Tạm dừng tiêm phòng không ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch của trẻ

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn tỉnh tạm hoãn tiêm phòng cho trẻ từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/4. Điều này khiến một số gia đình thắc mắc liệu có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ hay không. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Tiêm phòng cho trẻ tại Phòng tiêm Safpo, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh năm 2019.

Tiêm phòng cho trẻ tại Phòng tiêm Safpo, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh năm 2019.

Hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng đang thực hiện tiêm phòng 10 bệnh, gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, phòng bệnh viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae týp b), phòng bệnh sởi, viêm não nhật bản, Rubella.

Nhiều năm trở lại đây, công tác tiêm chủng mở rộng của Quảng Ninh luôn được đánh giá cao. Toàn tỉnh hiện có 191 điểm tiêm chủng mở rộng, trong đó 190 điểm tại các xã, phường, 1 điểm tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Cùng với đó, khoa sản của các bệnh viện và trung tâm y tế 2 chức năng cũng có các điểm tiêm vắc xin viêm gan B 24h đầu sau sinh. Ngoài ra, trên địa bàn còn 31 điểm tiêm dịch vụ, trong đó có 17 điểm tiêm tại trung tâm y tế và bệnh viện, 14 cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã có các thông báo về việc tạm dừng tiêm chủng thường xuyên. Theo đó, tất cả các điểm, cơ sở tiêm chủng, kể cả tiêm dịch vụ trên địa bàn tỉnh đều tạm dừng hoạt động tiêm chủng bắt đầu từ ngày 1/4/2020 đến ngày 30/4/2020. Đối với các điểm tiêm chủng dịch vụ, các đơn vị có phòng tiêm chủng dịch vụ chỉ thực hiện tiêm vắc xin, kháng huyết thanh phòng bệnh dại và phòng bệnh uốn ván. Các bệnh viện, trung tâm y tế đa chức năng duy trì tiêm vắc xin viêm gan B 24 giờ đầu sau sinh.

Lịch tiêm phòng cho trẻ.

Việc dừng tiêm này khiến không ít các bà mẹ băn khoăn. Chị Hoàng Thị Mai, thôn Tân Phú, xã Tân Lập (Đầm Hà) cho biết: “Con tôi trong tháng 4 sẽ phải tiêm mũi 3 phòng bệnh bạch hầu ho gà uốn ván... và mũi 2 phòng bệnh viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Nhưng nay có thông báo dừng tiêm, không biết như vậy có ảnh hưởng đến miễn dịch của cháu không nữa”.

Để giải đáp những thắc mắc này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Bác sĩ Diệp cho biết: “Trong lịch tiêm chủng đối với tất cả các loại vắc xin, lịch tiêm giữa các mũi vắc xin (hay nói cách khác khoảng cách giữa các mũi tiêm) hiện mới quy định khoảng cách tối thiểu, không phải khoảng cách tối đa. Do vậy, việc trẻ bị lùi lịch tiêm không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc có tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng trong tháng 5 hay không phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19 và thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, BCĐ quốc gia, chương trình tiêm chủng quốc gia.

Trẻ tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại phường Tuần Châu, TP Hạ Long tháng 8/2019. Ảnh: Nguyễn Hoa.

Được biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập danh sách đối tượng và triển khai tiêm bù cho toàn bộ các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm thiếu mũi, đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin và đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ khi có thông báo thực hiện tiêm phòng cho trẻ mở lại.

Điều thuận lợi là ngành y tế tỉnh đã áp dụng phần mềm tiêm chủng mở rộng, qua đó giúp các gia đình nhắc lịch tiêm cho con đầy đủ theo quy định. Đồng thời, phần mềm cũng giúp cán bộ y tế nắm chắc được đối tượng, tình hình tiêm của trẻ trước đó để tư vấn tốt nhất cho gia đình; nắm được số lượng trẻ cần phải tiêm, từ đó có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ số vắc xin, kim tiêm...

Quy trình tiêm chủng được thực hiện ở các điểm tiêm khá bài bản. Các điểm đều bố trí phòng tư vấn, khám sàng lọc; phòng tiêm; phòng theo dõi sau tiêm. Việc vận chuyển, bảo quản vắc xin luôn được thực hiện cẩn trọng. Tất cả các trạm, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn đều có dây chuyền bảo quản vắc xin. Cán bộ nhân viên y tế tham gia tiêm phòng cho trẻ đều được cấp chứng chỉ... Nhờ đó, nhiều năm nay, công tác an toàn tiêm chủng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, không ghi nhận tai biến sau tiêm chủng gây tử vong cho trẻ. Số trẻ tiêm chủng đầy đủ hàng năm luôn đạt trên 95%.

Trong bối cảnh có dịch và đề phòng dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã yêu cầu các đơn vị phải lập kế hoạch gọi tiêm theo giờ, tránh tập trung đông người; bố trí cán bộ y tế thực hiện đo thân nhiệt cho các bà mẹ đưa con đến tiêm chủng; yêu cầu đeo khẩu trang theo quy định, khi ngồi khoảng cách các bà mẹ cách nhau 1,5-2m. Các điểm tiêm phải trang bị đủ nước sát khuẩn tay nhanh, xà phòng cho các bà mẹ rửa tay trước và sau khi đưa con đến tiêm chủng.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202004/tam-dung-tiem-phong-khong-anh-huong-dap-ung-mien-dich-cua-tre-2479909/