Tâm điểm trong các tài liệu truy tố cựu Tổng thống Trump

Tài liệu truy tố cựu Tổng thống Donal Trump do cất giữ trái phép tài liệu mật cùng các bằng chứng đi kèm sau khi được gỡ niêm phong đã cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về vụ việc.

Ông Trump đang bị truy tố 37 tội danh do hành vi cất giấu tài liệu mật và nói dối cơ quan điều tra, với mức hình phạt có thể lên tới nhiều năm tù. Ảnh: Reuters.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố 37 tội danh bao gồm sở hữu trái phép tài liệu mật, cản trở quá trình điều tra, che giấu tài liệu và nói dối cơ quan thực thi pháp luật.

Theo BBC, mỗi tội danh trong số này đều yêu cầu đóng khoản tiền phạt lớn hoặc buộc người phạm tội phải ngồi tù trong nhiều năm.

Trong khi các lãnh đạo đảng Cộng hòa cáo buộc việc truy tố cựu Tổng thống Trump là một quyết định mang tính chính trị, một số chuyên gia pháp lý khẳng định các công tố viên đã xây dựng được một vụ án vững chắc.

"Các công tố viên đã thu thập được mọi thứ. Họ có video, họ có băng ghi âm các cuộc điện thoại. Ngay cả những nhân viên cấp thấp cũng ra làm chứng", Diana Florence, một cựu công tố viên từng làm việc tại quận Manhattan trả lời BBC.

Dưới đây là một số phát hiện chính trong tài liệu được cơ quan chức năng công bố và các tác động của những văn bản này.

Các tài liệu được cất giấu bao gồm bí mật hạt nhân

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong cáo trạng của cơ quan công tố chính là danh sách 31 tài liệu được cựu Tổng thống Trump cất giữ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida.

Những tài liệu này bao gồm chi tiết về chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ, các điểm yếu tiềm năng của Mỹ và đồng minh cũng như kế hoạch trả đũa quân sự của nước này.

"Việc để lộ những tài liệu mật trên có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia của Mỹ, các mối quan hệ ngoại giao, sự an toàn của quân đội Mỹ và nhân sự của lực lượng này cũng như khả năng tiếp tục tồn tại của các phương pháp thu thập thông tin tình báo nhạy cảm", bản cáo trạng cho biết.

Đây là một nhận định quan trọng vì để chứng minh cáo buộc ông Trump vi phạm Đạo luật Gián điệp, các công tố viên phải trình được bằng chứng cho thấy vị cựu tổng thống này sở hữu trái phép thông tin quốc phòng nhạy cảm.

Sau khi thông tin về quá trình truy tố được công bố vào hôm 8/6, các đảng viên Cộng hòa, bao gồm đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, đã nhanh chóng lên tiếng bảo vệ ông.

Mặc dù những người này khẳng định quá trình truy tố ông Trump là một quyết định mang tính chính trị, họ gặp khó khăn trong việc giải thích lý do vị cựu tổng thống này giữ lại tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.

Ông Trump từng cho du khách xem kế hoạch của quân đội Mỹ

Cáo trạng cũng chỉ ra 2 ví dụ cho thấy ông Trump sẵn sàng cho các cá nhân không có đủ giấy phép an ninh tiếp cận những tài liệu mật.

Vụ việc đầu tiên bao gồm một cuộc nói chuyện của cựu Tổng thống Trump với một nhà văn, một nhà xuất bản và 2 thành viên trong đội ngũ của ông vào hôm 21/7/2021.

Ông đã nói cho những người này kế hoạch tấn công của quân đội Mỹ nhằm vào một quốc gia không được nêu tên, được nhận định là Iran.

"Ông Trump nói với những người này rằng bản kế hoạch là thông tin tuyệt mật và trong vai trò tổng thống Mỹ, ông có thể giải mật những tài liệu này. Tuy nhiên, ông sẽ không làm vậy", tài liệu của các công tố viên cho biết.

Đi kèm bản cáo trạng, các công tố viên cũng thu thập lượng bằng chứng lớn bao gồm hình ảnh, video và lời khai của nhân chứng đối với hành động cất giữ trái phép tài liệu mật và cản trở quá trình điều tra của ông Trump. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ.

Vụ việc còn lại là cuộc gặp với một trợ lý chính trị vào tháng 8/2021, nơi ông Trump cho người này xem một tấm bản đồ bí mật của một quốc gia khác mà cựu tổng thống Mỹ nói với vị trợ lý rằng chiến dịch quân sự tại quốc gia trên đang không diễn ra thuận lợi.

Vụ việc đầu tiên được các công tố viên nêu ra được nhận định sẽ bác bỏ lập luận của cựu Tổng thống Trump rằng không đã giải mật những tài liệu được cất tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago trước khi rời Nhà Trắng. Những thông tin được cơ quan công tố thu thập cũng cho thấy sự bất cẩn của ông Trump khi sử dụng tài liệu mật.

Cáo buộc lừa dối các điều tra viên

Việc cất giữ trái phép tài liệu mật chỉ là một phần trong các tội danh mà ông Trump đang phải đối mặt. Các cáo buộc còn lại bao gồm cản trở quá trình điều tra và lừa dối cơ quan chức năng.

Vào hôm 8/6, Jim Trusty, một trong những luật sư đại diện cho ông Trump đã gọi quá trình truy tố là "lố bịch" và các tội danh nhằm vào ông Trump là "không thực tế".

Tuy nhiên, tài liệu của cơ quan chức năng cho thấy cựu Tổng thống Trump đã "trực tiếp tham gia" vào quá trình đóng gói tài liệu tại Nhà Trắng. Nhà cựu lãnh đạo này theo dõi quá trình vận chuyển các hộp tài liệu bất chấp việc các cơ quan liên bang muốn thu hồi những thông tin nhạy cảm trên.

Khi các trợ lý hỏi ông Trump về những gì họ nên nói với các nhà điều tra liên bang, bản cáo trạng cho biết vị cựu tổng thống này đã chỉ thị cho nhân viên dưới quyền nói dối.

Nhận định của cơ quan điều tra được minh chứng bởi các đoạn video theo dõi, tin nhắn và hình ảnh từ trợ lý, nhân viên và gia đình của ông Trump cũng như các nhân chứng.

"Chuyện gì sẽ xảy ra ra nếu chúng ta không hợp tác với họ? Liệu có tốt hơn nếu nói với các nhà điều tra rằng chúng ta không cất giữ tài liệu mật", một luật sư của ông Trump thuật lại một số câu hỏi được vị cựu tổng thống này đặt ra.

Quá trình truy tố ông Trump đã có khởi đầu mạnh mẽ. Tuy nhiên, bản cáo trạng chỉ là bước khởi đầu. Giờ đây, công tố viên đặc biệt Jack Smith và đội ngũ của ông cần phải chứng minh những cáo buộc nhằm vào ông Trump tại tòa, trước một bồi thẩm đoàn của bang Florida.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-diem-trong-cac-tai-lieu-truy-to-cuu-tong-thong-trump-post1438734.html