Tái tạo cơ quan sinh sản cho nữ giới bị dị tật

Cô gái 22 tuổi không có âm đạo, sống khép kín trong thời gian dài cùng với hoàn cảnh gia đình khó khăn vừa được các bác sĩ Bệnh viện E Hà Nội phẫu thuật thành công.

Các bác sĩ thực hiện tái tạo âm đạo cho bệnh nhân

Bệnh nhân nữ L.T.T (22 tuổi, ở Hải Dương) tìm đến Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) với tâm lý khá rụt rè và có đôi chút ngại ngần.

T chia sẻ, sau khi biết thông tin về ca phẫu thuật dị tật không âm đạo của bệnh nhân 23 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang được các bác sĩ ở đây thực hiện thành công, cảm xúc của em như vỡ òa, vì mình cũng có thể có cơ hội được trở thành người phụ nữ hoàn chỉnh như các bệnh nhân đã điều trị tại khoa.

T có tuyến vú và cơ quan sinh dục ngoài phát triển giống như những phụ nữ khác. Tuy nhiên, T hoàn toàn không có kinh nguyệt. Năm 17 tuổi, gia đình đưa T đi khám. Bác sĩ phát hiện T không có âm đạo, tử cung kích thước rất nhỏ dù buồng trứng vẫn phát triển bình thường.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị hội chứng bất sản ống Muller (dị tật không có âm đạo bẩm sinh) và chỉ định phẫu thuật tạo hình âm đạo.

ThS.BS Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) - cho biết: Ngày 4.10, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân bị dị tật không âm đạo.

Ths.BS Minh cho biết, để an toàn cho người bệnh, tránh xâm phạm đến các khu vực xung quanh như tiểu khung, trực tràng, bàng quang... các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt phối hợp với bác sĩ khoa ngoại tiết niệu có sử dụng hệ thống nội soi phẫu thuật để hỗ trợ cho ca mổ.

Bên cạnh đó, để giảm chi phí tối đa cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tự chế tạo ra khuôn nong âm đạo bằng vật liệu silicon cho bệnh nhân. Ưu điểm của việc sử dụng chất liệu silicon sẽ tạo được hình dáng khuôn nong phù hợp với thể trạng cũng như nhu cầu của bệnh nhân và đường hầm âm đạo tạo ra cho bệnh nhân.

Chất liệu silicon có thể tiệt trùng ở nhiệt độ thấp và đảm bảo độ cứng chắc nhưng vẫn có tính đàn hồi thích hợp cho niêm mạc ghép bám tốt nhất vào ống đường hầm âm đạo đã được tạo ra…

Điều đáng nói, việc sử dụng khuôn nong tự tạo sẽ giảm chi phí rất nhiều cho người bệnh vì họ phải sự dụng ống nong trong vòng 3-6 tháng, bên cạnh đó các bác sĩ còn tạo ống nong theo kích thước của từng bệnh nhân.

Hiện âm đạo đã được tạo hình thành công với phần ghép được nuôi dưỡng hồng hào; bệnh nhân tiếp tục được nong âm đạo trong 3 - 6 tháng để có được “diện tích” với chiều dài, rộng gần với kích thước âm đạo thật nhất.

L.Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/tai-tao-co-quan-sinh-san-cho-nu-gioi-bi-di-tat-636412.ldo