Tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan: Hoàn thiện 45 bài toán nghiệp vụ

Việc tái thiết hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Hải quan đang có những bước đi tích cực và đạt được những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận, đặc biệt là việc hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ và tài liệu liên quan đến các chức năng của hệ thống.

Hoạt động tại Trung tâm Quản lý và vận hành Hệ thống CNTT hải quan (Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan). Ảnh: T.Bình

Hoạt động tại Trung tâm Quản lý và vận hành Hệ thống CNTT hải quan (Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan). Ảnh: T.Bình

Gần 13.000 chức năng trên hệ thống

Cập nhật về tiến độ triển khai, đại diện các đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan cho hay, đến nay, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thực hiện rà soát và hoàn thiện tài liệu về yêu cầu 45 bài toán nghiệp vụ hải quan tổng thể phục vụ cho việc xây dựng Hệ thống CNTT mới.

45 bài toán nghiệp vụ tập trung vào 10 lĩnh vực, gồm: giám sát quản lý; quản lý thuế XNK; quản lý rủi ro; điều tra chống buôn lậu; kiểm tra sau thông quan; xử lý vi phạm; kiểm định Hải quan; cải cách hải quan; thanh tra, kiểm tra; các bài toán nghiệp vụ khác.

Cùng với đó, các đơn vị đã hoàn thành dự thảo tài liệu danh mục các chức năng của Hệ thống. Trên cơ sở yêu cầu nghiệp vụ hải quan tổng thể do Cục Giám sát quản lý về hải quan và các đơn vị xây dựng, đến nay, Cục CNTT và Thống kê hải quan đã cơ bản hoàn thành xây dựng tài liệu về danh mục các chức năng của Hệ thống CNTT mới phục vụ xử lý nghiệp vụ cốt lõi ngành Hải quan với hơn 10.300 chức năng cần xây dựng mới và hơn 2.600 chức năng cũ của các hệ thống CNTT đã có cần chuyển lên hệ thống phần mềm mới.

Xử lý nhanh, đảm bảo sự ổn định lâu dài

Hệ thống CNTT mới của ngành Hải quan được xây dựng trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới “Hải quan số”, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa XNK, quá cảnh; phương tiện vận tải XNC, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối. Đồng thời, có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin theo cấp độ tương ứng với cấp độ an toàn thông tin của hệ thống CNTT mới.

Hệ thống CNTT mới đáp ứng các yêu cầu khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế của Hệ thống CNTT hiện tại. Theo đó, Hệ thống mới có độ tích hợp cao, có hệ thống dự phòng, ứng dụng CNTT phủ tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan; dễ dàng nâng cấp, sửa đổi, bổ sung, mở rộng khi có yêu cầu quản lý mới về hải quan; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ mục tiêu đó, ngành Hải quan đưa ra những yêu cầu cụ thể đáng chú ý với Hệ thống CNTT mới như: thời gian xử lý đối với hàng luồng Xanh không quá 3 giây. Trong những trường hợp tích hợp xử lý thông minh thời gian xử lý có thể kéo dài không quá 10 phút.

Đặc biệt, Hệ thống CNTT mới được sử dụng ổn định ít nhất từ 7 - 10 năm. Kể từ khi đưa vào sử dụng, Hệ thống có thể được nâng cấp nhỏ để đáp ứng sự thay đổi quản lý nhà nước về hải quan theo yêu cầu thực hiện các văn bản pháp lý.

Ngoài ra 100% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử mức độ 3, 4; Hệ thống có khả năng mở rộng nhanh chóng, linh hoạt khi có sự thay đổi về yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan; phục vụ yêu cầu quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.

Hệ thống mới phải đáp ứng yêu cầu thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch hành động của Chính phủ, Bộ Tài chính về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; và phù hợp với chuẩn mực và khuyến nghị quốc tế về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan.

Áp dụng nhiều thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0

Liên quan đến tính năng “thông minh” của Hệ thống CNTT mới, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan lý giải: đó là, cung cấp thông tin về nhân thân chủ doanh nghiệp, quá trình hình thành và phát triển, lịch sử XNK hàng hóa, các mặt hàng thường xuyên XNK, lịch sử tuân thủ pháp luật hải quan và các pháp luật có liên quan… và tự động phân tích với thông tin hàng hóa trên tờ khai hải quan để cảnh báo những bất thường cho công chức hải quan, hỗ trợ công chức hải quan và lãnh đạo trong việc ra quyết định đối với các lô hàng cụ thể.

Mặt khác, Hệ thống thu thập, tập trung tất cả các dữ liệu liên quan đến hàng hóa XNK từ mỗi đối tượng có liên quan (doanh nghiệp XNK; cá nhân XNK; đại lý hải quan; hãng vận tải, đại lý hãng vận tải; doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, địa điểm; các cơ quan quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành; ngân hàng, các tổ chức tín dụng).

Hệ thống cũng tự động phân tích thông tin trên các cơ sở dữ liệu hiện có để quyết định mức độ kiểm tra, kiểm tra tự động một số thông tin và tự động ra quyết định. Với những nội dung không thể tự động kiểm tra được sẽ tự động phân tích, cảnh báo công chức những nội dung cần kiểm tra trên một giao diện duy nhất.

Đối với việc áp dụng tối đa công nghệ tiên tiến trên thế giới, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan cho hay, Hệ thống được áp dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật để kết nối để giám sát hàng hóa, phương tiện trong khu vực giám sát hải quan; các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, về phân tích thông minh, về kho tri thức để phân tích tìm các điểm bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đưa ra các cảnh báo hỗ trợ cán bộ thực thi công vụ từ đó thay đổi về cách thức cán bộ hải quan xử lý nghiệp vụ trên hệ thống CNTT.

Ngoài ra, Hệ thống còn áp dụng các mô hình phân tích dữ liệu để phân tích dự báo về kim ngạch, về số thu, về xu hướng XNK để làm căn cứ cho việc đề xuất các quy định phục vụ điều hành, điều tiết kinh tế của nhà nước.

Một nội dung đáng quan tâm khác là áp dụng công nghệ về di động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc – mọi nơi – trên mọi phương tiện giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời, chính xác và tạo lợi thế cạnh tranh đồng thời hỗ trợ cán bộ hải quan trong việc thực thi nhiệm vụ tại các vị trí không có máy tính hoặc máy tính không kết nối được vào trong hệ thống nội bộ của cơ quan Hải quan…

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tai-thiet-ke-he-thong-cong-nghe-thong-tin-nganh-hai-quan-hoan-thien-45-bai-toan-nghiep-vu-130042.html