Tâm chủ thần minh – Tâm an vạn sự an

Nhà Phật có tới 84.000 pháp môn để diệt trừ phiền não, chứng đắc Bồ đề. Tâm bệnh của chúng sanh rất nhiều, cho nên Phật lại dùng vô số phương pháp mà điều trị cho họ.

Gieo nhân nào gặt quả đó

Chuyện về một chàng trai từ một vùng quê nghèo khó ra thành phố học tập, thành đạt khi còn rất trẻ. Trong mắt của nhiều người anh là đích đến mà họ mơ ước. Nhưng cùng với sự thành công là lòng tự cao, sự ngạo mạn, tính sĩ diện, ăn tiêu hoang tàn và thói hư Tham - Sân - Si cứ lớn dần trong anh từng ngày. Anh tham lam muốn mình thật giàu có, thật hoành tráng hơn người để có nhiều điều kiện giúp đỡ người khác hay nói chính xác hơn là để thỏa mãn "cái anh" thích phải hơn người và làm những việc theo ý chủ quan vị kỷ của mình.

Thế là có bao nhiêu tiền anh đầu tư hết và còn huy động các kênh có thể để đầu tư vào nhiều lĩnh vực cùng một lúc: Chứng khoán, bất động sản, mở công ty dịch vụ hoa cây cảnh...trong khi thời gian và kinh nghiệm quản lý có hạn, không có người đồng hành cũng như người trợ giúp khi cần thiết. Với cách làm ăn như vậy, càng ngày anh càng tụt dốc. Tính sĩ diện và lòng Tham - Sân - Si quá lớn đến độ, anh đã tự lừa dối chính cả bản thân mình.

Anh không đủ can đảm chấp nhận sự thật mình đã thua và dừng cuộc đua đúng lúc để tránh sự thảm hại cần thiết. Cứ một mình xoay sở che giấu thất bại đến một ngày đẹp trời khi mọi người đã biết thì bao công sức mấy chục năm chẳng những tiêu tan hết mà còn lao đầu xuống tận âm ty tủ tỷ. Dẫu đã có những ân nhân ra tay cưu mang giúp đỡ để giữ được mạng sống lúc hiểm nguy. Đó cũng là những ơn nghĩa anh có trả cả đời cũng không bao giờ hết được!

Phật tại Tâm: Tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Lúc khó khăn anh mới biết rõ, ai là bạn ai là bè. Bao nhiêu người trong đó có cả bạn bè người thân mà mình từng "vênh váo", xúc phạm họ một cách vô tình hay cố ý, chí ít cũng gây cho họ sự chạnh lòng nào đó...thì giờ là lúc họ hả hê trả lại anh tất cả những thứ đó.

Thật ra, đó cũng là lẽ công bằng ở đời. Gieo nhân nào phải gặt quả đó, không nên trách cứ, gieo thêm sự "sân hận" trong lòng mới đúng. Nhưng bản thân anh khi đó lại thấy quá "sốc" đến độ không thể chấp nhận được sự thực phũ phàng đó. Mọi niềm tin bị lung lay hoàn toàn, khả năng làm chủ để có một giấc ngủ ngon, một bữa ăn ngon cũng trở nên quá xa xỉ, thậm chí đi vệ sinh cũng chẳng bao giờ dứt điểm vì nỗi sợ sệt dẫn đến mất cả kiểm soát chính mình. Khi đó mọi hành động của anh đều theo "ma chướng" mê muội. Thần khí bế tắc, da dẻ mặt mày anh tối tăm đầy ám khí.

Phật ở trong tâm sáng

Trong lúc gặp khó khăn về kinh tế, anh đã tìm đến mấy ông thầy bòi tìm tòi đường giải thoát bằng tâm linh. Họ lý giải do sinh phải năm đen tháng hạn, rồi đổ tại động mồ động mả, nào là mua phải đất dữ, rồi làm nhà không xem ngày cẩn thận...Thất đức nhất là lý do vận hạn là do sinh con không hợp tuổi nên bị mất hết lộc.

Thế rồi thầy bói bảo sao là mê muội làm thế, những người từng "tai qua bệnh khỏi" mách thế nào là áp dụng luôn như vậy. Cũng dâng sao giải hạn; ăn chay niệm phật; ngồi thiền giải nghiệp; trả nợ tào quan; tạ mồ mả thần linh thổ địa, ông bà tổ tiên; đổi nhà ở; thay tên đổi họ; hầu đồng hầu bóng, đeo bùa chú; gọi hồn áp vong...Tính sơ sơ cũng phải trên 50 cách giải bằng liều thuốc "an thần tâm linh" đều thất bại thê thảm. Thất bại đến độ, anh mất hết niềm tin và trở nên căm ghét mấy ông thầy "buôn thần bán thánh" cũng chỉ vì đồng tiền mà làm việc thất đức, ăn trên lưng những người đang khốn khổ.

Tất nhiên, giận là giận bản thân mù quáng mê muội cả tin trong lúc quẫn túng đã tìm đến tâm linh và tín ngưỡng với động cơ không trong sáng, không bình thường chỉ trông mong cho bản thân sớm tai qua nạn khỏi, lòng tham vị kỷ vô đối. Suy cho cùng thất bại đó là do mê muội mang lại. Còn giáo lý, đạo pháp thực sự là có giá trị.

Cũng rất may trong hàng ngàn người bạn đồng tu, trong hàng trăm ông thầy cũng có những bậc chân tu uyên bác đã giảng giải khai mở cho anh trút được cõi mê, gột rửa sự "nhếch nhác" trong tâm hồn bằng những khuyên và sự phân tích sắc sảo, khoa học, có lý có tình. Anh ngộ ra khi trong lòng mình còn nhiều tạp niệm, lòng tham, sự ích kỷ và những mưu toan, cầu vọng còn lớn thì dù có tìm đến cửa Phật suốt ngày ăn chay niệm Phật, tụng kinh gõ mõ cũng vô ích.

Sau những thất bại liên miên ở những "tha lực", anh bắt đầu cố gắng tập trung vào ngồi thiền khoảng gần một năm và đã thấy được những thành tựu ban đầu. Đó là sự thanh thản trong lòng. Anh chuyển sang luyện "Tịnh độ tông" suốt ngày luyện chú "A Di Đà" một năm cũng thấy sự an lạc.

Anh chuyển mang học "Mật tông" khoảng 6 tháng cũng thấy được pháp ở quanh chúng ta nếu chúng ta có niềm tin tuyệt đối. Rồi anh tìm hiểu xem những người theo "Thiên chúa Giáo", "Tin lành" họ đọc kinh thánh và luyện niềm tin nơi Đức chùa trời thì sao. Sau 6 tháng nghiên cứu kinh Tân ước và kinh Cựu ước, anh cũng thấy được điều an lành, bình tâm tương tự. Anh tiếp tục nhảy sang "Võ đạo" xem sao. Quả thực anh thấy sự an lạc và những bệnh trong tâm, bệnh "stress" giảm rất nhanh.

Và anh đi đến quyết định cho riêng mình. Anh quân bình mọi niềm tin tâm linh, tôn trọng tín ngưỡng của mọi người và chính mình (Vì mỗi người có một duyên một nghiệp để chọn pháp tu tập). Anh chọn cho mình pháp môn "Võ đạo" để tự điều tiết ân dương ngũ hành, cân bằng nội tâm, kiềm chế cảm xúc và rèn luyện thân thể. Luyện võ không phải vì trình vì đẳng vì sự hơn thua mà để trở về chính bản ngã thật sự của mình.

Anh nhận ra, chẳng có Phật thánh thần tiên nào bên ngoài ta lại có thể giúp ta dễ dàng, nhanh chóng đạt được những mưu vọng, ham muốn cá nhân vô độ cả ngoài chính bản thân ta phải không ngừng rèn luyện, điều hòa khí tiết, kiếm chế dục nhục, rèn rũa nhân phẩm, luyện tập công phu mệt mài hết sức, hết lòng, hết trí, hết linh hồn mới có mong ngày đủ nhân duyên đánh thức được chính những ông Phật ông thánh sự xuất thần tích tắc trong chính con người của chúng ta.

Phép Nhân Quả của nhà Phật là có thật. Chúng ta gieo nhân nào thì chúng ta sẽ gặt được quả đó. Chỉ có điều lòng kiên trì, sự nhẫn lại và những giới hạn về không gian và thời gian không cho phép chúng ta kiểm chứng ngay được phép thuật đó. Tam độc Tham - Sân - Si là cuộc nguồn của đau khổ theo lý giải của nhà Phật cũng là có thật.

Chỉ cần một tạp niệm, một ý nghĩ tham lam, xấu xa, nóng nảy nổi lên không đúng lúc đúng chỗ là bao tai họa sẽ tự giáng xuống dồn dập: "Nhất niệm tham sân khởi. Vạn chướng bách môn khai"...Khi tâm ta chưa thanh tịnh đến cửa chùa chi vô ích. Đốt vàng, đốt mã, dâng sao giải hạn trong u mê cầu vọng của bản thân chỉ gây thêm nhân xấu...Tóm lại khi ta còn mang trong mình "Tà tâm" sẽ không bao giờ tìm được pháp tốt hay nghĩ đến chuyện "Chính đạo" một sớm một chiều được. Ngược lại việc làm đó càng làm càng gieo thêm nghiệp ác và con đường đi vào chốn u mê khó giải thoát...

Tâm chủ thần minh

Trải qua bao thăng trầm của bản thân và những lời giảng dạy của các bậc chân tu đã giúp anh ngộ ra bộ óc của con người mới là nhân tố quyết định số phận của mỗi con người. Nó có cấu tạo thật đặc biệt. Nó là một kho thuốc trong cơ thể, vừa là thuốc độc vừa là thuốc giải độc. Nó còn là trung tâm xử lý, thu phát ra những tần sóng hay một dạng năng lượng tích cực hoặc tiêu cực nào đó từ vũ trụ và hết thảy môi trường vạn vật quanh ta tùy thuộc vào trạng thái làm chủ của bản thân của ta.

Khi ta đạt được một trạng thái an lạc thanh tao "thân tâm thân khí hợp nhất hài hòa", không nặng nề vướng bận, lo lắng, dao động về bất cứ điều gì thuộc về sự vị kỷ, Tham - Sân - Si thì bộ óc sẽ phát ra những tín hiệu để hấp thu được những năng lượng tích cực tương thích.

Ngược lại trong lòng ta bất an, bồn chồn lo lắng, nhiều tạp niệm, thân ở một nơi, tâm ở một nẻo thì thần khí cũng loạn nhịp dẫn tới bộ óc lại phát ra những tín hiệu yếu chỉ đủ để thu hút được những năng lượng tiêu cực. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao lại có hiện tượng "Giậu đổ bìm leo", "Thời vận xấu liên miên tai họa". Người vui tươi, an nhiên, tự tại, thanh thản, điểm tĩnh, không hấp tập nóng vội, làm chủ được cả hơi thở của mình thì luôn thu hút được sự "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" những thuận lợi thông hanh, may mắn đến dồn dập, biến họa thành phúc, biến nguy thành cơ hội…

Khi người ta có niềm tin tuyệt đối vào một điều gì thì họ sẽ dồn hết "Thân, Tâm, Thần, Khí" vào đó để nương nhờ, gửi gắm thực hiện. Chứ dùng pháp này một thời gian lại chạy sang pháp khác thì không bao giờ đạt đến đỉnh cao của sự tu luyện.

Vấn đề khó khăn nhất là mỗi người phải làm thế nào để tự vượt qua những vận lộn trải nghiệm nghiệt ngã của cuộc đời và đến bao giờ mới tìm ra cho mình được một phương pháp tu tập rèn luyện phù hợp trong 84.000 pháp môn của nhà Phật để có được trạng thái "thân tâm thân khí hợp nhất hài hòa" mà người ngoài có thể cảm nhận dễ dàng được gọi nôm na là "Tâm An Lạc", "Niệm Bình An".

Sự tu tập có khi chỉ là những ý nghĩ, những ý niệm sâu xa thầm kín trong lòng, không cần phô chương, chấp chước vào hình thức bên ngoài: "Tâm xuất Phật biết". Nó giống như một người luyện võ. Một người mới học thì đi đâu cũng thích "khoe" vài động tác cơ bắp. Nhưng kỳ thực võ thuật là một quá trình "tu tâm dưỡng tính".

Nếu bạn thực sự yêu nó thì nó phải là một phần không thể thiếu, không thể tách rời khỏi "Thân, Tâm, Thần Khí" của bạn. Bạn suốt ngày suy nghĩ đến nó. Bỗng lóe lên trong đầu bạn một chiêu thức mới mà bạn học được ở những tư thế của con vật xung quanh thì trong đêm tối lúc vắng vẻ không có ai bạn tự dậy tập một mình. Dần dần bạn cũng không cần phải dậy tập mà ở bất cứ đâu bạn cũng có thể luyện trong "tâm linh thần thức" của mình.

Không riêng gì võ thuật mà mọi lĩnh vực đều vận hành theo phương thức ấy. Việc gì thì giai đoạn "đấu tranh" ở trong tâm, trong trí, trong thể xác và trong linh hồn mình cũng chiếm nhiều thời gian nhất. Nó không chỉ là giai đoạn "ấp ủ" mà còn là "nuôi dưỡng, điều chỉnh và hoàn thiện".

Mọi việc tu luyện cần phải làm thường xuyên liên tục chứ không phải để đến khi "quá khổ" mới tìm đến pháp trong sự hấp tấp vội vã nôn nóng và nhiều tạp niệm trong lòng. Giống như học võ thì phải học từ nhỏ, học lúc trưởng thành, học bất cứ khi nào có điều kiện, nó là phương pháp vừa dưỡng sinh vừa tập thể dục. Chứ để đến lúc bị thiên hạ đánh cho sứt đầu mẻ trán, tổn thương, què quặt vì lòng sân hận mà học võ để trả thù thì công phu chẳng đi được đến đâu?.

Anh chưa bao giờ đã thực sự đạt được trạng thái tuyệt đối của sự an lạc bởi duyên nghiệp, căn cơ cũng sự chứng ngộ còn rất hạn chế, thành tựu tu luyện chưa đạt đến cảnh giới của sự chuyển hóa. Nhưng anh đã cảm nhận được phần nào sự thăng hoa, hưng phần trong lòng khi anh tập trung hết mình để làm một việc cụ thể gì mà anh yêu thích. Có những lúc tập trung vào một công việc cụ thể anh có thể thức trắng nhiều đêm liền mà không thấy mình buồn ngủ, nhịn nhiều bữa liền không thấy đòi, sức khỏe vẫn dẻo dai, sự sáng tạo, năng suất và hiệu quả công việc gây bất ngờ cho chính bản thân mình. Quả thực khi ta làm chủ được bản thân thì tinh thần sáng suốt thông tuệ hơn, khi lòng ta yên, hoan hỉ thì mọi sự cũng dễ bề xoay chuyển: "Tâm chủ thần minh", "Tâm an vạn sự an".

Đến bây giờ anh mới hiểu rõ ý nghĩa câu đối: "Tri túc tâm thượng lạc. Vô cầu phẩm tự cao". Sự hiểu biết sẽ làm cho đời sống của chúng ta đạt đến đỉnh cao của sự an lạc, hạnh phúc, thỏa lòng, giải thoát được lo âu buồn phiền hay đau khổ. Khi đó không cần phải cầu cạnh hay trông chờ ở một thế lực siêu nhiên thần bí nào bên ngoài mình thì phẩm hạnh, giá trị của chúng ta cũng đã tỏa sáng đắc đạo.

Hãy đốt lên ngọn lửa trong mình từ con tim khối óc bằng sự kiên trì tu luyện theo pháp môn phù hợp nhất với mình để soi đường dẫn lồi cho chính mình thoát khỏi kiếp mê, đạt đến cảnh giới của sự giác ngộ.

Riêng anh nguyện sẽ luôn ghi nhớ những điều dưới đây để tinh tấn tu luyện, soi rọi lại mình khỏi phụ lòng những bậc tri kỉ, ân nhân, bằng hữu, người thân đã đồng cam cộng khổ hết lòng tin tưởng và giúp đỡ anh những năm tháng vừa qua:

Anh không quên những món nợ của mình

Bao lời hứa, những ân tình phải trả

Mỗi sớm dậy trong lòng bao giục giã

Trả nghiệp đời chọn kiếp sống vô vi.

Quyết Tuấn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/tam-chu-than-minh-tam-an-van-su-an-57410.htm