Tại sao thư ký, trợ lý lộng hành 'chuyến bay giải cứu' đến vậy?

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án 'chuyến bay giải cứu' cho thấy thư ký, trợ lý dễ dàng nhận tiền 'khủng' của doanh nghiệp. Dư luận đặt câu hỏi về nhiệm vụ, quyền hạn của các thư ký, trợ lý đến đâu? Luật pháp nào quy định mà tự tung tự tác nhận hối lộ với số tiền quá lớn như vậy.

 Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế bị truy tố 253 lần nhận hối lộ với 42,6 tỷ đồng vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: Bộ Công an cung cấp.

Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế bị truy tố 253 lần nhận hối lộ với 42,6 tỷ đồng vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: Bộ Công an cung cấp.

Thư ký, trợ lý nhận tiền của doanh nghiệp

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “chuyến bay giải cứu”, với các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan.

Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ, ngành (ngoại giao, y tế, công an, giao thông vận tải, quốc phòng) và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn, nhân văn giải cứu người dân mắc kẹt trong dịch trên đã bị nhiều quan chức, cán bộ của nhiều bộ, ngành đến địa phương lợi dụng, tạo ra nhóm lợi ích, nhận hối lộ của các doanh nghiệp để giúp cấp phép chuyến bay giải cứu.

Trong số 54 người bị truy tố, Viện kiểm sát cáo buộc 25 quan chức, cán bộ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao nhận hối lộ tổng số tiền gần 165 tỉ khi tham gia các khâu đề xuất, cấp phép doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.

Qua cáo trạng vụ án, dư luận đặc biệt quan tâm đến thư ký, trợ lý trong vụ án này, họ kiếm tiền một cách dễ dàng “nhanh và nhiều” đến không ngờ?

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ông Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - với cáo buộc đã nhận tiền giúp doanh nghiệp được phê duyệt gần 30 chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Quang Linh khi giữ vai trò là trợ lý của Phó Thủ tướng Thường trực, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Phó thủ tướng phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công vụ, ông Nguyễn Quang Linh đã lợi dụng vị trí công tác giúp Công ty Lữ Hành Việt, Công ty ATA, Investco được phê duyệt nhiều chuyến bay giải cứu trong dịch COVID-19 khi chưa có sự thống nhất, đề xuất của Tổ công tác 5 bộ.

Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ của Công ty Lữ Hành Việt và bị can Nguyễn Mai Anh tổng số tiền 180.000 USD và 100 triệu đồng, tương đương hơn 4,2 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, ông Nguyễn Quang Linh và gia đình đã nộp khắc phục số tiền trên 4,4 tỉ đồng.

Cũng trong vụ án này Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định ông Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận số tiền lớn nhất, với 253 lần nhận “lót tay” 42,6 tỉ trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Có thể nói đây là người nhận hối lộ số tiền kỷ lục lớn nhất trong vụ án này chỉ trong thời gian ngắn là 9 tháng.

Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.

Cơ quan truy tố cáo buộc, quá trình thực hiện nhiệm vụ, thư ký Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu một chuyến bay.

Đối với chuyến bay combo, thư ký Kiên ra giá với doanh nghiệp phải “chung chi” từ 500.000 - 2 triệu đồng một khách. Với hình thức “đếm đầu người” cho khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.

Chỉ trong 8 tháng của năm 2021, Phạm Trung Kiên đã có đến 253 lần nhận tiền của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ.

Ngoài ra Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời các văn bản liên quan “chuyến bay giải cứu”.

Trong 253 lần nhận hối lộ, đa phần những cuộc gặp mặt ngã giá và đưa nhận tiền của cựu thư ký thứ trưởng đều diễn tra tại trụ sở Bộ Y tế hoặc doanh nghiệp chuyển khoản vào tài khoản của mẹ vợ Kiên. Một số ít lần Kiên nhận tiền ở bên ngoài trụ sở Bộ.

Từ tháng 7 đến tháng 11/2021, Kiên đã yêu cầu tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Bluesky phải chi 150 triệu đồng một chuyến để được chấp thuận cấp phép chuyến bay combo.

Đáng chú ý, Viện kiểm sát cáo buộc ông Kiên có đến 114 lần nhận hối lộ từ Vũ Hồng Quang - cán bộ Cục Hàng không Việt Nam. Tổng số tiền cựu thư ký thứ trưởng đã nhận từ cán bộ Cục Hàng không hơn 7,4 tỉ đồng.

Với cách thức như trên, ông Kiên ra giá và nhận tiền hàng trăm lần từ đại diện các doanh nghiệp như: Vitrato, A Châu, Bầu trời Hà Nội, Phượng Hoàng, GI9, TSN, Lữ Hành Việt, Hoàng Long Luxury, Sao Hà Nội, Vijasun, Thuận An, Nam Hồng, Sang Trọng, Quốc tế, Sao Phương Đông...

Tổng số tiền cựu thư ký thứ trưởng nhận hối lộ lên đến 42,6 tỉ. Sau khi vụ án bị khởi tố, ông Kiên đã chuyển khoản trả lại cho nhiều người tổng số 12,2 tỉ đồng.

Tại sao thư ký, trợ lý lại kiếm tiền nhanh và dễ dàng?

Theo qui định số 30-QĐ/TW, ngày 19/8/ 2021 của Bộ Chính trị Khóa XIII về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh, trợ lý thư ký nêu rõ:

Chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chức vụ lãnh đạo được sử dụng thư ký: Các chức vụ lãnh đạo như trên; Ủy viên Trung ương Đảng; bộ trưởng và tương đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Theo đó, các thư ký trợ lý phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Yên tâm công tác, tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức.

Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống giản dị, khiêm tốn, chân thành, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đoàn kết nội bộ; không cơ hội, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vụ lợi; không để gia đình, người thân lợi dụng uy tín bản thân để trục lợi. Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; có ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trung thành, trung thực, tận tụy, thận trọng, thẳng thắn; gương mẫu, chấp hành nghiêm kỷ luật công tác, kỷ luật phát ngôn; giữ bí mật nội dung công việc.

Về năng lực và uy tín: Phải hiểu biết về lĩnh vực được phân công; có khả năng tham mưu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả; có tác phong làm việc khoa học, khả năng làm việc độc lập; được lãnh đạo, đồng nghiệp nơi công tác và cơ quan, cá nhân nơi phối hợp công tác tin tưởng, tín nhiệm.

Những quy định trên của Đảng thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đòi hỏi cao của Đảng ta đối với những người làm thư ký và trợ lý cho lãnh đạo. Có thể nói họ là những người kề cạnh gần gũi, chia sẻ giúp việc lãnh đạo, không kể thời gian sớm, tối để cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Thế nhưng trong vụ án này, thư ký và trợ lý đã lợi dụng lãnh đạo làm thay đổi bản chất nhân văn nhân đạo về chính sách bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước. Họ cấu kết với nhau bỏ đi cả danh dự, liêm sỉ để lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đặc biệt lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19, cả nước đang gồng mình chống dịch, thậm chí giành giật từng mạng sống cho người dân để trục lợi trên nỗi đau của người dân, đất nước. Họ thực hiện lợi ích nhóm, không phải chỉ ở một nơi, đơn vị mà từ các bộ, cơ quan trung ương đến địa phương và có sự móc nối cả trong khu vực công lẫn tư.

Vấn đề đặt ra ở đây tại sao thư ký, trợ lý lại có thể tùy tiện tự tung tự tác, lộng hành đến như vậy để nhận hối lộ dễ dàng lớn như thế? Ai là người chịu trách nhiệm? Và cơ chế nào để kiểm soát, giám sát họ?

Điều này cũng đặt ra vấn đề lớn đối với những người quản lý, lãnh đạo và những người có trách nhiệm là làm gì để xử lý, bịt kín kẽ hở của pháp luật? Nhưng có lẽ trên hết và trước hết là đạo đức của cán bộ, đảng viên phải trong sáng, liêm, chính, chí công vô tư, không cơ hội, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vụ lợi.

Dư luận cho rằng họ lợi dụng, trục lợi trong bối cảnh như vậy là không thể chấp nhận được và cùng với pháp luật xử lý nghiêm thì về mặt đạo đức con người cũng phải kịch liệt lên án, phê phán.

Những hành vi phạm tội trong vụ án này đều có tình tiết tăng nặng cần phải áp dụng là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi trên nỗi đau của đồng bào. Do đó, thời gian tới khi đưa ra truy tố, xét xử cần áp dụng nghiêm các quy định của pháp luật “không có vùng cấm” để quyết định hình phạt thật nặng để cảnh báo, răn đe./.

VM

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/tai-sao-thu-ky-tro-ly-long-hanh-chuyen-bay-giai-cuu-den-vay-636017.html