Tạm dừng biến động tài sản ông Quyết, quyền lợi khách hàng sẽ ra sao?

Theo luật sư, nếu tài sản bị tạm dừng biến động được xác định là hợp pháp, giao dịch sẽ tiếp diễn. Nếu tài sản này liên quan vụ án, ông Quyết phải hoàn trả tài sản cho khách hàng.

Để điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán, Bộ Công an vừa đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản (bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu) đứng tên các cá nhân vợ chồng ông Quyết và 2 em gái là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đề nghị tạm dừng giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp tài sản của 4 cá nhân trên.

Với quyết định này, các tài sản đang trong quá trình giao dịch sẽ xử lý ra sao? Và quyền lợi của khách hàng, đối tác trong trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?

Tài sản liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết và 3 người thân bị tạm dừng giao dịch. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo dõi sự việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết theo nguyên tắc xử lý tài sản trong vụ án hình sự, những tài sản do phạm tội mà có hoặc được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Trường hợp này, cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn để xác minh liệu tài sản đó có liên quan tới hành vi phạm tội hay không.

Tới trước khi có kết quả xác minh, cá nhân và doanh nghiệp sẽ không được phép giao dịch những tài sản này. Trường hợp kết quả xác minh xác định tài sản của bị can cũng như doanh nghiệp hợp pháp và không liên quan vụ án hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn.

Ngược lại, nếu phát hiện tài sản liên quan vụ án hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn để điều tra làm rõ.

"Khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các vi phạm, sai phạm liên quan của các tổ chức, cá nhân. Quá trình mở rộng vụ án, nếu phát hiện cá nhân và doanh nghiệp còn có hành vi vi phạm khác bên cạnh tội danh đã bị khởi tố, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Đối với các dự án đang triển khai và tài sản của bị can không liên quan đến tội phạm, cơ quan điều tra sẽ không hạn chế việc quản lý sử dụng, định đoạt", ông Cường cho biết.

Còn thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhìn nhận đây là sự việc bất khả kháng. Trích dẫn Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, ông Giáp cho biết một sự kiện được coi là bất khả kháng khi có đủ 3 yếu tố, đó là xảy ra một cách khách quan; không thể lường trước được và không thể giải quyết, khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Đối chiếu với tình huống của ông Trịnh Văn Quyết, luật sư Giáp cho biết do cựu Chủ tịch FLC đang bị điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật, việc cơ quan điều tra ra quyết định ngăn chặn nhằm phòng ngừa sự tẩu tán tài sản có thể liên quan đến hành vi phạm tội là cần thiết, đúng quy định. Do quyết định này không thuộc ý thức chủ quan của ông Quyết, ông Quyết không thể lường trước sự việc và quyết định ngăn chặn cũng không thể khắc phục trong thời gian nhất định nên đây có thể coi là trường hợp bất khả kháng theo Bộ luật Dân sự 2015.

Theo Điều 351 Bộ luật này, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, ông Quyết cùng 3 bị can khác không phải chịu trách nhiệm dân sự phát sinh với những giao dịch bị tạm dừng hoặc đình chỉ liên quan tới tài sản của cá nhân hoặc doanh nghiệp.

Vùng biển ở Quảng Ngãi, nơi Tập đoàn FLC từng dự kiến triển khai dự án. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được coi là có hiệu lực khi mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Do đó, nếu cơ quan chức năng xác định những tài sản do ông Quyết giao dịch với khách hàng vi phạm pháp luật thì giao dịch đó không phát sinh hiệu lực. Lúc này, các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

"Đối với các tài sản bị tạm dừng giao dịch mà không liên quan tới hành vi phạm tội, việc giao dịch sẽ được tiếp diễn. Trường hợp xác định có liên quan tới vụ án hình sự, giao dịch đã giao kết giữa phía ông Quyết và các cá nhân, tổ chức sẽ không phát sinh hiệu lực. Khi đó, họ có quyền yêu cầu phía ông Quyết trả lại tiền, tài sản và khoản bồi thường thiệt hại nếu có, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác", ông Giáp phân tích.

Ông Trịnh Văn Quyết bị Bộ Công an khởi tố hôm 29/3 về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Ngày 4/4, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố, bắt giam bà Trịnh Thị Minh Huế. Đến ngày 5/4, bà Trịnh Thị Thúy Nga bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc giúp sức cho ông Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Cơ quan chức năng xác định từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1, ông Quyết chỉ đạo nhiều cá nhân và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả, đẩy giá chứng khoán tăng.

Sau đó, ông Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-dung-bien-dong-tai-san-ong-quyet-quyen-loi-khach-hang-se-ra-sao-post1310611.html