Tại xã La Phù, huyện Hoài Đức: Công trình sai phạm được bảo vệ?

Cuối tháng 3-2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề cập tới quyết tâm của thành phố trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có vi phạm trên đất nông nghiệp.

Cũng thời gian này tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội lãnh đạo UBND xã lại công khai bảo vệ cho công trình vi phạm luật đã có quyết định và kế hoạch cưỡng chế.

Lãnh đạo huyện quyết tâm xử lý vi phạm TTXD?

Ngày 25-3- 2019, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng. Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công tác quản lý đất đai, quản lý TTXD có mặt còn hạn chế, yếu kém.

Những vi phạm về quản lý quy hoạch, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được phê duyệt vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận và tiến độ xử lý còn chậm; nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm. Một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để…

Thông qua giải trình, Thường trực HĐND TP muốn làm rõ tồn tại trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý TTXD thời gian qua, từ đó xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành...

Nói tới các công trình sai phạm TTXD trên đất nông nghiệp, đất công, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của các cấp cơ sở và việc thanh tra, kiểm tra của thành phố chưa kịp thời. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 3 năm qua, đã có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn bị kỷ luật, cách chức.

Điều đáng nói ở chỗ, ngay trong khi phiên giải trình đang diễn ra, ngay trong khi ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức khẳng định quyết tâm xử lý vi phạm TTXD của huyện thì tại xã La Phù hàng loạt công trình có dấu hiệu xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn ung dung được xây dựng.

Thậm chí, có công trình rất lớn có dấu hiệu vi phạm TTXD, chỉ cách UBND xã vài bước chân cũng không bị xử lý, cho dù báo chí và người dân đã điểm mặt chỉ tên, đồng thời thông báo tới cả lãnh đạo huyện, trong đó có Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức.

Không chỉ bao che, lãnh đạo UBND xã La Phù, cụ thể là hai ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã và Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã còn công khai bảo vệ công trình xây trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Hưng Tiến, thôn Độc Lập.

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Hưng Tiến bị UBND xã La Phù ra quyết định và kế hoạch cưỡng chế vẫn tồn tại như thách thức pháp luật.

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Hưng Tiến bị UBND xã La Phù ra quyết định và kế hoạch cưỡng chế vẫn tồn tại như thách thức pháp luật.

Theo kế hoạch, sáng 28-3- 2019, UBND xã La Phù tổ chức cưỡng chế hai công trình tại thôn Độc Lập mà xã khẳng định vi phạm đất công. Một là của anh Nguyễn Hưng Toàn và công trình còn lại của ông Nguyễn Hưng Tiến.

Một lực lượng tham gia cưỡng chế gần 200 người, do ông Tạ Văn Thắng và Nguyễn Hữu Khoa dẫn đầu cùng đại diện Công an, Viện kiểm sát, Tài nguyên môi trường, Thanh tra xây dựng huyện đã nhanh chóng phá tan hoang công trình trên đất của nhà anh Toàn.

Tiện thể, những người này còn xông tới phá luôn nhà cửa, công trình trên đất của bố đẻ anh Toàn là ông Nguyễn Hưng Dần. Điều đáng nói, ông Dần vốn không liên quan đến cuộc cưỡng chế.

Công trình buộc phải cưỡng chế của nhà ông Nguyễn Hưng Tiến, chỉ cách nhà và đất của anh Toàn vài chục mét nhưng tuyệt nhiên không bị lực lượng cưỡng chế động tới, cho dù là một viên gạch.

Ngày 2-5, trả lời phóng viên về công trình của ông Tiến, ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết vẫn phải cưỡng chế nhưng lại không nói được sẽ thực hiện vào ngày nào.

Đến thời điểm này công trình của gia đình ông Tiến vẫn ung dung tồn tại như thách thức pháp luật và cũng là phép thử cho quyết tâm lập lại TTXD của ông Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức.

Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện vào cuộc

Trở lại cuộc cưỡng chế đất của gia đình anh Nguyễn Hưng Toàn, cung cấp tài liệu cho báo chí, chúng tôi được biết, ông Chủ tịch UBND xã Tạ Văn Thắng quyết định cuộc cưỡng chế trên diện tích 1.459m2 nhưng ông Phó chủ tịch xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa lại tự ý vượt quyền chủ tịch khi ra Thông báo số 20/TB-UBND, ngày 18-3-2019 quyết định cưỡng chế thêm đất và công trình trên đất, nâng con số từ 1.459m2 phải cưỡng chế lên thành 2.095m2.

Như vậy, diện tích cưỡng chế nằm ngoài quyết định cưỡng chế bị nâng khống lên tới trên 636m2.

Chưa hết, đoàn cưỡng chế còn cưỡng chế nhầm sang cả diện tích trên 1.000m2 đất của ông Nguyễn Hưng Dần, phá tan ngôi nhà rộng gần 200m2, xây trên nền ngôi nhà cũ có từ những năm 1960 của thế kỉ trước, cây trồng, chuồng trại, đồng thời khuân tất cả tài sản của ông Dần chất lên xe ô tô và chở đi đâu không rõ.

Điều đáng nói ở chỗ, đất và công trình bị cưỡng chế trong bối cảnh anh Toàn không hề nhận được quyết định cưỡng chế, đang trong thời gian xã thụ lý đơn khiếu nại của anh. Cả ông Dần và anh Toàn khẳng định, đất gia đình do ông cha nhiều đời trước để lại.

Hiện cả ông Dần và anh Toàn đã gửi đơn tố cáo các ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã La Phù, Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã, hai cán bộ địa chính cùng những người liên quan khác tới cơ quan công an và các cấp khác, trong đó có Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức.

Mới đây, Bí thư Huyện ủy huyện Hoài Đức đã có văn bản số 65-CV/VPHU, chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức làm rõ đơn tố cáo của anh Nguyễn Hưng Toàn đối với các ông Tạ Văn Thắng, Nguyễn Hữu Khoa cùng hai cán bộ địa chính là Đinh Thị Hòa và Nguyễn Thị Thúy.

Phía UBND huyện Hoài Đức cũng có văn bản chỉ đạo Thanh tra Nhà nước huyện Hoài Đức vào cuộc nhằm làm rõ nội dung đơn tố cáo của anh Toàn.

Không liên quan tới cuộc cưỡng chế nhưng gần 1.000m2 đất, nhà cửa, cây cối, vật nuôi, tài sản, công trình trên đất… của ông Nguyễn Hưng Dần vẫn bị lực lượng cưỡng chế phá hỏng, tài sản được chở đi đâu không rõ.

Trong văn bản của mình, Bí thư Huyện ủy huyện Hoài Đức yêu cầu làm rõ các nội dung tố cáo trong đơn của anh Toàn liên quan đến các tội danh: Xâm nhập gia cư bất hợp pháp; Cưỡng đoạt tài sản; Cưỡng chế công trình khi không có quyết định cưỡng chế; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với các ông Tạ Văn Thắng, Nguyễn Hữu Khoa cùng hai cán bộ địa chính là Đinh Thị Hòa và Nguyễn Thị Thúy.

Thanh tra Nhà nước huyện Hoài Đức đã có giấy mời, bố trí buổi làm việc đầu tiên với anh Toàn.

Ngày 25-3-2019, phát biểu trong phiên giải trình do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, cả hệ thống chính trị của huyện xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, TTXD để sớm xây dựng huyện Hoài Đức thành quận. Những vi phạm trong xây dựng và quản lý đất đai trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến nay đều đã được phân loại, kiểm tra, xử lý, không để phát sinh vi phạm mới. Còn trên thực tế, ngay tại thời điểm này một công trình xây dựng trên đất quy hoạch khu công nghiệp vẫn ung dung diễn ra. Công trình này chỉ cách trụ sở UBND xã La Phù vài bước chân...

Cũng tại xã La Phù, nhiều dự án thu hồi đất của dân nhưng vẫn mịt mờ về pháp lý đã gây bức xúc trong dân. Vào năm 2009, nhiều hộ dân có đất ở Khu chéo đường tàu bị UBND huyện Hoài Đức và UBND xã La Phù thông báo thu hồi đất để phục vụ cho Dự án xây dựng khu đất dịch vụ tại xã La Phù. Dự án bắt nguồn từ một Quyết định số 2393/TB-UBND, ngày 17-4-2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thu hồi 82.824m2 đất nông nghiệp tại xã La Phù để giao cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp. Đất bị thu hồi, đến nay nhiều hộ dân vẫn thắc mắc không hiểu Quyết định số 2393/TB-UBND nội dung cụ thể ra sao, bởi họ đâu có được UBND huyện và xã cung cấp. Cũng chưa thấy hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất từ nơi khác chuyển về đây. Hạ tầng làm nham nhở, ngày càng xuống cấp.

Tính pháp lý về các dự án này luôn được UBND huyện và UBND xã La Phù giấu kín. Thửa đất của bà Nguyễn Thị Hợi, thôn Tiền Phong, rộng 144m2 bị xã và huyện thu hồi từ cả chục năm nay nhưng cho đến ngày 4-3-2019, UBND huyện Hoài Đức mới có Quyết định số 821/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB do ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện ký. Ngoài thửa đất này, cũng tại khu Chéo đường tàu, gia đình bà Hợi còn 3 mảnh đất khác rộng 182m2, 123,5m2 và 89,5m2 bị đơn vị thi công phá đất, làm hạ tầng khi chưa rõ việc kiểm đếm, đền bù.

Đang yên đang lành, gia đình bà Đỗ Thị Kiểm, thôn Tiền Phong bị thu hồi tới 720m2 đất để phục vụ cho một dự án giãn dân khác. Đổi lại, người ta đền bù cho bà một thửa đất rộng 72m2 tại Khu Đồng Gường, cũng trên địa bàn xã. Câu hỏi đặt ra ở đây, tại sao huyện và xã không dùng đất ở Khu Đồng Gường để phục vụ cho dự án? Đây có phải cách đánh tráo đất? Đến giờ, không có một hộ dân nào từ nơi khác được giãn dân về đây, còn sự mất mát khi phải trao những diện tích đất lớn như trường hợp của bà Kiểm là quá lớn.

Bà Đỗ Thị Kiểm kể: “Vào năm 1985, nơi này chỉ là khu đất nhiều hố sâu và ụ đất nhô cao, gia đình tôi đã tiến hành san lấp đất để lấy mặt bằng canh tác. Cực khổ nhiều bề, dần dà, ba mảnh đất, mỗi mảnh rộng 258m2, 192m2 và 200m2 cũng được hình thành. Mọi chuyện chỉ phức tạp khi năm 2009, đất của bà tại Khu Chéo đường tàu bị huyện và xã cho người vào cày xới các thửa đất này. Giờ bà Kiểm vẫn không hiểu mình sẽ được chính quyền giải quyết ra sao dù đã có lần làm đơn thắc mắc?".

Tại Khu đất Đồng Gường này vốn là nơi huyện và xã dùng để đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi từ dự án khác. Nhưng cũng có hộ dân chẳng vướng dự án nào vẫn bị thu hồi một diện tích lớn đất đai từ chỗ khác rồi được đền bù một diện tích đất ít ỏi tại nơi đây. Mặc dù, đất đã được gắp thăm, người dân phải đóng tiền cho xã La Phù để được làm hạ tầng. Nhưng giờ đây, tất cả chỉ là sự hoang tàn. Người dân chưa biết khi nào mình được giao đất.

Tính pháp lý của dự án tại Khu đất Đồng Gường đang là sự mơ hồ khó hiểu thì UBND xã lại tiếp tục có kế hoạch cưỡng chế thêm đất của ba hộ dân khác có vị trí mặt ao như này để phục vụ cho dự án nói trên.

Đối với hai dự án Đường vào nhà văn hóa và dự án xây nhà văn hóa tại thôn Độc Lập, đang lộ rõ những nghi vấn về đấu thầu và bỏ thầu. Bất ngờ, đơn vị trúng thầu của cả hai dự án đều là Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và Thương mại Đức Thịnh. Nhưng một tấm biển báo dự án cũng không hề có. Đương nhiên, lãnh đạo xã La Phù là ông các ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã La Phù, Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã giấu thông tin về dự án với nhân dân và báo chí, thậm chí đối với cả những gia đình có đất bị thu hồi cho dự án. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã có lúc nói dự án bị thoái vốn.

Tại phiên giải trình ngày 25-3, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nghiêm túc đánh giá trách nhiệm của các địa phương. “Có rất nhiều vấn đề Thành ủy quan tâm nhưng Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm những vi phạm. Hiện nay vẫn còn tồn tại 80 công trình vị phạm cũ ở 7 quận, huyện chưa được xử lý”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm còn kéo dài, theo Chủ tịch HĐND thành phố, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. “Một gia đình đẩy xe cát vào nhà, Thanh tra Xây dựng biết nhưng tại sao nhà xây to như con voi mà các đồng chí lại không biết? Ở đây, các đồng chí chưa làm hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo để đấy, chứ chưa xử lý”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tai-xa-la-phu-huyen-hoai-duc-cong-trinh-sai-pham-duoc-bao-ve-147238.html