Tại sao Taliban vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Iran?

Iran và Taliban cùng chia sẻ nhiều lợi ích và có cùng những mối đe dọa trong khu vực, vì vậy Mỹ khó mà chia rẽ họ.

Iran và Taliban cùng chia sẻ nhiều lợi ích và có cùng những mối đe dọa trong khu vực, vì vậy Mỹ khó mà chia rẽ họ.

Các đại diện của Taliban trong cuộc đàm phán với Mỹ. Ảnh: AP

Yêu cầu của Mỹ

Tuần trước, Taliban cảnh báo Mỹ phải kiềm chế khi đưa ra các yêu cầu bổ sung đối với nhóm này. Vài ngày trước đó, nhóm nổi dậy bày tỏ sự thất vọng với những gì họ mô tả là những yêu cầu bổ sung của Mỹ. Theo đó, Mỹ đã yêu cầu Taliban không cho phép các nhóm cực đoan khác, chẳng hạn như Al-Qeada, sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công Mỹ. Taliban sẵn sàng đảm bảo điều này để đổi lấy thỏa thuận Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan. Mỹ cũng yêu cầu Taliban thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán nội bộ với Afghanistan. Trong khi Taliban đang đáp ứng yêu cầu của Mỹ, thì Washington đã yêu cầu nhóm nổi dậy cắt đứt quan hệ với Iran sau những căng thẳng gần đây trong quan hệ Washington-Tehran.

Vài ngày sau vụ Mỹ ám sát tướng Qasem Soleimani của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran phá hoại tiến trình hòa bình Afghanistan bằng cách sử dụng các nhóm phiến quân ở nước này, đồng thời cảnh báo Taliban phải chấm dứt quan hệ với chính quyền nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông Pompeo nhấn mạnh rằng sự vướng víu của Taliban ở Iran, công việc bẩn thỉu của Iran sẽ chỉ làm tổn hại đến tiến trình hòa bình của Afghanistan. Tuy nhiên, ông Pompeo không cung cấp thông tin chi tiết để chứng minh cho kết luận của mình. Một tuần sau, trong khi phái viên hòa bình của Mỹ tại Afghanistan và lãnh đạo Taliban đang tham gia vào một vòng đàm phán mới ở Doha, lãnh đạo đảng Hizb-i-Islami, Gulbuddin Hekmatyar, thông báo Washington đã yêu cầu nhóm nổi dậy cắt đứt quan hệ với Iran. Nhiều quan sát nhận định, Taliban có khả năng sẽ không thực hiện yêu cầu của Mỹ, bởi mối quan hệ giữa họ và Iran mang lại những lợi ích nhất định.

Đôi bên cùng có lợi

Mặc dù Iran và Taliban vẫn đang trong cuộc cạnh tranh giáo phái trong những năm 1990, diễn biến khu vực sau vụ khủng bố 11-9, đặc biệt là sự thù địch chung đối với Mỹ cùng với nhiều diễn biến bên trong và bên ngoài khác cho thấy tình hình sẽ gây bất lợi nếu Taliban cắt đứt quan hệ với nước cộng hòa Hồi giáo. Sự thù hận bè phái giữa Iran và Taliban đã “bốc hơi”, mở đường cho sự liên kết lâu dài ổn định tập trung vào nền Hồi giáo chính trị.

Trong những năm 1990, Taliban đã nhận được sự bảo trợ từ đối thủ của Saudi Arabia - Iran. Tuy nhiên, Riyadh rất khó có thể đứng về phía Taliban trước áp lực của “người bảo trợ” Mỹ sau vụ 11-9. Các biện pháp khắc nghiệt của Saudi Arabia đối với Qatar, nơi Taliban có văn phòng chính trị đã giúp Taliban cải thiện mối quan hệ với Tehran, xóa tan những đám mây nghi ngờ và hiểu lầm giữa Iran và Taliban. Với việc Iran thể hiện sự mạnh mẽ của một quốc gia Hồi giáo thần quyền, Taliban hiểu rằng họ sẽ gặp bất lợi nếu làm suy giảm mối quan hệ với Tehran, đặc biệt là khi nhóm này đang nỗ lực để thành lập một chính phủ dựa trên các giá trị Hồi giáo ở Afghanistan.

Việc cải thiện mối quan hệ được thể hiện rõ khi Taliban tiếp tục tham vấn chính quyền Iran. Ban lãnh đạo Taliban đã thực hiện một số chuyến thăm tới Tehran kể từ khi nhóm bắt đầu đàm phán hòa bình với Mỹ. Những chuyến thăm gần đây nhất sau khi các cuộc đàm phán ở Mỹ-Taliban gặp trục trặc không chỉ phản ánh vai trò của Tehran đối với cuộc nổi dậy ở Afghanistan mà còn cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng giữa hai bên.

Iran vô cùng quan trọng đối với Taliban vì nước này duy trì mối quan hệ tốt với tất cả các phe phái ở Afghanistan. Tehran có mối quan hệ tốt đẹp với Cố vấn cấp cao Afghanistan Abdullah Abdullah, người gần đây đã chấp nhận cách cư xử nhẹ nhàng và nồng hậu với Taliban. Ngược lại, Tổng thống Ashraf Ghani lại không muốn bất kỳ sự ưu ái nào cho Taliban. Chẳng hạn, gần đây, khi Taliban từ chối đồng ý ngừng bắn, nhưng tỏ ra sẵn sàng giảm bạo lực, thì chính quyền Kabul lại bất hòa: ông Abdullah hoan nghênh động thái này, nhưng ông Ghani gọi đó là một cái cớ. Tuy nhiên, Iran cũng đã thúc đẩy mối quan hệ suôn sẻ với phe của ông Ghani. Do đó, trong các sự kiện đàm phán nội bộ Afghanistan, Tehran được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng của một nhà môi giới quyền lực, và đối với Taliban, thiên hướng Hồi giáo Iran có thể ủng hộ họ trong việc xây dựng ranh giới tốt đẹp giữa nước cộng hòa và tiểu vương quốc.

Ngoài ra, và thú vị hơn, cả Iran và Taliban đều phải đối mặt với nhiều mối đe dọa sắp xảy ra. Cả hai vẫn trong cuộc đấu tranh trực tiếp với IS và lực lượng Mỹ, với mục đích cuối cùng là tiêu diệt IS và trục xuất Mỹ khỏi khu vực. Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISKP), nhóm khủng bố có liên kết với IS, ở Afghanistan và cuộc cạnh tranh chiến lược với các nhóm nổi dậy khác ở Afghanistan đã yêu cầu Iran và Taliban tiếp tục giữ vững mối quan hệ.

Hiện tại, Taliban kiểm soát nhiều lãnh thổ ở Afghanistan hơn kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, việc Taliban bác lời đề nghị hòa bình và yêu cầu ngừng bắn, cũng như kiên quyết về việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan cho thấy Washington đã thất bại trong kế hoạch ở Afghanistan.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_220467_tai-sao-taliban-van-giu-moi-quan-he-chat-che-voi-i.aspx