Taliban quyết không cho Mỹ rút chân khỏi Afghanistan?

Taliban chưa muốn cho Mỹ sớm rút chân khỏi vũng lầy Afganistan, bởi đây là cách Taliban trả thù ngọt ngào nhất, khi buộc Mỹ phải khắc khoải đợi chờ.

Mỹ và Taliban đổ lỗi cho nhau trong việc gia tăng bạo lực ở Afghanistan

Reuters đưa tin, ngày 2/5, lực lượng Mỹ tại Afghanistan và lực lượng Taliban đã xảy ra tranh cãi trên các phương tiện truyền thông xã hội về tránh nhiệm đối với sự đình trệ của tiến trình hòa bình ở Afghanistan.

Trong một lá thư ngỏ trên Twitter, người phát ngôn của lực lượng Mỹ ở Afghanistan, đại tá Sonny Leggett đã cảnh báo Washington sẽ có hành động đáp trả, nếu các tay súng Taliban không giảm quy mô bạo lực tại quốc gia Trung Nam Á này.

“Giảm bạo lực là điều hoàn toàn cần thiết. Điều này phục thuộc vào lãnh đạo của các lực lượng quân sự, bao gồm Lực lượng an ninh Quốc gia Afghanistan, các chiến binh Taliban… Bạo lực chỉ tạo ra bạo lực. Sự kiềm chế giúp tạo ra kiềm chế”.

Người phát ngôn của lực lượng Mỹ ở Afghanistan kêu gọi các bên tham chiến "quay trở lại tiến trình chính trị" để ngăn chặn nguy cơ bạo lực có thể phá tan mọi hy vọng về tiến trình hòa bình cho Afghanistan.

Dù nổ súng thì Taliban vẫn bị xem là có lỗi ít nhất trong việc vi phạm thỏa thuận hòa bình

Đáp lại, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid, cảnh báo rằng Washington không được làm xấu thêm tình hình hiện nay ở Afghanistan bằng những tuyên bố vô nghĩa và mang tính khiêu khích.

Taliban đổ lỗi cho Mỹ đã không thúc đẩy chính phủ Afghanistan thực hiện trao đổi tù binh như đã thống nhất với Mỹ trong thỏa thuận hòa bình đã ký kết ở Doha. Do đó, thực thi Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban là quan trọng nhất.

Tháng 2 vừa qua, Mỹ và Taliban đã ký kết thỏa thuận nhằm mang lại hòa bình cho Afghanistan, mà đàm phán giữa Taliban với Kabul là một trong số những điều khoản quan trọng nhất của thỏa thuận lịch sử. Song bạo lực đã gia tăng kể từ thời điểm đó.

Theo The New York Times, đã có hàng trăm cuộc tấn công bạo lực được tiến hành bởi cả Taliban, Lực lượng an ninh Afghanistan lẫn lực lượng Mỹ tại Afghanistan diễn ra khắp xứ A-phú-hãn, kể từ sau khi Thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký kết.

Những vụ tấn công đẫm máu đã phủ bóng đen lên các nỗ lực ngoại giao nhằm khởi động đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, khiến Thỏa thuận Mỹ-Taliban bị vi phạm ngay bởi chính các tác giả ngay khi chưa ráo mực.

Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ và Taliban đều đổ lỗi cho nhau trong việc thỏa thuận lịch sử bị vi phạm, khiến cho xứ A-phú-hãn vẫn chìm trong bạo lực, hòa bình vẫn trở nên xa vời với người dân và đất nước Afghanistan.

Taliban quyết không cho Mỹ rút chân khỏi Afghanistan

Có thể thấy, đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận với Taliban là một sự cố gắng rất lớn của Mỹ sau gần 2 thập kỷ tấn công và lật đổ chính quyền của Taliban, nhưng lại không thể tiêu diệt được Taliban để giành chiến thắng cuối cùng.

Washington không thể ngờ rằng cuộc chiến tại Afghanistan lại kéo dài, rồi trở thành cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sa lầy tại xứ A-phú-hãn đã khiến người Mỹ thực sự mệt mỏi nên đã tìm cách có thể rút chân khỏi Afghanistan.

Đây được xác định vừa là nguyên nhân vừa là mục đích của việc Mỹ phải ngồi xuống đàm phán với "kẻ thù", rồi đi đến thống nhất và ký kết một thỏa thuận hòa bình, mà sẽ giúp cho Mỹ có thể rời khỏi vũng lầy A-phú-hãn một cách ít ê chề nhất.

Thực tế đó khiến cho Mỹ bước vào đám phán với "kẻ thù" ở một vị thế thấp hơn và Taliban đã tận dụng tối đa ưu thế của mình để ép Washington phải chấp nhận ký một bản thỏa thuận với nhiều điều khoản bất lợi với mình và với đồng minh Kabul.

Mỹ ký kết thỏa thuận với Taliban

Trong số các điều khoản của bản thỏa thuận lịch sử gây bất lợi cho phía Mỹ thì việc biến chính quyền Afghanistan thành thực thể phái sinh là bất lợi nhất. Bởi lẽ nó khiến cả Washington lẫn Kabul phải gánh "trách nhiệm kép" trong việc thực thi thỏa thuận.

Điều đó thể hiện qua việc Washington phải ký Thỏa thuận Mỹ-Taliban cùng lúc với việc ký Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thỏa thuận hòa bình bị vi phạm, và Taliban luôn ít lỗi nhất trong mọi trường hợp.

Đơn giản là trách nhiệm của Taliban chỉ phải tuân thủ Thỏa thuận Mỹ-Taliban, trong đó có đàm phán với chính quyền Kabul, nhưng không có trách nhiệm tuân thủ Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan, vì đây là chuyện riêng của Washington với Kabul.

Thế là để tránh nguy cơ thỏa thuận hòa bình sụp đổ, Washington phải nhún nhường trước kẻ thù, nhưng lại phải gây sức ép với đồng minh. Đây là nỗi niềm cay đắng mà hơn 40 năm người Mỹ mới lại phải nếm trải.

Hình ảnh Ngoại trưởng Pompeo phải đôn đáo tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Afghanistan, thậm chí phải cắt giảm viện trợ để ép đồng minh chấp nhận điều kiện của kẻ thù, đã thể hiện rõ nhất sự thất thế của Mỹ trước Taliban.

Mặc dù vậy, hành động cứng rắn của Washington cũng tỏ ra có tác dụng, khi chính quyền Kabul đã lập được phái đoàn đàm phán trực tiếp với Taliban để tìm cách tháo gỡ cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia này.

Tưởng chừng mọi việc ổn thỏa thì lại nảy sinh khúc mắc, nhất là trong vấn đề phóng thích tù nhân. Bởi Hội đồng An ninh quốc gia Afghanistan thì cho rằng Taliban không sàng lọc 1.000 tù nhân Afghanistan để trao đổi.

Ngược lại, phía Taliban thì cho hay tù nhân của họ tại nhà tù Bagram, một cơ sở giam giữ cũ của Mỹ được chuyển giao cho chính phủ Afghanistan, đã bất ngờ bị tra tấn tàn bạo bằng các nhục hình bị cấm. Đàm phán Taliban-Kabul tiếp tục bế tắc.

Đau là Washington đã bị đưa vào thế tiến thoái lưỡng nan trong trường hợp này. Bởi Mỹ không thể hành động cứng rắn với cả kẻ thù và đồng minh để cứu vãn thỏa thuận lịch sử. Việc tranh cãi với Taliban trên mạng xã hội đã khắc họa rõ tình cảnh đó.

Rõ ràng, để có thể rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào thiện ý của Taliban. Song thực tế cho thấy dường như Taliban chưa muốn cho Mỹ sớm rút chân khỏi vũng lầy A-phú-hãn.

Taliban sẽ khiến mâu thuẫn giữa Washington và Kabul gia tăng để tạo ưu thế cho mình

Bởi lẽ đây được xem là cách Taliban trả thù ngọt ngào nhất, khi buộc người Mỹ phải gặm nhấm nỗi buồn trong nỗi khắc khoải đợi chờ tới ngày được rút chân khỏi vũng lầy A-phú-hãn.

Mặt khác, càng kéo Mỹ ở lại vũng lầy A-phú-hãn thì Taliban càng dễ dàng nâng cao vị thế và chiếm ưu thế trước Kabul, vì điều đó chắc chắn sẽ làm tăng mâu thuẫn giữa Kabul với Washington.

Có thể thấy, thế cờ của Mỹ trong ván cờ Afghanistan sau khi Thỏa thuận Mỹ-Taliban và Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan được ký, gần như hoàn toàn do Taliban sắp đặt. Nhưng trước tiên Mỹ phải tiếp tục cuộc chiến - điều Washington đã ngán đến tận cổ.

Giờ mới hiểu là tại sao trưởng đoàn đàm phán Taliban Abbas Stanikzai lại tỏ ra hân hoan đến vậy, khi Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban được ký kết. "Rõ ràng, chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến này… Đó là lý do chúng tôi ký hiệp ước hòa bình".

Rõ ràng, dù đã phải chấp nhận đổi vai, từ đạo diễn ván cờ chuyển sang phụ diễn cho Taliban trong mọi nước cờ, nhưng Washington vẫn không được "kẻ thù" sắp đặt cho một thế cờ khả dĩ nhất. Có gì đắng cay và bẽ bàng hơn thế?!

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/taliban-quyet-khong-cho-my-rut-chan-khoi-afghanistan-3401443/