Tái thiết lòng tin trong nhân dân

'Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm' - câu Kiều xưa là vậy nhưng ở đây thiết nghĩ, nhiều khi người trong cuộc đã cảm nhận hết sự xót xa, đau khổ, ân hận thì người ngoài chớ nên 'cười nụ', chớ nên nghĩ rằng, nước mắt đắng cay cũng chỉ là 'chuyện người ta'!

Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, biết bao cán bộ, đảng viên, những người từng giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, nay phải ra tòa lĩnh án vì những lỗi lầm mình gây ra. Bản án dành cho từng bị cáo, bản án là sự trừng trị của luật pháp với từng cá nhân phạm tội nhưng điều quan trọng hơn chính là sự cảnh tỉnh, răn đe. Ở đây là cảnh tỉnh với cán bộ trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể, những người đang giữ các vị trí công tác khác nhau hãy biết soi chiếu từ vụ án làm bài học cảnh tỉnh với chính mình, bài học để mình không phạm phải, không đi theo lối mà người trước đã trót đi sai.

Nói lời sau cùng trong vụ Việt Á, các bị cáo bày tỏ xót xa, ân hận, mong được khoan hồng. Ảnh CTV.

Ngược lại, nếu chúng ta chỉ nghĩ rằng, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “đen ai người chịu”, vụ án nào cũng chỉ là sự xét xử, trừng phạt với “người đen thôi” và lấy đó làm sự phấn khích hay miệt thị họ, thì điều đó không đúng với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về phòng, chống tham nhũng, đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Cần phải lấy bài học của người để cảnh tỉnh cho mình, đó chính là quan điểm “xử một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, từ đó góp phần ngăn ngừa tội phạm - ý nghĩa quan trọng trong việc xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Tối 9/1, tại phiên tòa xét xử đại án Việt Á, HĐXX dành thời gian cho các bị cáo được nói lời sau cùng. Hầu hết các bị cáo đều thể hiện sự ân hận, mong được hưởng lượng khoan hồng. Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng, có vị giáo sư tuổi đã cao, là thầy của bị cáo, khi nghe tin bị cáo bị bắt đã khóc suốt. Ông Nguyễn Thanh Long bày tỏ sự ân hận, xót xa, đau khổ vì những sai phạm mà mình đã gây ra. “Bị cáo có lỗi với gia đình, với đồng nghiệp, có lỗi với nhân viên ngành y tế. Bị cáo xin được gửi lời xin lỗi đến tất cả” - cựu Bộ trưởng ngành Y bày tỏ ăn năn, hối lỗi và xin được hưởng lượng khoan hồng để sớm trở về với gia đình trong những ngày còn lại của cuộc đời.

Trước bục khai báo, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng bày tỏ sự xót xa, ân hận. Nhìn về HĐXX, hai tay xoa vào nhau, ông trầm giọng: “Bản thân bị cáo rất đau xót và không có gì để biện minh cho sai phạm phải bị trừng phạt và thực sự bị cáo cũng đã bị trả giá trong ân hận, đau xót, day dứt suốt 581 ngày qua bị tạm giam. Những ngày này tại tòa và những ngày tới đây, và cả những ngày tháng được trở về với xã hội, bị cáo vẫn day dứt”…

Với cựu Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng, trong lời nói sau cùng trước tòa, ông bày tỏ: “Bị cáo rất buồn, đau xót và hối tiếc. Trong 34 năm công tác, tôi luôn phấn đấu, công hiến cho Đảng, Nhà nước, cố gắng vươn lên, chưa bao giờ bị kỷ luật. Nhưng do sai phạm, giờ đây bị cáo phải đối mặt với bản án”. Cựu Bí thư tỉnh Hải Dương cho biết, ông đã nhận thức sai phạm sâu sắc. Trong lãnh đạo, bị cáo chỉ đạo phòng chống dịch nhưng chưa thực hiện đúng quy định và phải chịu hình phạt nghiêm khắc là khai trừ khỏi Đảng. Bị cáo thực sự buồn và hối tiếc về việc này”... Ông nhận thức rõ những sai phạm của bản thân đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ Hải Dương. Là người đứng đầu, bị cáo xin nhận trách nhiệm và nói rằng: “Đây là bài học đắt giá”! Ông cũng nhắn gửi tới các lãnh đạo địa phương rằng, dù trong hoàn cảnh cấp bách nào cũng phải thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật…

Lời sau cùng - sau cùng là bởi kết thúc lời nói ấy, một bản án sẽ được tuyên, cánh cổng ngoài đời tạm khép lại, cánh cổng trại giam mở ra. Pháp luật tố tụng hình sự quy định bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa, sau khi kết thúc tranh tụng. Điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, là lúc sự chân thật, sự hối lỗi thể hiện với những khoảnh khắc xúc động. Tôi không nghĩ rằng, lời sau cùng chỉ là sự bộc bạch, giãi bày của bị cáo hay chỉ để những người theo dõi phiên tòa "nghe cho biết". Thực sự, đằng sau mỗi vụ án, đằng sau hành vi phạm tội và sự trừng phạt của luật pháp, đó là ý nghĩa cảnh tỉnh, thức tỉnh sâu xa, lời của một người mà có ý nghĩa thức tỉnh muôn người, thức tỉnh cho những ai đang đi trên con đường ấy, ngồi trên danh vọng và quyền lực, hãy biết tu chỉnh để ngẫm, để nghĩ chính bản thân mình, đừng phạm vào "lối ngược đường" như bị cáo đã phạm phải.

Những lời sau cùng để lại cho người đời nhiều suy ngẫm, nhiều trở trăn về quan trường, danh vọng, về thế sự cuộc sống. Làm quan, người ta có thể bị hoa mắt, bị mù quáng bởi những cám dỗ thường trực về tiền bạc, về tham vọng quyền lực, về những thứ đua chen, hơn thiệt, vì sự bao phủ của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng, hôm nay đây, trước công đường, trước pháp luật, những bị cáo bị tước bỏ hết danh vọng, quyền lực, phải trả giá cho hành vi phạm tội thì lời sau cùng để lại là sự trăn trở, cả những xót xa, ân hận và nỗi niềm hướng về gia đình, tổ ấm, chốn quê...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tai-thiet-long-tin-trong-nhan-dan-i720436/