Tại sao tên lửa siêu âm Nga lại trở thành mục tiêu bay của Hải quân Mỹ?

Với sự phát triển rộng rãi của các dòng vũ khí siêu thanh và siêu vượt âm, Hải quân Mỹ dành rất nhiều nguồn lực để phát triển phương tiện mô phỏng cho các loại vũ khí phòng thủ. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại không như mong muốn và người Mỹ đã tìm ra một cách đặc biệt là sử dụng tên lửa siêu âm của Nga để làm mục tiêu bay.

Trong bài phân tích mới đây của Tạp chí The Drives, nhiều thông tin về việc Mỹ đã lợi dụng sự tan vỡ của Liên Xô để bí mật mua lại tên lửa siêu thanh Kh-31 đầu những năm 1990 để biến chúng thành mục tiêu bay được công bố. Đây là cách làm sáng tạo của người Mỹ để thay thế cho các chương trình phát triển mục tiêu bay nội địa với tên gọi Mục tiêu bay siêu âm bay bám địa hình (SLAT) YAQM-127A. Kể cả tới thời điểm hiện tại, nền tảng công nghệ của tên lửa Kh-31 hiện vẫn được sử dụng trên dòng mục tiêu bay siêu âm hiện đại nhất của Mỹ hiện nay là GQM-163A Coyote để mô phỏng các dòng tên lửa diệt hạm siêu âm hiện đại.

Cơn đau đầu của người Mỹ

Trong giai đoạn cuối của chiến tranh Lạnh, vào những năm 1980, trước sự vượt trội về công nghệ tên lửa hành trình siêu vượt âm của Liên Xô đã khiến Hải quân Mỹ cần các mục tiêu bay có tốc độ và tính năng gần tương đương để mô phỏng các phương án đối phó. Đây chính là tiền đề để chương trình SLAT YAQM-127A được khởi động vào năm 1983. Sau khi lựa chọn, hãng chế tạo Martin Marietta đã được Hải quân Mỹ lựa chọn là nhà thầu phát triển mục tiêu bay YAQM-127A.

 Các mẫu mục tiêu bay YAQM-127A không đáp ứng khả năng mô phỏng các dòng tên lửa siêu âm tương lai của Liên Xô và Nga..

Các mẫu mục tiêu bay YAQM-127A không đáp ứng khả năng mô phỏng các dòng tên lửa siêu âm tương lai của Liên Xô và Nga..

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khi thực hiện chương trình SLAT là các nhà khoa học Mỹ không thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật của động cơ phản lực dòng thẳng – ramjet cỡ nhỏ đủ để lắp đặt trên các mục tiêu bay. “Cơn đau đầu” kỹ thuật này khiến toàn bộ chương trình SLAT bị đình trệ và hủy bỏ.

Chuyên gia Joseph Trevithick thuộc Tạp chí The Drive cho biết: “Vì các vấn đề kỹ thuật, từ tháng 11-1987 đến tháng 1-1989, đã có 6 vụ thử mục tiêu bay YAQM-127A được thực hiện, nhưng chỉ có 1 vụ thử thành công. Sau các vụ thử thất bại trong các năm 1990 và 1991, Quốc hội Mỹ đã quyết định hủy bỏ chương trình SLAT”.

Trái ngược với chương trình SLAT, trong giai đoạn này, Liên Xô lại đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực tên lửa diệt hạm siêu thanh phóng từ trên không. Tổ hợp thiết kế Zveda-Strela đã phát triển thành công dòng tên lửa siêu âm Kh-31 được thiết kế chuyên biệt cho khả năng tấn công và tiêu diệt các hệ thống radar của tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC và Aegis trên hạm của quân đội Mỹ.

Vụ thử đầu tiên của tên lửa Kh-31 (tên mã NATO: AS-17 Krypton) với động cơ ramjet được tiến hành thành công vào năm 1982. Tới năm 1988, 2 phiên bản chính thức Kh-31A cho nhiệm vụ chống hạm và Kh-31P – chống radar được chấp nhận vào biên chế quân đội Liên Xô.

Chuyên gia Joseph Trevithick đánh giá, Kh-31 với động cơ ramjet cỡ nhỏ đáp ứng hoàn toàn mục tiêu thiết kế. Cơ cấu nén khí đặc biệt của tên lửa giúp Kh-31 nhỏ gọn, nhưng lại có tốc độ bay rất nhanh. Phiên bản Kh-31P có tốc độ bay ở pha tiếp cận lên tới Mach 3.5 (gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh), còn phiên bản Kh-31 là Mach 2.5.

Hải quân Mỹ có trong tay tên lửa Kh-31 nhờ sự tan vỡ của Liên Xô

Các biến thể của tên lửa Kh-31 được sử dụng rộng rãi trong biên chế quân đội Nga với vai trò là vũ khí chống hạm, diệt radar trên không.

Với sự thất bại của chương trình SLAT, Hải quân Mỹ tiếp tục tìm kiếm mục tiêu bay siêu âm mới và cơ hội đã đến vào năm 1991 khi Liên Xô tan vỡ. Thay vì theo đuổi chương trình phát triển nội địa, Hải quân Mỹ đã kết hợp với hãng chế tạo Boeing nhận được một số nguyên mẫu tên lửa Kh-31.

Thông qua hãng chế tạo McDonnell Douglas, Hải quân Mỹ và Boeing đã đặt mua được một số mẫu tên lửa Kh-31 bị loại bỏ đầu đạn và hệ thống tự dẫn. Mẫu tên lửa này sau đó được đặt tên là MA-31. Mục tiêu bay siêu thanh này sử dụng hệ thống dẫn đường URAP phù hợp với các tiêu chuẩn hàng không quân sự của quân đội Mỹ.

“Các biến thể của tên lửa Kh-31 với tên gọi MA-31 được quân đội Mỹ sử dụng như dòng mục tiêu bay giả lập trong giai đoạn 1996-2003. Trong 13 lần phóng thử từ máy bay chiến đấu F-4 Phantom II, mục tiêu bay giả lập MA-31 chỉ ghi nhận 3 lần phóng thử thất bại do sự không tương thích giữa hệ thống dẫn đường do Mỹ tự thiết lập trên nền tảng động cơ và khung thân tên lửa Nga”, chuyên gia Joseph Trevithick cho biết.

Mục tiêu bay thử nghiệm MA-31 tiếp tục được Hải quân Mỹ sử dụng khi hãng McDonnell Douglas bị Boeing sáp nhập. Thậm chí, nó còn được nâng cấp phần mềm điều khiển để giả lập tốt nhất có thể các dòng tên lửa diệt hạm siêu thanh của Nga với các gói nâng cấp của Northrop Grumman và Orbital ATK. Vai trò của dòng mục tiêu bay siêu âm này chỉ bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt với Nga từ năm 2014 và sau đó là sự ra đời của dòng mục tiêu bay mới GQM-163A Coyote.

Mục tiêu bay GQM-163A Coyote trong vụ phóng thử nghiệm năm 2019.

Theo nhiều nguồn tin, Hải quân Mỹ dừng sử dụng mục tiêu bay MA-31 từ năm 2007 để mở đường cho GQM-163A Coyote. Tuy nhiên, chất lượng của dòng mục tiêu bay này không thể mô phỏng và đáp ứng quỹ đạo bay, cũng như tốc độ của các dòng tên lửa siêu âm tương lai của Nga. Với kết cấu tương tự như các dòng tên lửa hành trình hiện đại, GQM-163A sử dụng tầng khởi tốc nhiên liệu rắn Hercules MK 70 và động cơ phản lực MARC-R-282. Trong nhiều thập kỷ tới, GQM-163A thường giả lập như các dòng tên lửa siêu thanh P-700 Granit và Mosquito trong các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo DefenseTalk, RIAN)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tai-sao-ten-lua-sieu-am-nga-lai-tro-thanh-muc-tieu-bay-cua-hai-quan-my-617566