Tài xế say xỉn đâm chết người: Tự uống hay bị ép đều là tội lỗi

Những đứa trẻ bỗng mồ côi mẹ. Những người chồng mất đi chỗ dựa tình cảm, sẻ chia... Thảm kịch ập đến khi 'ma men' ngồi phía sau vô lăng cướp đi sinh mạng người vô tội.

Người đàn ông sử dụng rượu bia trong buổi họp lớp nhưng vẫn ngồi sau vô lăng tông tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên, Hà Nội lúc 0h10 ngày 1/5.

Tài xế uống 5-7 cốc bia lớn vẫn cầm lái ôtô gây tai nạn liên hoàn và cái chết thương tâm cho nữ công nhân vệ sinh tại đường Láng, Hà Nội tối 22/4.

Càng thương xót cho các nạn nhân của 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây, dư luận càng phẫn nộ với tài xế gây ra nỗi đau cho người khác.

Những đứa trẻ bỗng bơ vơ vì mất mẹ. Những gia đình bỗng mất đi chỗ dựa tình cảm, sẻ chia trong cuộc sống... Tất cả nỗi bất hạnh ập đến chỉ vì con "ma men" ngồi phía sau vô lăng.

Liên tiếp 2 vụ tai nạn chết người do tài xế điều khiển xe trong tình trạng say xỉn khiến nhiều người bất bình. Ảnh: Hải Nam, Otofun.

“Phải xử thật nặng lái xe say xỉn” là mong muốn của nhiều người. Hashtag #noikhongvoiruoubia cùng hành động thay avatar "Đã uống rượu bia thì không được lái xe" đang lan truyền trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, không ít người nói tài xế có tội một thì những kẻ ép rượu anh ta trước đó có tội mười. Họ khích bác, ép uổng nhau "chén chú chén anh" để vui trong phút chốc mà không nghĩ có thể một lúc sau, mạng sống của một bà mẹ nghèo, ông bố đi làm thuê nuôi cả gia đình, cô cậu sinh viên tương lai đang phơi phới hay đứa trẻ vô tội nào đó... bị cướp đi.

Khi ấy, những câu "ân hận", "xin lỗi", "giá như" hay sự bù đắp bằng tiền bạc... không thể khỏa lấp nỗi mất mát quá lớn cho thân nhân người bị nạn.

Bi kịch từ 'văn hóa ép rượu'?

Tai nạn giao thông ngày nào cũng xảy ra với nhiều mức độ và nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, đáng tiếc và ám ảnh nhất với nhiều người là các vụ tai nạn do tài xế say xỉn gây ra.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian gần đây có tới 65-70% vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn.

Trên các bàn nhậu, bàn tiệc, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, không khó bắt gặp cảnh tượng mời mọc, nài ép, thậm chí khích bác nhau uống bằng được.

Người được mời vì nể nang, ngại từ chối hay thậm chí không muốn khước từ, cứ thế dốc cạn chén này sang chén khác. Họ coi đó là thước đo khí chất, bản lĩnh hay tình cảm anh em, bạn bè.

Hình ảnh ép nhau uống rượu, bia quen đến mức nó đã trở thành thứ "văn hóa" xấu xí, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông, án mạng, bạo lực.

Lái xe sau khi sử dụng bia rượu, nhiều tài xế đã gieo "án tử" cho những người tham gia giao thông khác và chính mình. Trong ảnh là hiện trường vụ xe đầu kéo tông 25 xe dừng đèn đỏ tại huyện Bến Lức, Long An hồi đầu năm nay. Ảnh: Lê Trai.

Trong bài đăng gây chú ý trên trang cá nhân mới đây, tài khoản Hoàng Nguyên Vũ khẳng định: "Tài xế có tội một thì những kẻ ép rượu có tội mười".

"Không thể hiểu nổi đâu ra cái thú vui ép đồng loại uống cho gục; đâu ra cái tình thân được đong đo bằng cốc bia chén rượu; đâu ra sự chân tình bằng hơi men để mà cứ cụng nhau canh cách thách nhau nằng nặc. Sống không cần phương hướng, không biết sự an toàn của đồng loại thì tự vào rừng mà sống, chứ mang mầm ác mà gieo một cách hồn nhiên thì xin đừng làm người nữa!", người này viết.

Dinh Thang đồng tình nạn ép rượu ở nhiều nơi đã thành tấn thảm kịch. Người ép đã đẩy nhiều số phận trở nên bi thảm. Đau nhất là người ở lại với nỗi giày vò. Người này nói bản thân đã dần xa lánh với những người bạn lấy bia rượu làm thước đo phẩm giá.

"Xét về luật pháp, đúng là tài xế gây tai nạn tội lớn nhất. Nhưng để giải quyết vấn đề thì cái 'văn hóa ngồi mâm' với ép rượu, bia cũng là vấn đề nhức nhối mà lại được coi như vô tội. Hãy nói không với nạn ép rượu bia, vì một cuộc sống bớt đau thương", Nguyễn Tuấn Anh nói.

Nhiều người cho rằng nhiều vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn gây ra phần nào xuất phát từ "văn hóa ép rượu, bia". Ảnh chụp màn hình.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức con người

Tác hại của rượu, bia là không thể phủ nhận. Cũng không có gì bàn cãi khi say xỉn do tự nguyện uống hay bị ép đều là tội lỗi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vấn đề không nằm ở bia rượu hay văn hóa ép nhau uống, mà do ý thức của mỗi người.

Bản thân từng rơi vào tình huống nguy hiểm do tài xế "ma men" gây tai nạn, chị Phương Thủy (29 tuổi, giáo viên) nói để thay đổi thói quen nhậu nhẹt hay ép rượu trên bàn tiệc trong một sớm một chiều là không thể. Tuy nhiên, ép là chuyện của người ta, còn uống hay không là lựa chọn của mình.

"Đàn ông bản lĩnh là biết cách từ chối chén rượu chứ không đo đếm bằng việc uống được bao nhiêu chén. Khi xảy ra chuyện đau lòng, đừng đổ rằng người khác ép, không ai đổ vào miệng mình cả", nữ giáo viên khẳng định.

June Bùi nói: "Còn nhiều phương án để mọi người chọn khi trong người có hơi men như để xe lại, gửi vào bãi đỗ rồi gọi taxi về. Hoặc biết đi họp lớp, gặp gỡ bạn bè sẽ uống nhiều thì đi taxi ngay từ đầu... Vấn đề này nằm ở ý thức của mỗi người. Nâng cao ý thức lên, dù ở trong tình huống nào đi chăng nữa, không bao giờ lái xe khi vừa uống rượu. Vui thì vui, nhưng vui có ý thức, trách nhiệm".

"Sao không kêu gọi chấm dứt nhậu đi?" là điều tài khoản Điệp Hoàng thắc mắc sau vụ tai nạn ở hầm Kim Liên do tài xế say rượu gây nên. Ảnh chụp màn hình.

Điệp Hoàng nói thói quen rượu bia vô độ ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều chuyện khác, trong đó có hạnh phúc gia đình và kinh tế. Tuy nhiên, ít người từ chối được rượu bia, thậm chí có nơi, còn coi đó như một điều kiện để làm việc, để thăng tiến, ngoại giao.

Bởi vậy, chừng nào, ly bia ngoài quán nhậu, nhà hàng không quyết định đến việc cất nhắc, công việc thì may ra mới thôi rượu bia. Chừng nào việc cụng ly, uống nhiệt tình còn ảnh hưởng đến việc xã giao thì lúc ấy mới bớt rượu bia.

"Rượu hay bia, uống chút giải khát, hay vui thôi, chẳng ai cấm. Nhưng đua nhau như một thứ dịch bệnh thì bản thân mình cũng biến thành dịch bệnh, và hậu quả là gia đình, xã hội cùng gánh chịu... Câu chuyện bia rượu hay tai nạn giao thông, tất cả đều là ý thức và bản lĩnh của các ông các bà thôi, chẳng phải ai khác. Luật nhân văn, nhưng nhân văn với người không có ý thức, nghĩa là đang độc ác với những người lương thiện", Điệp Hoàng viết.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - nói với Zing.vn chế tài xử phạt hình sự hiện nay mới chỉ dừng lại với người gây ra tai nạn làm người bị nạn thương tích nặng hoặc tử vong.

"Ở một số nước, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay, chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích.

Trong điều kiện của Việt Nam, ta hoàn toàn có thể sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này", ông Hùng khẳng định.

Cũng theo ông, chúng ta hãy lên án những người đưa tiền cho CGST hoặc can thiệp vào hoạt động xử lý để được bỏ qua vi phạm; tẩy chay những nhà hàng thấy khách uống rượu bia say mà vẫn để họ đi xe về, vì đó là những nhà hàng vô trách nhiệm; phê bình gia đình, người thân, bạn bè… chấp nhận ngồi lên xe của những tài xế đã uống rượu say. Phải kêu gọi họ không tham gia giao thông cùng những tài xế say xỉn

Làm được những việc ấy mới có thể tạo môi trường lành mạnh, minh bạch và thuận lợi cho hoạt động thực thi pháp luật.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia thay avatar nhằm kêu gọi mọi người không lái xe sau khi uống rượu bia. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều người, trong đó có MC Diệp Chi, nhớ tới Jacqui Saburido - cô gái với gương mặt biến dạng hoàn toàn sau vụ tai nạn do một gã tài xế say rượu gây ra vào năm 1999, khi cô mới 20 tuổi.

Chịu đau đớn từ hơn 100 ca phẫu thuật để điều trị vết bỏng nghiêm trọng trên mặt, tay và vượt qua mặc cảm khi "gương mặt không tai, không mũi, không chân mày và không có tóc", người phụ nữ này đã đi khắp nước Mỹ trong gần 20 năm để thực hiện những buổi diễn thuyết, giao lưu, đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về những hiểm nguy khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Bi kịch cuộc đời của Saburido trở thành biểu tượng cho chiến dịch chống lái xe khi say xỉn được Sở Giao thông Texas phát động.

MC Diệp Chi nói rằng dù cuộc đời đột ngột rẽ sang hướng khác, Jacqui Saburido ít nhất được sống thêm nhiều năm và làm những việc ý nghĩa. Nhưng ngoài kia, nhiều nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông không may mắn như vậy.

Đó là chị lao công nghèo tần tảo, là cô giáo dạy giỏi, là nhân viên đoàn kịch mẫn cán... Họ vô tội, khao khát sống và cống hiến cho đời nhưng bị tước đi mạng sống một cách oan uổng bởi người cầm lái khi say.

Còn người gây tai nạn, đang là công dân gương mẫu, người đàn ông thành đạt, người chồng người cha tốt nhưng chỉ vì vài ba chén rượu mà mang tội danh giết người cho đến hết đời, không sao gột được.

Vẫn biết rằng khi vui, hầu như ai cũng uống. Thế nhưng theo nữ MC, uống có chừng mực, biết đâu là điểm dừng, ngưỡng say để có thể rút điện thoại ra gọi taxi, nói rõ địa chỉ nhà, đi đến nơi về đến chốn, mọi chuyện đã khác.

"Bất kỳ ai, khi cầm chén rượu trong tay hãy nhớ: Một chén uống thiếu trách nhiệm có thể tước đi mạng sống của người khác, tước đi quyền sống của chính mình. Có những chén rượu để giải sầu, lại có những chén rượu chỉ mang tang thương, bất hạnh.

Ai cũng có thể là Saburido tội nghiệp. Ai cũng có thể là chị Hà, chị Yến, chị Quỳnh, ra đường rồi vĩnh viễn không thể về nhà được nữa... Vì chúng ta vẫn phải mưu sinh mỗi ngày và không thể biết rằng lúc nào, ở đâu, những gã say cầm lái, phóng như điên lao tới", MC Diệp Chi viết tại trang cá nhân.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tai-xe-say-xin-dam-chet-nguoi-tu-uong-hay-bi-ep-deu-la-toi-loi-post942012.html