Tài xế 'né' trạm BOT, ai là người gánh họa? (2): Trốn phí, xe tải 'cày nát' đê

Tuyến đê yên bình vốn là đường dân sinh với nhiều đoạn giao cắt của người dân địa phương, bỗng chốc trở thành nỗi kinh hoàng với bất kỳ ai tham gia giao thông. Không ít học sinh đi xe đạp phải khóc thét lên khi bắt gặp những chiếc xe trọng tải lớn ầm ầm phóng qua…

Dù trong mùa mưa bão, tuyến đê Hữu Thao lầy lội nhưng vẫn có phương tiện cố tình đi qua để tránh trạm BOT Tam Nông. Ảnh: PV

Dù trong mùa mưa bão, tuyến đê Hữu Thao lầy lội nhưng vẫn có phương tiện cố tình đi qua để tránh trạm BOT Tam Nông. Ảnh: PV

“Né” cả trạm thu phí và chốt CSGT

Sau lần gặp nhau ở Thái Bình, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Huy - tài xế chuyên chở vật liệu xây dựng đi giao ở các tỉnh “đặc cách” cho vào nhóm bí mật trên Facebook (nơi cánh lái xe thường xuyên chia sẻ những cung đường né trạm thu phí). Biết chúng tôi hay đi về mạn Phú Thọ theo đường QL32, anh Huy tiếp tục tiết lộ cách đi qua trạm BOT Tam Nông mà không mất một đồng phí nào. “Nếu là xe con có thể đi lên đê Hữu Thao, còn xe tải nên đi qua đê Xuân Lộc rồi vòng vào đường làng để trở lại QL32. Hai cung đường này khó đi một chút nhưng tránh được trạm BOT và không gặp chốt CSGT”, tài xế này nói.

Sau khi có trong tay đồ họa cung đường né trạm thu phí của cánh tài xế, chúng tôi tiếp tục hành trình thực địa. Theo quan sát, trạm thu phí BOT Tam Nông tọa trên QL32 tại vị trí km67+300 đoạn qua xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lý do mà cánh tài xế “bảo nhau” né trạm này bởi họ cho rằng, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư Hùng Thắng chỉ thi công nâng cấp, sửa chữa hơn 12km QL32 nhưng lại được đặt trạm trên tuyến quốc lộ huyết mạch này và thu phí cao. Trong khi đó, không nhiều người dân có nhu cầu đi trên tuyến đường mà đơn vị này đầu tư mới là tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn.

Bám một chiếc xe tải khổ lớn xuôi theo tỉnh lộ 316 (nằm trên đê Xuân Lộc), chúng tôi đi tắt qua xã Thượng Nông và né được trạm thu phí BOT Tam Nông. Không chỉ có xe tải, trên tuyến đường này chúng tôi gặp rất nhiều lượt ô tô lớn nhỏ đi qua. Theo một thống kê từ chính quyền xã Thượng Nông, kể từ ngày trạm thu phí BOT Tam Nông đi vào hoạt động, lượng xe cơ giới lưu thông trên tỉnh lộ 316 tăng đột biến, có thời điểm trên 1.000 lượt lưu thông/ngày.

Nhiều xe có trọng tải lớn đi vào tỉnh lộ 316 nằm trên đê Xuân Lộc để né trạm thu phí.

Chính vì vậy, con đường vốn là đường dân sinh với lắm khúc cong cua và nhiều đoạn giao cắt này nay trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân xã Thượng Nông. Ông Nguyễn Văn Thương (ở khu 1, xã Thượng Nông) nói: “Đây là đường nhánh mà các xe cứ phóng ầm ầm. Các cháu học sinh mỗi lần đi học gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ chạy ngày, các xe còn chạy đêm gây khói bụi, ồn ào khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn”.

Theo quan sát của chúng tôi, do xe có tải trọng lớn, xe container rầm rập chạy suốt ngày đêm nên tuyến đường 316 đang có dấu hiệu xuống cấp. Các lớp nhựa và đá bị xới tung lên, hình thành các hố sâu trên đường, khi mùa mưa đến thì các hố này càng bị khoét sâu thêm. Cũng do có nhiều đoạn đường cua khuất tầm mắt nên việc đi lại của người dân gặp nhiều nguy hiểm.

Bắt chuyện trên đường, một tài xế cho hay, việc lựa chọn tuyến đường này là bất đắc dĩ cũng bởi phí qua Trạm BOT Tam Nông cao. “Chúng tôi lái taxi từ Hương Nộn đến cầu Trung Hà cả tuyến được 100.000 đồng tiền xe, nhưng qua BOT (2 chiều) đã mất 70.000 đồng tiền phí. Mặc dù biết đi như thế là sai nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào. Chúng tôi có thích thú gì đi đường đê đâu. Đường đê nhỏ hẹp, chất lượng xấu rất khó đi, mất an toàn và đi nhiều, xe cộ sẽ hư hỏng, giảm tuổi thọ”, lái xe này thông tin. Tương tự, một tài xế xe tải cũng lý giải: “Tôi chở gạch cho công trường, một ngày đi lại qua khu vực này khoảng 18 - 20 lượt. Tiền đâu mà trả phí?”.

Không chỉ “cày” nát tỉnh lộ 316, dòng xe trốn trạm BOT Tam Nông còn có một lựa chọn khác tương đối nguy hiểm. Đó là chạy chênh vênh trên tuyến đê Hữu Thao song song với QL32. Theo đó, nếu di chuyển từ hướng Hà Nội - Phú Thọ qua cầu Trung Hà, cách trạm BOT chừng 300m có một con đường trải bê tông dẫn lên đê. Khi qua được vị trí đặt trạm chừng 500m lại có một đường bê tông khác dẫn xuống QL32.

Cứ như thế, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe di chuyển trên tuyến đê Hữu Thao trong suốt một thời gian dài khiến tuyến đê xung yếu này đã sụt lún, hư hỏng nặng.

Theo lãnh đạo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ), đê Hữu Thao không phải đê kết hợp giao thông, mà chỉ có chức năng ngăn lũ. Trước khi trạm BOT Tam Nông được xây dựng và vận hành, do có đường giao thông chạy song song nên không có phương tiện nào lưu thông trên đê, trừ một số phương tiện thô sơ của người dân canh tác phía ngoài đê. Trước tình thế cấp bách, nhất là vào mùa mưa lũ, Chi cục đã sửa chữa các dốc lên đê và mặt đê bị hư hỏng nặng. Cùng với đó là cắm barie ở 2 đầu tuyến nối với 2 dốc lên, đồng thời xây cột bêtông chắn các lối mở quanh đê mà phương tiện lên xuống để né trạm thu phí. Dù vậy, thời điểm cuối tháng 7/2018 khi chúng tôi có mặt, vẫn còn nhiều phương tiện vận tải, đặc biệt là taxi chấp nhận ì ạch men theo đoạn đê bùn lầy sau mưa bão để né trạm thu phí.

Chủ đầu tư vừa thu phí, tài xế đã “bàn mưu” trốn phí

Để né trạm thu phí Hà Nội – Bắc Giang, các tài xế rẽ vào đê Phù Đổng sau đó vòng ra tỉnh lộ 179 đến cầu vượt Đại Đồng rồi nhập vào cao tốc.

Cũng đi trên đường đê để né trạm BOT, lần này chúng tôi được một chủ doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chỉ cho cách đi qua trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang mà không phải trả 35.000 đồng/lượt. Người này cho biết, không phải tới bây giờ các phương tiện mới rầm rộ né trạm thu phí mà ngay từ cuối tháng 5/2016, khi tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chính thức thu phí thì cánh lái xe đã “khám phá” ra cung đường đi qua đê Phù Đổng.

Qua sự chỉ dẫn, chúng tôi đã đi thử lộ trình trên dù đường khá nhỏ. Theo ghi nhận của PV, tại điểm giao từ cao tốc Hà Nội - Bắc Giang rẽ vào Phù Đổng (đoạn cách cầu Phù Đổng chừng 1km theo hướng từ Hà Nội đi Bắc Giang), trong vòng 20 phút có hơn 30 lượt xe ô tô các loại chạy vào lối rẽ này. “Anh cứ chạy thẳng qua đường trục khu công nghiệp VSIP là đến cầu vượt Đại Đồng ra luôn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang mà không phải đi qua trạm thu phí đặt tại Km152+080 trên cao tốc. Cả cung đường này dài 6,8km, xa hơn chạy thẳng cao tốc 2km nhưng không mất phí qua trạm BOT”, một tài xế “nhắc bài” khi thấy chúng tôi đang xem bản đồ trên điện thoại.

Theo lời cánh lái xe, vị trí đặt trạm thu phí tại Km152+080 quốc lộ 1 (xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) chỉ cách trạm Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) vài km - đồng nghĩa với việc muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều buộc phải qua đây. Nói nôm na, sau khi đã đi qua trạm thu phí trên, phương tiện đi ra ở bất kỳ chỗ nào trên đường, ngắn hay dài cũng bị thu một mức phí đồng đều như nhau. “Thú thật, đi vòng thế này, chúng tôi chẳng sung sướng gì. Đường vừa xấu, vừa xa hơn, lại nơm nớp bị xử phạt. Mấu chốt là anh em tài xế cũng không muốn đưa tiền cho con đường chỉ được sửa chữa “qua loa” và thu phí cao”, tài xế xe tải Bùi Hồng Quang giãi bày.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến đê Phù Đổng - Cầu Trạc, đường 179 được cắm nhiều biển hạn chế xe tải trọng 10 tấn trở xuống. Thế nhưng, vẫn có nườm nượp lượt xe “hổ vồ” trên tuyến đê này. Chị Nguyễn Thị Lan (ở thôn Doi Sóc, xã Phù Chẩn) cho hay, ngày cũng như đêm, hàng đoàn xe, đa số là xe tải nườm nượp đi qua tuyến đường đê khiến người dân phải sống chung với bụi bặm và tiếng còi xe. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là nguy cơ tai nạn giao thông rình rập. Từ năm ngoái đến nay đã có ít nhất chục vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đê này.

Ông Nguyễn Đức Chúc - Trưởng thôn Doi Sóc cho chúng tôi xem những kiến nghị của bà con gửi lên các cấp chính quyền về thực trạng này, rồi nói: “Bà con kêu mãi mà có ngăn được đâu. Giờ chỉ biết xin các cấp Trung ương, tỉnh nâng cấp con đường để giảm tình trạng ùn tắc, thuận lợi cho người dân đi lại thôi”.

“Né” trạm có vi phạm pháp luật không?

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về tình trạng xe trọng tải lớn né trạm thu phí đi qua đê Phù Đổng, ông Lê Ngọc Tuyển - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Tuyến đường đấy là tỉnh lộ, mà đường tỉnh lộ thì các phương tiện di chuyển bình thường. Còn việc xe tải có né trạm thu phí hay không cần phải điều tra. Chưa kể, nếu phương tiện né trạm thì họ tránh ngay từ cầu Phủ Đổng thuộc địa phận Hà Nội. Mấu chốt bây giờ phải xác định phương tiện ấy né trạm thu phí thì có vi phạm pháp luật hay không?”.

(Còn nữa)

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tron-phi-xe-tai-cay-nat-de-20180802082101552.htm