Tạm dừng phát điện cạnh tranh, kẻ mừng người lo

Việc tạm ngừng hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh đồng nghĩa với việc toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy điện sẽ được tính theo giá trên hợp đồng PPA.

Ngày 26/9/2017, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3698/ QĐ-BCT về việc ngừng hoạt động tạm thời thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu từ ngày 1/10/2017 để ưu tiên sử dụng nguồn khí đốt. Thời gian thị trường này hoạt động trở lại vẫn chưa được quyết định.

Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), trải qua 5 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 6/2017, số lượng các nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường là 76 nhà máy với tổng công suất đặt 20.728 MW, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012.

Việc tạm ngừng hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh đồng nghĩa với việc toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy điện sẽ được tính theo giá trên hợp đồng PPA.

Hợp đồng PPA là hợp đồng mua điện giữa EVN và các nhà máy điện. Thời hạn của hợp đồng PPA là vòng đời kinh tế của thiết bị sản xuất điện tại các nhà máy. EVN sẽ phân bổ sản lượng theo hợp đồng PPA cho từng nhà máy điện theo năm. Giá hợp đồng PPA được tính như sau:

Đối với các nhà máy nhiệt điện: Giá PPA = giá cố định + giá vận hành và bảo dưỡng + giá biến đổi + giá vận chuyển nguyên vật liệu. Đối với các nhà máy thủy điện: Giá PPA = Giá cố định + giá vận hành và bảo dưỡng.

Trái lại, trên thị trường phát điện cạnh tranh, EVN lập kế hoạch mua điện từ các nhà máy dựa trên giá đấu thầu theo chi phí biến đổi. Các nhà máy điện thường bán 10%-20% sản lượng điện trên thị trường này.

Thủy điện và điện than bị ảnh hưởng

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC), Quyết định số 3698 của Bộ Công thương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhá máy thủy điện. Do các nhà máy thủy điện có chi phí sản xuất điện thấp nhất, giá PPA thấp hơn 20%-30% so với giá bán điện bình quân trên thị trường phát điện cạnh tranh.

Hơn nữa, quý 4 thường là mùa mưa ở miền trung, việc không được EVN ưu tiên mua điện và áp dụng giá PPA cho tất cả sản lượng điện sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong quý 4 của các nhà máy này, đặc biệt là các nhà máy thủy điện tại miền trung như Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP).

Đối với các nhà máy điện chạy bằng than như Nhiệt điện Phả Lại (PPC), mặc dù được nhận giá PPA cho sản lượng điện là giá bán cao hơn giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh, sản lượng tiêu thụ của các nhà máy này có thể sẽ bị ảnh hưởng do EVN ưu tiên sử dụng nguồn điện từ khí.

PPC vận hành 2 nhà máy nhiệt điện chạy than gồm Phả Lại 1, sở hữu 4 turbine với công suất 110 MW mỗi turbine, và Phả Lai 2 sở hữu 2 turbine với công suất 300 MW mỗi turbine.

Đối với các nhà máy điện chạy bằng khí, giá PPA cao hơn giá bán bình quân trên thị trường phát điện cạnh tranh do giá PPA bao gồm cả giá cố định và giá vận hành và bảo dưỡng. Hơn nữa, do mục đích của quyết định này là ưu tiên sử dụng nguồn điện sản xuất bằng khí, HSC dự báo sản lượng điện sản xuất bằng khí tiêu thụ trong quý 4 sẽ tăng mạnh.

Điện khí hưởng lợi

Theo HSC, một số doanh nghiệp điện khí được hưởng lợi từ quyết định trên gồm:

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) điều hành một nhà máy điện chạy bằng khí với công suất 750 MW. Nhờ Quyết định này, trong quý 4/2017, NT2 có thể bán khoảng 1,5 tỷ kWh, tăng 25% so với cùng kỳ;

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) là doanh nghiệp điều hành các nhà máy điện chạy bằng khí lớn nhất Việt Nam. Công ty sở hữu 3 nhà máy nhiệt điện gồm Cà Mau 1 và Cà Mau 2 (1.500MW), Nhơn Trạch 1 (450 MW) và Nhơn Trạch 2 (750 MW). Trong đó, Cà Mau 1 và Cà Mau 2 không bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh. Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 bán khoảng 15%-20% sản lượng điện trên thị trường này.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 sẽ thực hiện bảo dưỡng từ ngày 11/10 đến 26/11 năm nay. Do đó, PV Power sẽ được lợi giá tiếp từ Nhơn Trạch 2, công ty do PV Power sở hữu 59,37%;

Một doanh nghiệp điện khí khác là CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) đang điều hành một nhà máy điện chạy bằng khí với công suất 388,9 MW. Mặc dù BTP không tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, sản lượng điện tiêu thụ của công ty sẽ tăng mạnh nhờ EVN ưu tiên sử dụng nguồn điện sản xuất bằng khí.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tam-dung-phat-dien-canh-tranh-ke-mung-nguoi-lo-post239487.info