh: Disney.

Rất nhiều truyện cổ tích mang nội dung là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Bằng cách dồn hết sự quan tâm tới các nhân vật tốt, chúng ta thường quên xem xét các nhân vật xấu xa trong câu chuyện. Và trong nhiều truyện cổ tích, người ta hay nói về các phù thủy hãm hại công chúa hoặc hoàng tử.

Truyện của nhà em nhà Grimm có phù thủy cho Bạch Tuyết ăn táo độc; phù thủy bắt Gretel nhóm lò để nấu Hansel; truyện của Andersen có mụ phù thủy đã cắt lưỡi Nàng tiên cá Ariel; truyện cổ Nga và Đông Âu có phù thủy đầm lầy rất đáng sợ - Baba Yaga - cưỡi chổi bay, sống ở rừng sâu trong túp lều chân gà mà xung quanh có hàng rào bằng xương sọ phát sáng...

Trong suốt nhiều năm, trải qua nhiều thế hệ, trí tuệ dân gian thường hình dung phù thủy là mụ già gầy ốm, gù lưng, tóc bạc, mắt ti hí, cái mũi khoằm mụn nhọt, hàm chỉ còn đôi ba chiếc răng, giọng nói the khé khàn khàn, mặt mày cạu quọ, xấu xí... Hình ảnh các phù thủy phe ác được đóng khung trong hình ảnh một mụ già, trái ngược với các nàng công chúa đẹp, các chàng hoàng tử hào hoa bên phe thiện. Nhưng tại sao gương mặt xấu xa, đại diện cho cái ác lại thường thuộc về mụ phù thủy - một phụ nữ già cả?

Quyển sách mở đầu cho cuộc săn phù thủy

Từ đầu thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XVII, đã có hàng nghìn người bị các tòa án dị giáo buộc tội làm phù thủy và xử tội chết. Hầu hết trong số đó là phụ nữ. Hiện tượng này được đặt tên là “săn phù thủy” từng nổi tiếng trong lịch sử châu Âu. Cuộc săn phù thủy bắt đầu với ý tưởng của giới cai trị nhằm tìm cách phá hủy “khái niệm kỳ diệu về cơ thể” đã có trong tâm trí xã hội.

Các tầng lớp lao động có ý tưởng rằng với cơ thể có sức mạnh siêu nhiên, họ sẽ mạnh mẽ hơn và có thể tiến lên một giai tầng xã hội cao hơn, có được một vị thế cao hơn những gì họ đang có. Với việc phá hủy khái niệm kỳ diệu về cơ thể, mục tiêu của tầng lớp cai trị là biến người lao động thành những cỗ máy làm việc mà không có sự phản kháng. Do đó, giai cấp thống trị bắt đầu tìm kiếm những lý do để phá vỡ tưởng tượng ma thuật cơ thể của giai cấp lao động.

Tòa án dị giáo lập một danh sách các đặc điểm xác định thế nào là một người có kỹ năng ma thuật, rồi xử tội những người này. Từ đó ma thuật và phù thủy là điều mà không ai muốn dính líu.

Quyển chuyên luận Búa phù thủy (Malleus maleficarum) có lẽ là cuốn sách có ảnh hưởng nhất và được sử dụng rộng rãi nhất để nhận biết phù thủy. Sách được xuất bản vào năm 1485, là một trong những cuốn sách đầu tiên được in trên máy in và đã tái bản không dưới 20 lần.

Sách viết về “tất cả những điều xấu xa” nhưng “tất cả” ở đây chỉ là sự xấu xa thuộc về nữ giới: phụ nữ là kẻ thù của tình bạn, một sự xấu xa cần thiết, một sự cám dỗ tự nhiên, một tai họa nguy hiểm, sự gièm pha, bản chất xấu xa... Phụ nữ là công cụ của Satan - bản chất họ là ham muốn xác thịt, một khiếm khuyết cấu trúc bắt nguồn từ sự sáng tạo khai nguyên... Nó trở thành cuốn cẩm nang có ảnh hưởng và được sử dụng rộng rãi nhất về việc săn phù thủy.

Theo đó, một phù thủy sẽ được xác định bởi bốn đặc điểm chính: thực hành ma thuật hoặc làm hại người/súc vật bằng các phương tiện siêu nhiên; biết bay; tham dự các cuộc họp mặt của phù thủy và ký hiệp ước với ma quỷ.

Người ta cũng tin rằng phù thủy có thể gây ra những cơn bão lớn, gây vô sinh ở nam giới, có thói quen ăn thịt trẻ em và những người mà họ không giết thì sẽ được cúng tế cho ma quỷ. Phù thủy thậm chí còn có thể gây sẩy thai và mê hoặc đàn ông, giết chết đàn ông bị cám dỗ chỉ bằng cách nhìn vào họ.

Phụ nữ không phụ thuộc vào đàn ông có nguy cơ trở thành phù thủy

Từ khởi thủy của loài người, phụ nữ ngoài việc sinh nở, còn là lực lượng lao động hái lượm, chăm sóc sức khỏe gia đình, chọn lọc thực vật làm thực phẩm nấu nướng.

Họ trở thành người có kiến thức cơ bản về y tế và sinh vật học và cả hóa học. Với kiến thức thu nạp được, phụ nữ dạy dỗ con cái, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau. Theo thời gian những người phụ nữ trở thành những người bảo vệ tri thức. Từ đây quyền lực nữ tính đã manh nha hình thành, đi cùng nó là nỗi sợ quyền lực nữ giới của chế độ phụ hệ gia trưởng.

Sách Malleus maleficarum. Ảnh: Amazon.

Nhiều học giả cho rằng chính những phụ nữ dường như độc lập nhất với các chuẩn mực gia trưởng - đặc biệt là những người cao tuổi sống bên ngoài các quy tắc của gia đình phụ hệ - là những người dễ bị cáo buộc là phù thủy nhất.

Phần lớn những người bị buộc tội đều là phụ nữ trên 50 tuổi. Bởi những người ở độ tuổi trung niên được cho là những nạn nhân phổ biến nhất, là những người chưa từng có con, được coi là “nhóm phụ nữ khó hòa nhập nhất” vào ma trận xã hội do nam giới thống trị.

Họ có thể tồn tại bên ngoài ranh giới của xã hội, sử dụng kiến thức và sức mạnh của họ để thay đổi hoặc thoát khỏi các quy luật bình thường của vũ trụ. Và chế độ gia trưởng sợ những người phụ nữ không điển hình này, bởi họ độc lập, không phụ thuộc, không có gia đình, hoặc có nhiều tài sản nhưng không có đàn ông chống lưng, thì các phụ nữ này đều có thể trở thành đối tượng nghi ngờ sẽ là phần tử gây rối cho chế độ mà đàn ông nắm quyền quyết định.

Trong các xã hội nông nghiệp, phụ nữ trung niên trở thành nền tảng của nền kinh tế nông dân - cần thiết cho chế biến thực phẩm, sản xuất dệt may, chăm sóc sức khỏe, và nhiều công việc đồng áng.

Nhưng các nền văn hóa nông nghiệp cũng có xu hướng tăng cường các mô hình phụ hệ mà phụ nữ phụ thuộc. Trong những xã hội này, nam giới thường kiểm soát tất cả hoặc hầu hết tài sản và sau đó ưu tiên chuyển nó cho các con trai - còn con gái sẽ kết hôn và rời khỏi gia đình cha mẹ đẻ theo truyền thống. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ không thể thừa kế đất đai, và buộc phải phụ thuộc vào chồng, con trai hoặc anh em.

Một số phụ nữ lớn tuổi nghèo khổ, là gánh nặng kinh tế cho gia đình, có thể bị buộc tội là phù thủy. Tuy nhiên, nếu họ cố gắng đảm bảo độc lập về mặt kinh tế, họ cũng bị trừng phạt vì điều đó.

Một khi cộng đồng cảm thấy bị đe dọa hoặc cảm thấy thách thức đối với các dàn xếp quyền lực truyền thống, những người phụ nữ già cả yếu thế sẽ trở thành vật hiến tế đầu tiên. Vì xét một cách công bằng, những người phụ nữ già yếu, quá tuổi sinh sản sẽ không đóng góp hoặc có ích gì cho cộng đồng nữa, thường bị coi là mối đe dọa và gánh nặng. Và từ đây, hình ảnh người phụ nữ già đã gắn liền với mọi người phụ nữ ác độc trong các câu chuyện cổ tích.

Bằng chứng cho thấy rằng niềm tin về phù thủy phải là một phụ nữ già xấu, sống đơn độc trong rừng, cưỡi chổi, thường xuyên tham gia các buổi tụ họp phù thủy ở nghĩa địa, chế thuốc độc để hại người đã định hình trong cách nhìn của xã hội.

Trong nhiều trường hợp, hình ảnh phù thủy và phụ nữ già đã được được đồng hóa với nhau, và hình ảnh đó đã được văn hóa đại chúng phát triển, khắc sâu. Sự khác biệt là hầu hết chúng ta coi nó như một câu chuyện đơn giản xuất hiện trong sách dành cho trẻ nhỏ hoặc các bộ phim ma thuật kinh dị hoặc viễn tưởng.

Hà Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-phu-thuy-trong-truyen-co-tich-thuong-la-phu-nu-gia-post1369315.html