Tài xế taxi ồ ạt bỏ nghề

Bị tác động của đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng mạnh, lượng khách ít nên nhiều tài xế taxi đã không cầm cự nổi và bỏ nghề

Tại bãi đỗ xe của nhiều hãng taxi trên địa bàn TP Hà Nội, taxi "đắp chiếu" nằm la liệt, không hoạt động bởi rất nhiều tài xế của hãng đã xin nghỉ việc.

Khó khăn chưa từng có

Lái taxi được gần 7 năm, anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cho biết chưa bao giờ anh và các đồng nghiệp lại rơi vào hoàn cảnh bi đát như 2 năm qua. Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, anh Hưng thấy có rất nhiều đồng nghiệp đã không quay trở lại làm việc. Hưng chia sẻ hiện nay, mỗi ngày anh chạy được vài chuyến, trừ chi phí nhiên liệu, tổng đài... số tiền còn lại không bao nhiêu. "Trong khi chờ xin việc khác, có lẽ tôi cũng chỉ chạy xe cầm cự thêm một thời gian ngắn, chứ cứ dặt dẹo như thế này thì thu nhập không thể đủ trang trải cho gia đình" - anh Hưng nói.

Những trường hợp bỏ việc hay sẽ bỏ việc như anh Hưng ngày càng nhiều ở Hà Nội, khiến các doanh nghiệp (DN) taxi lâm cảnh khó khăn chưa từng có. Số liệu thống kê cho thấy hiện cả nước có 1.000 DN taxi, với hơn 67.000 xe. So với năm 2019, cả nước có hơn 79.000 xe, năm 2020 có 75.000 thì thấy lượng xe sụt giảm rất lớn.

Tính riêng tại địa bàn TP Hà Nội, theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, qua 20 năm phát triển, thành phố này mới có hơn 17.000 taxi. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm dịch Covid-19, hơn 7.000 taxi tại đây không có tài xế, phải dừng hoạt động cả năm qua.

Ông Đặng Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Du lịch Phú Đông - đơn vị sở hữu taxi Thành Lợi, cho rằng tài xế hầu hết ở các tỉnh không có nhà ở, phải đi thuê. Do thu nhập tỉ lệ nghịch với chi phí phát sinh nên không đủ để trang trải cuộc sống ở thủ đô, khiến họ rời bỏ nghề về quê hoặc tìm cơ hội việc làm khác có thu nhập cao hơn. "Chúng tôi có gần 600 tài xế thì có tới 400 người đã nghỉ việc. Để cầm cự, không cách nào khác là phải thanh lý xe để trả nợ ngân hàng" - ông Tuấn Anh nói.

Theo đại diện Taxi Mai Linh, hiện hãng có 1.300 taxi nhưng có khoảng 500 xe không có tài xế (chiếm khoảng 40%), việc thiếu lái xe khiến hãng chỉ phục vụ được 60%-70% nhu cầu đặt xe của khách hàng.

Các hãng taxi lâm vào cảnh khốn đốn khi hàng loạt tài xế bỏ nghề vì chi phí tăng cao, thu nhập giảm

Các hãng taxi lâm vào cảnh khốn đốn khi hàng loạt tài xế bỏ nghề vì chi phí tăng cao, thu nhập giảm

Nhiều kiến nghị

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đề nghị trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho DN vận tải. Liên bộ Công Thương - Tài chính cần phải vào cuộc tích cực mới mong phục hồi được sản xuất. Các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho DN khôi phục sản xuất - kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc hãng taxi Mai Linh miền Bắc, cho biết DN đang phải gồng mình khi gánh chịu các loại chi phí. Một lượng lớn tài xế nghỉ việc cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch đã thực sự khiến DN điêu đứng. Trong tình cảnh đó, DN bắt buộc phải bán xe để cắt lỗ; đồng thời tăng các chế độ hỗ trợ khuyến khích người mới gia nhập như hỗ trợ 1 tháng lương, hỗ trợ các chuyến khách hằng ngày để họ bảo đảm thu nhập... Vậy nhưng vẫn thiếu tài xế, đẩy DN vào thế khó. "Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ nhưng để vay được vốn thì DN phải có tài sản bảo đảm, doanh thu cũng phải đạt tối thiểu theo hợp đồng tín dụng. Dịch bệnh kéo dài, doanh thu giảm sâu, tài sản phải bán thanh lý nên DN không thể đáp ứng hai điều kiện này" - ông Trung nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, hiện tại nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng của người dân vẫn thấp, tỉ lệ xe có khách chỉ khoảng 40% nhưng nhiều DN vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để giữ thị trường. Tuy vậy, không thể gắng gượng lâu khi giá xăng dầu tăng cao, trong khi doanh thu của DN vận tải chỉ đạt khoảng 15% - 20% thời điểm trước dịch. Để hạn chế số lượng DN phải rút lui khỏi thị trường, kéo theo vấn đề tài xế nghỉ việc, ông Hùng kiến nghị nhà nước cần xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ.

Theo đó, ông Hùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu nợ đến hết ngày 31-12-2022, tạo điều kiện cho các DN cơ cấu dòng tiền. Cần bỏ điều kiện là các ngân hàng khi cơ cấu nợ cho DN phải trích lập quỹ dự phòng.

Xe công nghệ cũng lao đao

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ cũng đã bỏ nghề do thu nhập ngày càng giảm. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, chạy GrabBike tại TP HCM, cho biết giá xăng tăng quá cao nên thu nhập "giảm không phanh". "Trước đây, đổ hai lần xăng mỗi ngày, mất 90.000 đồng, nay phải chi gần gấp đôi. Chạy cả ngày được khoảng 400.000 đồng. Tiền xăng gần phân nửa, ăn uống tiết kiệm cũng mất 50.000 đồng, tiền chiếc khấu... còn lại không nuôi nổi vợ con, chưa kể tiền thuê nhà" - ông Hoàng giãi bày. Cũng theo ông Hoàng, nhiều đồng nghiệp cũng đã bỏ chạy xe công nghệ để tìm kế sinh nhai khác.

Các hãng xe công nghệ cho biết lượng tài xế hiện nay đã giảm đáng kể so với lúc trước. Theo đại diện Gojek, nhằm hỗ trợ tài xế an tâm hơn khi hoạt động, Gojek thường xuyên triển khai các chương trình phúc lợi hấp dẫn. Hỗ trợ chi phí xăng dầu cho các đối tác tài xế có hiệu suất hoạt động tốt là một trong những gói phúc lợi thuộc chương trình GoCaptain của Gojek...

Còn theo đại diện của hãng xe công nghệ Grab, công ty này đang triển khai một số chương trình thưởng để hỗ trợ đối tác tài xế đang hoạt động ở các tỉnh, thành phố...

Nguyễn Hải

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/tai-xe-taxi-o-at-bo-nghe-20220514202240512.htm