Tại sao TP.HCM oi bức nhiều ngày qua?

Giai đoạn chuyển mùa, lượng ẩm của hơi nước bắt đầu tăng nhưng không đủ để gây mưa. Hơi nước tỏa nhiệt đã tạo cảm giác oi bức tại TP.HCM.

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tiếp, ít mưa, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo từ hôm nay đến 12/5, TP.HCM có mây nhiều, mưa rào và dông diện rộng. Nhiệt độ giảm nhẹ so với những ngày trước đó, cao nhất 32-34 độ C, thấp nhất 25-26 độ C. Độ ẩm tăng lên 70%.

Những ngày qua, nhiệt độ cao nhất trong ngày tại TP.HCM ở mức 36 độ C nhưng có cảm giác như 38-39 độ C, cảm giác nóng bức kéo dài cả về đêm.

Nói về nguyên nhân oi bức nhiều ngày trước đó, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, lý giải trong giai đoạn chuyển mùa, lượng ẩm của hơi nước bắt đầu tăng.

Hơi nước chuyển từ thể hơi sang thể lỏng sẽ hình thành các hạt nước gây mưa. Tuy nhiên, nếu lượng hơi nước này không đủ gây mưa thì quá trình chuyển đổi sẽ tỏa nhiệt, khiến nhiệt độ tăng, tạo cảm giác oi bức.

Chỉ số AQI tại TP.HCM theo ứng dụng PAMAir (trước) và IQAir lúc 7h sáng 6/5. Ảnh chụp màn hình.

Chỉ số AQI tại TP.HCM theo ứng dụng PAMAir (trước) và IQAir lúc 7h sáng 6/5. Ảnh chụp màn hình.

Về chất lượng không khí, 7h sáng nay, ứng dụng PAMAir cho thấy chỉ số AQI ở TP.HCM ở ngưỡng trong lành. Các điểm quan trắc đều dưới 50 đơn vị.

Trong khi đó, ứng dụng IQAir cho thấy tình hình xấu hơn. Ứng dụng này đánh giá chỉ số AQI trung bình ở TP.HCM là 70 đơn vị, tăng so với những ngày trước đó. Các điểm quan trắc có số đo rải đều từ ngưỡng trong lành đến trung bình. Ngoài khu vực quận 2 cũ và quận Bình Thạnh có chỉ số AQi ở ngưỡng trong lành, các quận, huyện còn lại đều có chỉ số ô nhiễm không khí trung bình.

Dự báo 5 ngày tới, chất lượng không khí tại TP.HCM ở ngưỡng trung bình, từ 69 đến 74 đơn vị.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-tphcm-oi-buc-nhieu-ngay-qua-post1212061.html