Tại sao thế giới 'nóng', giới trẻ Hàn Quốc lại 'lạnh' với sự kiện lịch sử liên Triều?

Trong khi cả thế giới ngóng chờ sự kiện lịch sử Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, thì chính giới trẻ Hàn Quốc lại tỏ ra thờ ơ. Lý do là gì?

Tại hội nghị lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp nhau tại khu vực phi quân sự nằm giữa hai quốc gia.

Trong khi truyền thông các nước đưa tin dày đặc về sự kiện này, từ địa điểm họp, thực đơn bữa tối cho tới dự báo kết quả, thì giới trẻ Hàn Quốc sống trong lòng sự kiện nóng lại tỏ ra rất “lạnh”.

Giới trẻ Hàn Quốc không quan tâm tới sự kiện lịch sử trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: NPR

Theo tạp chí Time, với nhiều người Hàn Quốc trẻ không có kỷ niệm gì về thời hai quốc gia thống nhất thì cuộc hội nghị lần này chỉ khiến họ thêm bức bối với những áp lực trong nước vốn đã chồng chất.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao kỷ lục. Dân số suy giảm và già hóa. Tăng trưởng kinh tế trì trệ. Và vụ bê bối tham nhũng liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Giới trẻ Hàn Quốc đang chịu rất nhiều áp lực. Năm học kéo dài tới 11 tháng và học sinh phải dành tới 16 tiếng để lên lớp và học thêm tại lò luyện thi. Hàn Quốc được cho là có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới trong độ tuổi 10-19.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Time, Minyong Yoon 25 tuổi, sinh viên khoa tin học ở thành phố Suwon, cho biết: “Chúng tôi không muốn Triều Tiên trở thành một phần trong lịch trình hàng ngày. Chúng tôi đã quá bận rộn rồi”.

Đại học Hanyang tại Seoul, nơi phóng viên Time gặp Yoon và nhóm bạn của cậu, là một khuôn viên đẹp đẽ, được ví như Viện Công nghệ Massachusettes của Hàn Quốc. Những gì đoàn kết các thế hệ sinh viên của trường là khao khát tạo lập tương lai và Triều Tiên không xuất hiện trong tầm nhìn của họ.

Khảo sát thực hiện năm 2017 của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho thấy 71,2% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 phản đối tái thống nhất.

Trên khắp các nhóm tuổi, tỷ lệ ủng hộ tái thống nhất giảm xuống 57,8% so với 70% cách đó 4 năm.

Sinh viên kinh tế Somin Yoon 23 tuổi từ Seoul cho biết: “Với thế hệ trẻ, Triều Tiên không còn quan trọng nữa”.

Những quan điểm này dường như lạc lõng trong dòng thông tin tốt lành trên Bán đảo Triều Tiên gần đây.

Ngày 21/4,Triều Tiên thông báo sẽ ngay lập tức ngừng thử tên lửa và hạt nhân, dỡ bỏ khu phóng thử hạt nhân và ưu tiên phát triển kinh tế.

Đáp lại, Hàn Quốc dừng các chương trình phát thanh tuyên truyền tại khu vực phi quân sự.

Bản thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng cho rằng việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc sẽ không phải là điều kiện tiên quyết để giải giáp hạt nhân.

Tổng thống Moon Jae-in gọi động thái này là quyết định quan trọng tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, sinh viên Đại học Hanyang cho rằng đã mất quá nhiều thời gian cho vấn đề Triều Tiên rồi.

Mọi đàn ông Hàn Quốc từ 18 đến 35 tuổi phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự 2 năm mà họ cảm thấy đó là quãng thời gian đẹp nhất bị lãng phí. Cùng với các cuộc tập trận, nghĩa vụ quân sự này khiến người Hàn Quốc luôn cảm thấy Triều Tiên là địch thủ.

Trong khi sự chia cắt trên Bán đảo Triều Tiên là một ký ức đau thương với thế hệ bố mẹ họ, thì sinh viên Hanyang cảm thấy thờ ơ.

Chỉ cách khu vực bãi mìn và hàng rào thép gai chừng 4km nhưng với giới trẻ Hàn Quốc, đó là một thế giới khác.

Hanju Kim, 21 tuổi từ Seoul, nói: “Về mặt địa lý, đó là quốc gia gần nhất, nhưng về mặt ngoại giao, đó là nơi xa nhất. Chúng tôi không thể thăm Triều Tiên”.

Văn hóa Nhật Bản và Mỹ đã ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên là thế giới xa lạ với giới trẻ Hàn Quốc.

Giới trẻ Hàn Quốc có quá nhiều áp lực. Triều Tiên không nằm trong mối bận tâm của họ. Ảnh: Asianews

Đối với nhiều sinh viên, tái thống nhất sẽ rất tốn kém cho nền kinh tế lớn 11 thế giới của Hàn Quốc, chứ không chỉ riêng vấn đề xã hội và an ninh.

Theo Time, GDP của Triều Tiên chỉ bằng chưa đầy 1% của Hàn Quốc, có nghĩa là nếu thống nhất hai quốc gia, gánh nặng sẽ nhân gấp nhiều lần so với thống nhất Đông Đức và Tây Đức năm 1990. Hơn một phần tư thế kỷ sau, các tỉnh thuộc Đông Đức vũ vẫn tụt hậu về mọi mặt phát triển.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phản đối tái thống nhất. Soojin Oh, sinh viên du lịch 23 tuổi, ủng hộ tái thống nhất cho dù cô thừa nhận mình chỉ đại diện cho quan điểm thiểu số.

Cô nói: “Nếu tái thống nhất nghĩa là chúng tôi sẽ được kết nối với Nga và châu Âu, Hàn Quốc sẽ trở thành một phần thực sự của toàn cầu. Chúng tôi sẽ có những lợi ích thời bình nhờ giảm chi phí cho quân sự”.

Sau khi ông Kim Jong-un và Moon Jae-in gặp nhau ngày 27/4, bước tiếp theo sẽ là cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thời gian mà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên khẩu chiến và dùng những lời lẽ đe dọa nhau, giới trẻ Hàn Quốc cũng tỏ ra thờ ơ, coi đó chỉ là những tuyên bố "lên gân" thể hiện sức mạnh.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tai-sao-the-gioi-nong-gioi-tre-han-quoc-lai-lanh-voi-su-kien-lich-su-lien-trieu-20180426105756169.htm