Tài xế Uber ở Sài Gòn: 'Thu nhập giảm, chẳng ai nói gì với chúng tôi'

Các tài xế phàn nàn tuần trước Uber còn thông báo trấn an họ yên tâm lái xe, doanh thu còn tốt, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, thế mà nay mọi sự đã lật ngược.

Biết thông tin Uber sáp nhập vào Grab, mấy ngày nay nhiều tài xế đối tác của hãng này thường tranh thủ thời gian vắng khách để hỏi han nhau về thủ tục, cách thức gia nhập công ty mới. Một số họ còn “cầu cứu” các tài xế Grab, những người sẽ là đồng nghiệp của họ sau vài ngày nữa. Nhưng, sau những chia sẻ đó, ai cũng nhìn nhau và lắc đầu.

Thu nhập giảm, tài xế hoang mang

Hai ngày qua, nhiều tài xế Uber đang phải đau đầu khi lượng khách giảm chóng mặt.

Ngày 28/3, đã hơn 13h nhưng ông Hứa Văn Nở (58 tuổi, tài xế Uber khu vực quận Bình Thạnh) chỉ mới kiếm được 69.000 đồng.

Những ngày này, giờ nghỉ trưa, tài xế UberMoto thường tập trung bàn câu chuyện giảm thu nhập, chuyển đổi công việc khi ứng dụng này không còn nữa. Ảnh: Trần Quốc Khánh.

“Sáng giờ tôi chỉ mới chạy 5 chuyến ngắn, chắc mua bánh mì ăn luôn bữa trưa. Hai ngày nay, từ khi có thông báo Uber sáp nhập vào Grab, tôi có ít khách hơn hẳn. Ngày thường kiếm được gần 400.000 đồng. Hai hôm nay, chạy suốt cũng chưa tới 200.000 đồng”, ông đưa ứng dụng hiển thị thu nhập cả buổi sáng cho người đối diện.

Ông Nở cho hay thêm bạn bè mình mấy hôm nay cũng chạy ít hơn, phần hoang mang trước thông tin nên nghỉ ở nhà, phần số lượng khách có dấu hiệu giảm nên cũng không mặn mà làm việc.

Vì vậy mà theo ông, tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM, màu áo xanh lá của Grab vẫn đông đúc như thường ngày nhưng để tìm một tài xế Uber thì rất khó.

“Tiền thì khách hàng trả cho mình, công ty chỉ là đối tác quản lý nên tôi thấy ở đâu cũng vậy. Vì miếng cơm, sống bằng nghề này nên tôi đâu thể nào nghỉ được. Thu nhập của cả gia đình mà”, ông nói nhanh rồi vội chạy đi khi ứng dụng thông báo có khách đặt xe.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Trường (46 tuổi, tài xế khu vực quận 1) mới gia nhập Uber chưa đầy một tháng. Khi mới tham gia, ông hào hứng nghĩ nếu mình chịu khó chạy nhiều thì sẽ hưởng thu nhập cao. Thế nhưng, vài ngày nay, ông thấy chán việc bởi không hiểu tại sao khách ít gọi xe hơn. Số tiền kiếm được mỗi ngày chỉ còn bằng 1/4 trước những ngày đầu.

“Tôi mới chi gần 1 triệu đồng sắm đồng phục, hoàn tất thủ tục pháp lý tại công ty khi làm tài xế Uber. Bây giờ chuyển qua Grab cũng hơi rầu, khi phải mua lại đồng phục, học lại quy định của hãng mới... Tôi chỉ hy vọng hai bên hợp tác làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho anh em”, ông Trường nói.

"Một tuần trước, Uber vẫn nói cứ yên tâm lái xe"

“Cách đây khoảng một tuần, tôi còn nhận được thông báo từ Uber, khuyên anh em cứ yên tâm lái xe, doanh thu còn rất tốt. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Vậy mà hôm trước, qua báo chí tôi mới biết Grab mua Uber rồi, chứ tôi không nhận được thông tin nào chính thức từ Uber, không ai nói gì với chúng tôi”, ông Võ Văn Danh, một tài xế 60 tuổi, nói.

Ông Danh và các tài xế khác đều trong trạng thái hoang mang. Họ không biết thủ tục chuyển đổi sẽ ra sao, đăng ký lại như thế nào. Phía Uber cũng như công ty mới là Grab có hỗ trợ gì cho tài xế về đồng phục, vấn đề pháp lý hay không?

Ông Danh nói thêm: “Vốn gắn bó lâu dài và được đối xử rất tốt nên tôi có cảm tình với Uber nhiều. Trước mắt, tôi cũng sẽ về Grab, vì miếng cơm manh áo. Tuy nhiên, nếu công ty này không biết cân bằng giữa lợi ích của mình và đối tác, tôi sẽ tìm một công việc mới”.

Chạy xe ôm công nghệ là việc làm thêm sau giờ hành chính của anh Phạm Văn Dũng, 35 tuổi. Mấy hôm nay sau khi rời khỏi văn phòng, anh không mở ứng dụng đón khách mà tụ họp với các anh em tài xế khác để bàn chuyện Uber không còn tham gia thị trường.

Anh cho biết mình rất hoang mang khi không ai thông báo gì với tài xế, không được hướng dẫn chi tiết việc chuyển đổi sang ứng dụng mới ra sao.

Tài xế Phạm Văn Dũng chia sẻ việc chạy xe để kiếm thêm sau giờ làm, và cũng như các đồng nghiệp khác, anh hoang mang bởi không được thông báo gì. Ảnh: Phúc Minh.

“Để kiếm thêm thu nhập, bắt buộc tôi cũng sẽ đổi sang chạy Grab. Vấn đề tôi quan tâm là không biết sau ngày 8/4 chúng tôi sẽ ra sao. Họ báo tài xế Uber sẽ sang chạy cho Grab mà đến nay thông tin thì mù tịt. Nhiều anh em lo quá chạy ra văn phòng ở quận 1 cũng không có thêm được hướng dẫn gì”, anh Dũng lắc đầu.

Nếu cánh môtô hoang mang một, thì tài xế ôtô lại lo lắng mười. Bởi, họ phải tốn nhiều chi phí cho việc sắm sửa, bão dưỡng xe, chiết khấu cao hơn… cũng như khả năng cạnh tranh cũng lớn hơn

Anh Trần Công Luận, tài xế đối tác của Uber đã hơn hai năm tại khu vực quận 3, TP.HCM, lo lắng: “Chiếc 4 chỗ này tôi mua trả góp. Không chỉ riêng tôi đâu, nhiều anh em lái UberX (ôtô 4 chỗ) đa phần đều trả góp cả. Bây giờ môi trường thay đổi, công ty thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng thu nhập, cho dù họ có cam kết gì đi nữa”.

Nhưng nỗi lo lớn nhất của anh Luận chính là trước đây, tài khoản của anh đã bị Grab khóa do vi phạm một số quy định.

“Mọi thứ đều hoang mang, thủ tục chuyển đổi còn chưa rõ thì làm sao biết có được mở lại tài khoản hay không. Nếu không, chắc tôi cho người khác thuê lại xe, tìm việc khác để có thu nhập mà trả góp tiền mua xe”, anh Luận nói.

"Chúng tôi được gọi là đối tác, nhưng không có bất kỳ tiếng nói nào trong các quyết định của Uber. Chỉ một email thông báo và chúng tôi bơ vơ ra đường. Bây giờ cũng chẳng biết tìm ai để bảo vệ quyền lợi của mình, vì chúng tôi không phải là nhân viên với một hợp đồng lao động đàng hoàng", anh Văn Tuấn, một tài xế Uber lâu năm, nói.

Khách lo Grab nâng giá cước khi "một mình một chợ"

Với nhiều khách hàng “ruột” của các ứng dụng đặt xe, điều ái ngại của họ là phân vân không biết khi Grab "một mình một chợ" thì giá cước sẽ ra sao.

Anh Nguyễn Huỳnh Phúc Thịnh, làm việc ở quận 1, cho biết trước giờ luôn đi UberMoto hoặc UberX. Vì vậy, anh cũng thấy buồn khi 2 tuần tới, đường phố sẽ không còn màu áo xanh dương của các tài xế Uber moto.

“Chọn đi Uber, đó là tôi chọn thương hiệu mà tôi yêu thích. Tôi hài lòng với tài xế, dịch vụ chăm sóc khách hàng và nhiều hơn thế của hãng này. Bây giờ tôi vẫn chọn phương tiện nào giá tốt để sử dụng, nhưng cũng thấy buồn khi thay đổi”, anh nói.

Anh cho biết nhiều bạn bè mình đã gặp rắc rối rất nhiều trong việc sử dụng và kết nối với ứng dụng Grab, nên anh "không cảm tình" với thương hiệu này, dù điện thoại cũng cài sẵn 2 ứng dụng.

Chị Khánh Thương, một khách hàng sử dụng cả hai ứng dụng này, thì lo lắng về giá cước của Grab trong thời gian tới, bởi khi không còn sự cạnh tranh, mức giá chỉ một mình Grab định đoạt. Người sử dụng có thể phải trả phí cao hơn.

"Trước đây, mỗi lần đặt xe mình thường bật hai ứng dụng để kiểm tra, xem bên nào rẻ hơn thì chọn. Việc sáp nhập khiến lựa chọn của mình không còn", chị Khánh Thương nói người dùng như chị sẽ chịu thiệt thòi.

Phúc Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tai-xe-uber-o-sai-gon-thu-nhap-giam-chang-ai-noi-gi-voi-chung-toi-post829912.html