Tại sao Trung Quốc hào hứng đăng cai Olympic?

Việc tổ chức Olympic mùa đông 2022 sẽ đem lại cho Bắc Kinh nhiều lợi ích, từ xây dựng hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế tới thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước của người dân.

Ngay cả khi chịu tác động của đại dịch Covid-19, sự tẩy chay ngoại giao từ một số quốc gia phương Tây hay “lời nguyền” đội vốn, Olympic vẫn là cơ hội để Trung Quốc xây dựng hình ảnh trên trường quốc tế.

Thậm chí, “trong cái rủi có cái may”, nếu tổ chức thành công Thế vận hội an toàn giữa đại dịch, uy tín của Bắc Kinh sẽ được tăng cường.

Trung Quốc thường xuyên chỉ trích các nước phương Tây “chính trị hóa thể thao”. Tuy vậy, trên thực tế, Bắc Kinh cũng coi Olympic là sự kiện chính trị quan trọng. Đây có thể là nguyên nhân hàng đầu khiến nước này quyết tâm đăng cai kỳ Thế vận hội thứ hai trong vòng 14 năm.

Thể thao và chính trị

Việc gắn chính trị với thể thao không phải là điều quá mới lạ với Trung Quốc. Sau khi tham dự kỳ Olympic mùa hè tại thủ đô Helsinki, Phần Lan năm 1952, Trung Quốc tẩy chay sự kiện này trong gần 30 năm để phản đối sự tham gia của đoàn Đài Loan. Nước này chỉ quay trở lại vào kỳ Olympic mùa đông 1980 tại Mỹ.

Bắc Kinh lần đầu ứng cử quyền đăng cai Olympic 2000. Dù dẫn đầu trong ba vòng bỏ phiếu đầu tiên, họ thất bại trước Sydney (Australia) ở vòng bỏ phiếu cuối cùng với tỉ số 43 - 45. Không bỏ cuộc, Trung Quốc một lần nữa ứng cử và giành được quyền tổ chức kỳ Thế vận hội 8 năm sau đó.

Người Trung Quốc ăn mừng khi nước này giành quyền đăng cai Olympic. Ảnh: Reuters..

Để tổ chức sự kiện, người Trung Quốc chấp nhận nhiều hy sinh, từ đóng cửa hàng loạt nhà máy gây ô nhiễm tới phá hủy nhiều khu dân cư để xây dựng các công trình phục vụ sự kiện.

Tuy vậy, sự đánh đổi này là xứng đáng. Olympic 2008 được coi là chiến thắng lớn với người Trung Quốc. Họ vừa đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, vừa nhận được sự tán dương của cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, Trung Quốc không phải quốc gia đầu tiên tận dụng quyền đăng cai Thế vận hội để gửi thông điệp tới thế giới. Olympic Tokyo 1964 và Olympic Seoul 1988 giúp Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định sự phát triển của mình sau quãng thời gian chiến tranh hay nghèo đói.

Mục tiêu của Trung Quốc năm 2022 không quá khác biệt so với năm 2008. Tuy vậy, sự đánh đổi và thành quả tiềm năng đều cao hơn.

Nếu Trung Quốc có thể tổ chức Olympic thành công mà không để bùng dịch, chính sách chống dịch nghiêm ngặt “Zero Covid-19” của nước này sẽ nhận được thêm sự tán dương từ thế giới.

Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc khẳng định vị thế của cường quốc kinh tế - công nghệ hàng đầu. Nước này đã đầu tư 3,9 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội, cũng như tuyên bố các địa điểm thi đấu đều được vận hành bằng năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, ông Jung Woo Lee, nhà nghiên cứu về chính sách thể thao tại Đại học Edinburgh, Anh, chỉ ra chủ nhà Olympic mùa đông được coi là “tiên tiến và giàu có hơn” so với Olympic mùa hè.

“Việc tổ chức Olympic mùa đông tại thủ đô mang ý nghĩa biểu tượng, cho thấy Trung Quốc không còn bị các nước phương Tây bỏ lại về uy tín quốc tế”, ông Jung nhận định.

Thông điệp tới người dân

Chủ đề của các tiết mục tại lễ khai mạc Olympic mùa đông 2022 sẽ là xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại”. Đây là khẩu hiệu được Trung Quốc quảng bá và sử dụng trong nhiều năm qua.

Thông điệp của Bắc Kinh không chỉ gửi đến khán giả thế giới, mà còn đến cả chính người dân trong nước. Chính phủ Trung Quốc có thể thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước của người dân khi chứng tỏ khả năng tổ chức các sự kiện lớn, cũng như đảm bảo dịch bệnh không lây lan.

Olympic có thể gửi thông điệp về một nước Trung Quốc giàu mạnh. Ảnh: New York Times.

“Thông điệp thực tế được gửi đến người Trung Quốc: Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể giúp nước này có vị thế cao và khiến người Trung Quốc tự hào”, ông Steve Tsang, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học SOAS, London, nói.

“Lời hứa Olympic” của Chủ tịch Tập Cận Bình được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Trung Quốc qua việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy trao đổi thể thao. Đây đều là những khía cạnh được đông đảo người dân Trung Quốc ủng hộ.

Trên thực tế, một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Mỹ trước khi Olympic 2008 được tổ chức cho thấy đại đa số công dân Trung Quốc trên khắp thế giới tin tưởng sự kiện này sẽ thay đổi cách thế giới nhìn Trung Quốc.

Tham vọng của Trung Quốc có thể không dừng lại ở kỳ Olympic lần này. Theo ông Richard Baka, đồng giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Olympic tại Đại học Victoria, Melbourne, Australia, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đăng cai các sự kiện thể thao lớn trong thời gian tới.

“Họ có thể tiếp tục trong tương lai - có thể là World Cup”, ông Baka nói.

Việt Hà

Theo AFP, Economist

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-trung-quoc-hao-hung-dang-cai-olympic-post1293846.html