Tài xế taxi tự lắp khoang bảo vệ, cơ quan chức năng có cho phép?

Sau vụ sát hại tài xế cướp tài sản xảy ra sau sân vận động Mỹ Đình tối 29/1/2019, một tài xế taxi thuộc hãng Taxi G7 đã lắp khoang chắn, ngăn cách giữa tài xế taxi với hành khách ngồi phía sau và hành khách ngồi ghế phụ nhằm bảo vệ tính mạng, để đề phòng cướp giật.

Đây được coi là chiếc taxi đầu tiên ở Việt Nam có lắp khoang chắn bảo vệ tài xế. Và vì thế hình ảnh ngay khi được lan truyền trên mạng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Đa phần ý kiến ủng hộ việc taxi lắp khoang chắn bảo vệ tài xế, nhất là sau vụ việc tài xế taxi bị cứa cổ ở trước cổng sân vận động Mỹ Đình xảy ra tối 29/1/2019 vừa qua. Bởi trước đó việc này đã được nhiều nước trên thế giới làm để bảo vệ an toàn cho tài xế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến thắc mắc rằng, liệu việc lắp đặt thanh chắn bảo vệ tài xế taxi nói trên có được cơ quan chức năng cho phép?

Trao đổi với PV về trường hợp tài xế lái xe taxi lắp thêm khoang chắn sau vụ lái xe taxi Linh Anh bị giết, ông Ngô Hồng Hệ - Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Trên thế giới, ở một số nước trước đây như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng đã có quy định xe taxi phải lắp đặt vách ngăn giữa người lái và hành khách để bảo vệ người lái.

Tài xế taxi thuộc hãng Taxi G7 đã tự lắp khoang chắn, ngăn cách giữa tài xế taxi với hành khách ngồi phía sau và hành khách ngồi ghế phụ nhằm bảo vệ tính mạng, để đề phòng cướp giật.

Tài xế taxi thuộc hãng Taxi G7 đã tự lắp khoang chắn, ngăn cách giữa tài xế taxi với hành khách ngồi phía sau và hành khách ngồi ghế phụ nhằm bảo vệ tính mạng, để đề phòng cướp giật.

Tuy nhiên hiện nay do sự phát triển về công nghệ, cùng với tình hình an ninh, trật tự tại các quốc gia tốt lên nên các quy định này tại Mỹ đã được bãi bỏ và thay thế bằng hệ thống camera lắp đặt trong xe (hệ thống này có thể truyền hình ảnh trực tiếp về máy chủ, hoặc ghi vào thẻ nhớ có đầu ghi được dấu bí mật). Còn tại Trung Quốc, Hàn Quốc,... việc lắp đặt này còn được áp dụng tại một số vùng cụ thể, theo nhu cầu của lái xe chứ không mang tính đồng bộ, bắt buộc”.

Ngoài ra, ông Ngô Hồng Hệ cũng chia sẻ: “Ở Việt Nam, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Đăng Kiểm Việt Nam ủng hộ việc có các biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn cho lái xe và hành khách đi trên xe taxi. Xe ô tô ngay từ khi thiết kế đã được nhà sản xuất tính toán đảm bảo tối ưu tính tiện nghi và an toàn cho người lái, hành khách trên xe, phù hợp với mục đích và nhu cầu sử dụng".

Tuy nhiên, việc lắp thêm vách ngăn sẽ dẫn tới thay đổi kết cấu, bố trí trong khoang lái của xe, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận hành, quan sát của lái xe và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho lái xe và hành khách ngồi trên xe hoặc ảnh hưởng tới khả năng thoát hiểm trong những tình huống khẩn cấp (tai nạn, cháy nổ, ngập nước…).

Tùy theo các tình huống cụ thể khi tham gia giao thông, có thể chính các kết cấu của vách ngăn lắp thêm trên xe là tác nhân gây nguy hiểm cho lái xe và hành khách ngồi trên xe (do người ngồi trên xe có thể va chạm trực tiếp với các kết cấu của vách ngăn hoặc làm ảnh hưởng tới sự hoạt động của các cơ cấu đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe; ảnh hưởng đến khả năng thoát hiểm khẩn cấp của lái xe khi có tai nạn, cháy nổ, ngập nước...).

Vì vậy, việc lắp đặt vách ngăn cần đảm bảo gây ảnh hưởng ít nhất đối với khả năng vận hành của xe, an toàn của lái xe và hành khách ngồi trên xe khi xảy ra tai nạn và thoát hiểm khẩn cấp, đảm bảo các quy định hiện hành về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Ông Hệ cho biết thêm, việc lắp đặt thêm vách ngăn nói riêng, cải tạo xe cơ giới nói chung đã được quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chủ xe, lái xe có thể chủ động thực hiện bất cứ khi nào. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lái xe và chủ xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề xuất đơn giản hóa thủ tục quy định về cải tạo, lắp đặt vách ngăn.

Việc lắp đặt thêm vách ngăn chỉ là một phương án bị động cho việc bảo vệ bản thân lái xe khi xảy ra những tình huống xấu, tuy nhiên vách ngăn này cũng có thể ảnh hưởng nhiều tới tính năng kỹ thuật, khả năng vận hành, thoát hiểm của xe và lái xe như đã nêu ở trên, do đó không khuyến khích các lái xe lắp thêm vách ngăn.

Trong quá trình vận chuyển hành khách, để đảm bảo an toàn khuyến cáo các lái xe: Trước khi có ý định lắp đặt thêm khoang chắn bảo vệ chủ phương tiện có thể liên hệ trực tiếp đến các Trung tâm đăng kiểm để được hướng dẫn cụ thể.

Đó là nâng cao cảnh giác trong quá trình vận khách, không vận chuyển những hành khách có biểu hiện bất thường, vận chuyển khách đến các địa điểm vắng, nhất là trong những khoảng thời gian muộn về đêm. Nên chủ động phòng ngừa, lựa chọn hành khách trong quá trình vận chuyển để giảm thiểu các nguy cơ gây mất an toàn cho bản thân.

CHU LƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tai-xe-taxi-tu-lap-khoang-bao-ve-lieu-co-quan-chuc-nang-co-cho-phep-d91113.html