Tại sao tên lửa đạn đạo 9M714 Oka dù mạnh nhưng không được Nga khôi phục sản xuất?

Tên lửa đạn đạo 9M714 Oka được cho là sự bổ sung đáng giá cho Quân đội Nga do việc sản xuất nó đơn giản hơn Iskander-M khá nhiều. Tuy nhiên có lý do để họ không khôi phục lại việc sản xuất loại tên lửa này.

Tất cả các bệ phóng và tên lửa đạn đạo chiến thuật thuộc tổ hợp 9M714 Oka có trong biên chế Quân đội Liên Xô đã bị loại bỏ vào năm 1987, trong khuôn khổ Hiệp ước INF.

Tất cả các bệ phóng và tên lửa đạn đạo chiến thuật thuộc tổ hợp 9M714 Oka có trong biên chế Quân đội Liên Xô đã bị loại bỏ vào năm 1987, trong khuôn khổ Hiệp ước INF.

Tuy vậy có một số thông tin cho rằng vào năm 2017 và đặc biệt là năm 2022, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã có kế hoạch khôi phục các tổ hợp Oka, do công nghệ sản xuất loại vũ khí này đơn giản, cho phép chế tạo với tốc độ nhanh và số lượng lớn.

Nhưng rồi thực tế đã không có gì xảy ra, nhiều quan chức quân sự Nga cho rằng vai trò của Oka đã được Iskander-M thay thế một cách hoàn hảo, không đáng để quay lại sản xuất thứ vũ khí cũ từ thời Liên Xô, cho dù nó sở hữu một vài ưu điểm.

Cần nhắc lại, việc sản xuất hàng loạt tổ hợp tên lửa đạn đạo Oka tại Liên Xô bắt đầu vào năm 1979, và đến năm 1987, tổng cộng có 208 tên lửa nhiên liệu rắn loại 9M714 với nhiều sửa đổi và 106 xe mang phóng tự hành đã được xuất xưởng.

Một phần nhỏ trong số tên lửa này được cung cấp cho các quốc gia thuộc Liên Xô và khối Hiệp ước Warsar. Đặc biệt hơn là từ đó, Liên bang Xô Viết chỉ đủ khả năng sản xuất khoảng 20 tên lửa đạn đạo cho tổ hợp này mỗi năm.

Tầm bắn thực tế của Oka phụ thuộc vào phiên bản cải tiến cụ thể của tên lửa 9M714 và trang bị của nó: Phiên bản đầu đạn hạt nhân 9M714B có tầm bắn lên tới 500 km, với khối lượng đầu đạn 375 kg.

Trong khi đó phiên bản 9M714F sử dụng đầu đạn nổ phá mảnh có tầm bắn 450 km và trọng lượng đầu đạn khoảng 450 kg; biến thể 9M714K có tầm bắn chỉ 300 km, nhưng thay vào đó, khối lượng của đầu đạn là 715 kg.

Điều thú vị là các tên lửa thuộc họ 9M714 có kích thước tương đối lớn với chiều dài thân là 7,5 mét, trọng lượng ban đầu trong khoảng 4,4 - 4,6 tấn, tùy thuộc vào sửa đổi.

Trong khi đó tên lửa đạn đạo 9M723 dành cho tổ hợp Iskander-M trông "nhỏ gọn" hơn đáng kể với chiều dài thân 7,2 mét và trọng lượng phóng xấp xỉ 3,8 tấn.

Việc tất cả các chức năng được tích hợp vào xe mang phóng tự hành 9P71 của Oka đã gây ra những lời phàn nàn khi cho rằng quá "ôm đồm" và gây ra phức tạp không cần thiết.

Để so sánh, tổ hợp Iskander-M, chức năng được phân phối cho nhiều phương tiện bao gồm xe mang phóng tự hành 9P78, xe chỉ huy 9C552, xe bảo trì và xe thông tin loại 9C920 (để nhận dữ liệu từ máy bay trinh sát hoặc UAV).

Mặc dù cồng kềnh nhưng điều này thực sự mang lại lợi thế riêng cho Iskander-M, bởi vì việc "phân cấp" chức năng như vậy góp phần mang lại khả năng sống sót cao hơn nếu phải hứng chịu một cuộc tấn công trả đũa.

Phía Nga còn phàn nàn về việc Hiệp ước INF đã phá hủy phiên bản tiên tiến nhất Oka-U với tên lửa có tầm bắn lên tới 600 km, trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp, sử dụng công cụ tìm kiếm dựa trên radar.

Phiên bản Oka-U có thể khai hỏa dưới sự dẫn đường của máy bay AWACS A-50, tuy vậy có vẻ như ít nhất một số công nghệ của biến thể này đã được các kỹ sư Nga sử dụng làm nền tảng cho Iskander-M của họ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tai-sao-ten-lua-dan-dao-9m714-oka-du-manh-nhung-khong-duoc-nga-khoi-phuc-san-xuat-post541965.antd