Taliban dự kiến thời điểm chính phủ mới tại Afghanistan nhậm chức

Lễ nhậm chức của chính phủ chuyển tiếp mới dự kiến diễn ra vào ngày 11/9, cho tới nay, Nga, Trung Quốc, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Iran đã được mời tới dự lễ nhậm chức.

Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid tại cuộc họp báo ở Kabul, ngày 7/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid tại cuộc họp báo ở Kabul, ngày 7/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nguồn tin Taliban cho biết lễ nhậm chức của chính phủ mới tại Afghanistan dự kiến diễn ra vào ngày 11/9.

Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời nguồn tin Taliban cho hay: "Lễ nhậm chức của chính phủ chuyển tiếp mới dự kiến diễn ra vào ngày 11/9. Cho tới nay, Nga, Trung Quốc, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Iran đã được mời tới dự lễ nhậm chức."

Ngày 8/9, tân Phó Thủ tướng Afghanistan Mullah Abdul Ghani Baradar đã tới Qatar để mời phái đoàn một số các quốc gia khác.

Trước đó, ngày 7/9, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid đã công bố thành phần nội các trong chính phủ Afghanistan.

Phát biểu với báo giới, ông Mujahid cho biết ông Hassan Akhund được bổ nhiệm là thủ tướng trong chính phủ mới, ông Mujahid Abdul Ghani Baradar là phó thủ tướng.

Bộ trưởng Nội vụ là ông Sarajuddin Haqqani, Bộ trưởng Quốc phòng là ông Mullah Yaqoob, trong khi Ngoại trưởng là ông Amir Khan Muttaqi và Thứ trưởng Ngoại giao là ông Abas Stanikzai.

Trung Quốc hoan nghênh Taliban thành lập chính phủ lâm thời

Ngày 8/9, theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Trung Quốc đánh giá việc Taliban thành lập chính phủ lâm thời tại Afghanistan có ý nghĩa quan trọng và coi đây là bước đi cần thiết hướng tới khôi phục trật tự và tái thiết sau chiến tranh tại nước này.

Quan chức ngoại giao Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với chính phủ và các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan, đồng thời hy vọng rằng chính phủ mới sẽ tiếp thu ý kiến của các nhóm sắc tộc và đảng phái ở Afghanistan, đáp ứng nguyện vọng của người dân Afghanistan và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

EU không ủng hộ chính phủ lâm thời do Taliban thành lập

Trước đó, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ không ủng hộ chính phủ lâm thời do Taliban thành lập ở Afghanistan, nêu rõ rằng lực lượng này đã không giữ cam kết về một chính phủ toàn diện với sự góp mặt của nữ giới và các nhóm tôn giáo khác.

Ông Peter Stano - người phát ngôn về chính sách đối ngoại của EU - nêu rõ đây không phải là một cơ cấu có tính toàn diện và đại diện cho sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo của Afghanistan mà Brussels hy vọng được chứng kiến và như điều mà lực lượng Taliban đã hứa hẹn trong những tuần qua.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cũng thể hiện thái độ cảnh giác đối với chính phủ lâm thời của Taliban, trong đó bao gồm nhiều nhân vật có tên trong danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc hoặc bị Mỹ truy nã.

Ông khẳng định "EU sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo" cho Afghanistan, tuy nhiên khoản viện trợ dài hạn này sẽ phụ thuộc vào cách thức Taliban duy trì các quyền tự do cơ bản của người dân.

Đức, Mỹ bác bỏ khả năng sớm công nhận chính phủ lâm thời

Truyền thông Đức ngày 8/9 đưa tin, Đức và Mỹ đã bác bỏ việc sớm công nhận chính phủ lâm thời ở Afghanistan mà Taliban mới công bố.

Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Berlin không đưa ra khung thời gian cho việc khôi phục sứ mệnh ngoại giao ở Kabul, nhấn mạnh vấn đề này đang được thảo luận với các đối tác quốc tế, trong đó vấn đề chính là việc công nhận ngoại giao đối với phong trào Taliban.

: Ông Mullah Mohammad Hassan Akhund (giữa) lúc là quan chức đối ngoại của Taliban trong cuộc gặp Ngoại trưởng Pakistan Sartaj Aziz (trái) tại Rawalpindi (Pakistan) ngày 25/8/1999. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp của khoảng 20 nước, Ngoại trưởng Đức Maas nhấn mạnh: "Tôi không thể nói khi nào một thời điểm cụ thể sẽ được đưa ra (cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao). Tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đến nay đã đàm phán với Taliban. Nếu chúng tôi không làm điều đó thì sẽ không thể đưa ra ngoài (Afghanistan) các công dân Đức, các nhân viên người Afghanistan và đại diện các nhóm dễ bị tổn thương khác."

Ngoại trưởng Đức cũng cho biết Berlin dự kiến tiếp tục đưa những người cần được bảo vệ ra khỏi Afghanistan do các công dân Đức, nhân viên bản địa từng làm việc cho các cơ quan và tổ chức của Đức vẫn đang ở Afghanistan, do vậy các cuộc đàm phán với Taliban sẽ vẫn được thực thi bất kể có công nhận ngoại giao hay không.

Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh Afghanistan sẽ không thể ổn định nếu thiếu sự ủng hộ của quốc tế, cho rằng sự cô lập không phải là điều Taliban hay nhân dân Afghanistan mong muốn.

Theo ông, một quốc gia với nến kinh tế bị phá hủy gần như hoàn toàn sẽ không bao giờ có thể ổn định. Ông nêu rõ cộng đồng quốc tế đang rất quan ngại về các diễn biến ở Afghanistan, nơi có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Do vậy, theo Ngoại trưởng Maas, cộng đồng quốc tế cần phải nhanh chóng hỗ trợ nhân đạo cho người dân quốc gia Tây Nam Á này, chủ yếu thông qua Liên hợp quốc, bởi đó không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là sự ổn định của khu vực. Berlin cũng hy vọng Taliban sẽ không can thiệp vào kế hoạch mở sân bay Kabul cho mục đích này.

Chính phủ Đức cũng mong muốn, cùng với việc hoàn thiện chính phủ, Taliban cần gửi đi các thông điệp cần thiết đối với cộng đồng quốc tế.

Theo truyền thông Đức, Đức và Mỹ đã bác bỏ việc sớm công nhận chính phủ lâm thời ở Afghanistan mà Taliban mới công bố. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Taliban cần tìm kiếm sự hợp pháp quốc tế thông qua hành động của họ, và việc này không thể có ngay một sớm một chiều, không chỉ thông qua lời nói.

Ngoại trưởng Mỹ và Đức đồng thời chỉ trích thành phần nội các tương lai ở Kabul. Theo Ngoại trưởng Maas, tuyên bố về một chính phủ chuyển tiếp không có sự tham gia của các nhóm khác và tình hình bạo lực nhằm vào những người biểu tình và nhà báo ở Kabul không phải là những tín hiệu lạc quan.

Ông Blinken cũng chỉ trích thành phần nội các tương lai chỉ dành cho các thành viên Taliban hay đồng minh thân cận mà không có phụ nữ. Bên cạnh đó, theo ông, những liên hệ và quá khứ của một số thành viên chính phủ tương lai cũng là điều đáng lo ngại.

Các tuyên bố này được đưa ra khi Taliban ngày 7/9 công bố thành phần chính phủ lâm thời gồm 33 thành viên, trong đó không có phụ nữ và không có người nào thuộc các tổ chức chính trị khác.

Phương Tây kêu gọi Taliban cần lập một chính phủ bao trùm, không chỉ có người của phong trào này. Liên minh châu Âu (EU) coi đây là điều kiện cho các hành động tiếp theo, như việc nối lại hỗ trợ phát triển cho Afghanistan.

Cuộc họp báo nêu trên được tiến hành sau khi hai ngoại trưởng Đức và Mỹ tiến hành họp trực tuyến từ căn cứ Ramstein của Mỹ ở Đức với những người đồng cấp từ khoảng 20 nước để thảo luận về vấn đề Afghanistan.

Lực lượng quốc tế đã rời khỏi Afghanistan sau gần 20 năm làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng an ninh sở tại và tham gia công tác hỗ trợ phát triển. Mỹ và Đức là những nước đóng góp quân lớn nhất ở Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/taliban-du-kien-thoi-diem-chinh-phu-moi-tai-afghanistan-nham-chuc/739500.vnp