Tài xế Grab phản đối gắn mào 'taxi điện tử'

Nhiều tài xế Grab, taxi công nghệ phản đối việc gắn mào 'taxi điện tử', họ chia sẻ sẽ bỏ lái taxi vì đây chỉ là công việc bán thời gian và mang tính chất tạm thời.

Rất khó để nhận biết taxi công nghệ nếu không gắn mào. Ảnh: Xuân Đoàn.

Mới đâu, Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dự thảo sửa đổi lần này quy định rõ taxi công nghệ phải có thêm hộp đèn (mào) chữ “taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe.

Theo đó, các hãng taxi công nghệ sẽ đương nhiên trở thành công ty kinh doanh vận tải, vì họ có quyền quyết định giá cước thông qua phần mềm. Điều này, nhằm giải quyết việc Grab bấy lâu nay luôn tranh luận, cho rằng mình là hãng công nghệ, không phải vận tải. Về cơ bản, Grab chỉ là một ứng dụng giúp kết nối người dùng với các lái xe. Grab cũng không thuê một tài xế nào, cũng không phải trả lương nhân viên. Đây cũng là lý do chính khiến giá thành của các loại taxi công nghệ như Grab rẻ hơn loại hình taxi truyền thống.

Khi được biết về quy định này, nhiều tài xế Grab phản đối và cho rằng, việc gắn mào “Taxi điện tử” cố định lên nóc xe sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công việc và cuộc sống của họ.

Anh Lê Chí Cường, một tài xế Grab tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi không ủng hộ quy định này, xe của tôi là xe tư nhân, thời gian rảnh rỗi tôi mới chạy xe, còn lại là phục vụ cho gia đình. Gắn cái mào đó vào thì tôi trở thành lái xe taxi à?”.

“Phần lớn tài xế Grab là những người có công việc ổn định, đăng ký làm Grab để kiếm thêm thu nhập, chúng tôi chỉ làm taxi bán thời gian và là đối tác của Grab chứ không phải nhân viên hợp đồng của Grab. Vì vậy, theo tôi việc gắn mào “taxi điện tử” là không hợp lý, gây khó khăn cho công việc và cuộc sống của tôi”, anh Cường cho biết.

Thậm chí, nhiều tài xế taxi Grab chuyên nghiệp còn chia sẻ sẽ bỏ lái taxi nếu phải áp dụng quy định mới. Anh Quang Hưng, một tài xế GrabTaxi cho biết: “Nếu Bộ GTVT ép thế này thì chắc tôi sẽ nghỉ không chạy taxi nữa, bởi vì gắn mào lên nóc xe thì tự nhiên xe của tôi không là xe gia đình nữa”.

Làm tài xế Grab hiện đang là công việc kiếm thêm của nhiều người. Ảnh minh họa: Xuân Đoàn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, gọi là taxi công nghệ thì bản chất đó là loại hình kinh doanh taxi, nên theo quy định đã là taxi thì phải có logo, có mào... Như vậy, để cạnh tranh công bằng, taxi công nghệ phải tuân thủ những quy định trên.

"Hiện nay, do tình hình phức tạp, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng phần mềm Grab là kinh tế chia sẻ nên xe cá nhân ko kinh doanh vận tải mà phải lắp logo sẽ mất giá trị đi, đồng thời nếu đi trên đường gặp Grab có mào mà cũng phải vẫy tay như taxi truyền thống, thì taxi truyền thống lại lo sợ bị mất đi thị phần. Tuy nhiên, một số nước trên thế giới hiện nay đã quy định taxi công nghệ cũng phải có logo, các doanh nghiệp kinh doanh taxi cũng phải xưng tên ra", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, gắn hộp đèn “taxi điện tử” sẽ minh bạch tất cả xe taxi chạy trên đường là cần thiết. Uber, Grab có nhiều lợi thế hơn taxi truyền thống, đặc biệt là không bị khống chế số lượng xe, không bị cấm đường.

“Dự thảo Nghị định 86 đang quy định 3 loại hình là: Taxi điện tử, xe hợp đồng điện tử và xe du lịch điện tử nhưng bản chất dịch vụ của 3 loại hình này như nhau, đều dùng xe dưới 9 chỗ, chỉ khác nhau ở cách tính tiền bằng phần mềm và đồng hồ tính tiền”, ông Hùng nói và đề xuất: “Phải gộp xe hợp đồng điện tử và taxi điện tử thành một”.

Sáng 13/7, tại cuộc họp lấy ý kiến và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải được Bộ GTVT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, Nghị định 86 mới phải quản lý chặt chẽ kinh doanh vận tải, nhất là loại hình ứng dụng gọi xe mới như Grab.

Taxi truyền thống và taxi công nghệ phải hòa hợp với nhau. Cụ thể, taxi truyền thống cũng phải ứng dụng công nghệ để quản lý tốt phương tiện, có trách nhiệm hơn với hành khách.

Nếu taxi truyền thống được áp dụng công nghệ sẽ càng thuận lợi. Trước đây, uber, grab bị quản lý lỏng lẻo nên việc chấp hành, tuân thủ luật pháp việt nam về cơ chế, thuế và quyền lợi khách hàng đôi khi chưa được hoàn hảo.

Taxi công nghệ cần phải có trách nhiệm với khách hàng bởi khi xảy ra cướp giật ở trên xe hay thậm chí lái xe là kẻ phạm tội thì phải truy cứu được người đó qua hệ thống quản lý.

Xuân Đoàn

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tai-xe-grab-phan-doi-gan-mao-taxi-dien-tu-a236346.html