Tạm gác niềm vui riêng, cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19

Cưới hỏi là việc trọng đại, thiêng liêng của cuộc đời mỗi con người. Vì thế, công việc cưới hỏi thường được chuẩn bị công phu từ rất sớm. Thế nhưng do dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã chủ động tạm hoãn việc đại hỷ để góp tay cùng xã hội ngăn chặn và từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Chấp hành nghiêm việc tuyên truyền của địa phương

Các con đường trong thôn Lỗ Giao (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội) vắng bóng người đi lại sau quyết định cách ly. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Các con đường trong thôn Lỗ Giao (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội) vắng bóng người đi lại sau quyết định cách ly. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Cô dâu Lê Thị Minh nhà ở thôn Đường 2, Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ, chị và chú rể Đào Ngọc Dung (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đi làm và yêu nhau từ lâu. Hai bên gia đình nhà trai và nhà gái đều qua lại với nhau thân tình. Các điều kiện đã “chín muồi”, cách đây khoảng 3 tháng, chị và bạn trai thống nhất sẽ tổ chức đám cưới vào 9/5/2021. Gia đình cô dâu đã đặt 50 - 60 mâm cỗ ở Nhà hàng Sen Vàng số 2 xã Phù Lỗ. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, được chính quyền xã và thôn tuyên truyền vận động, gia đình đã quyết định hoãn mời khách, hủy đặt cỗ. Gia đình chỉ tổ chức lễ thành hôn dưới sự chứng kiến của một vài người đại diện họ hàng, không mời khách dự.

Cô dâu Lê Thị Minh giãi bày, với người phụ nữ, ngày vu quy là thời khắc hạnh phúc nhất, được mọi người đưa về nhà chồng, với bao lời chúc phúc ngọt ngào. Nhưng vì dịch bệnh, không tổ chức đám cưới rình rang, chị cũng đỡ lo việc không may trong quá trình tổ chức có người mắc COVID-19 dự và lây lan ra cộng đồng, vợ chồng sẽ ân hận, bị xã hội lên án nữa.

Tại phường Nhật Tân (Hà Nội), gia đình ông bà Nguyễn Văn Lâm và Công Thị Loan ở tổ số 6, cũng dự định tổ chức đám cưới cho con trai vào ngày 22/5. Song do tình hình dịch bệnh, được chính quyền địa phương vận động, khuyến cáo, gia đình đã quyết định hoãn tổ chức đám cưới của con để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh.

Đến ngày 7/5, huyện Đông Anh ghi nhận tổng số 7 trường hợp mắc COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, huyện Đông Anh đã yêu cầu các địa phương, đoàn thể nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5 K của Bộ Y tế.

Nhờ sự vào cuộc tuyên truyền, đến thời điểm này, Đông Anh đã vận động nhân dân thực hiện hoãn, hủy 50 đám cưới; thu gọn giảm quy mô trong nội bộ gia đình 41 đám cưới. Cách làm của huyện trong việc tuyên truyền, vận động hoãn cưới là: các chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên, tiến hành rà soát, lập danh sách những đoàn viên, thanh niên đang chuẩn bị tổ chức lễ cưới trong mùa dịch để tuyên truyền, vận động. Các tổ chức trên đã trực tiếp xuống tận nhà phát trao đổi, cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch bệnh, những nguy cơ tiềm ẩn trong việc tổ chức các hoạt động tập trung quy mô lớn, đặc biệt việc tổ chức ăn uống tại lễ cưới.

Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước, nhiều gia đình đã quyết định hoãn tổ chức đám cưới để phòng dịch. Tại Hà Tĩnh, gia đình anh Nguyễn Danh Bảo ở Quang Lộc (Can Lộc) theo dự định sẽ tổ chức thành hôn cho anh vào sáng 6/5. Tuy nhiên vào tối 5/5, sau khi nhận được thông tin Hà Tĩnh có 2 ca tái nhiễm, tỉnh ra văn bản yêu cầu không tụ tập đông người, xã Quang Lộc đã đến nhà anh Bảo để vận động dừng đám cưới.

Mặc dù đám cưới tạm hoãn nhưng chú rể Danh Bảo cho rằng, việc đưa ra quyết định như vậy là đúng đắn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Không thể vì hạnh phúc riêng mà quên đi trách nhiệm với xã hội trong lúc dịch bệnh rất nguy nan này. Sau khi có quyết định hoãn cưới, những mâm cỗ đã đặt được hàng xóm, láng giềng đến mua lại mang về ăn giúp, tránh được sự lãng phí.

Ở Hà Nam, có trường hợp gia chủ dán thông báo trên cổng nhà về việc hoãn đám cưới do dịch COVID-19 đang xuất hiện trên địa bàn và mong họ hàng, bạn hữu thông cảm.

Xử phạt nghiêm trường hợp cố tình vi phạm phòng, chống dịch

Nhân viên y tế huyện Đông Anh phun khử khuẩn tại Nhà văn hóa thôn Lỗ Giao (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Trong lúc cả nước đang trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" phòng, chống dịch, ở đâu đó, một số gia đình, cá nhân vẫn tập trung đông người, tổ chức cưới, hỏi, ăn nhậu, vui chơi với quy mô lớn, bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh, vi phạm Chỉ thị 15 về phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ.

Hẳn dư luận còn chưa quên, vào tháng 3/2020, tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), vị Phó Giám đốc Bệnh viện huyện đã tổ chức đám cưới cho con trong mùa dịch, với hàng chục xe ô tô rước dâu. Đám cưới này đã gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của các cơ quan, đơn vị của Đảng; vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Vị Phó Giám đốc trên đã phải nhận hình thức cảnh cáo từ Sở Y tế Hà Tĩnh về việc tổ chức đám cưới cho con mình.

Dư luận cho rằng, việc kỷ luật còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ở đây, với vai trò là người lãnh đạo trong một cơ sở y tế công lập cấp huyện, vị Phó Giám đốc Bệnh viện kia sẽ hiểu hơn ai hết tác hại của dịch bệnh, cũng như nguy cơ lây nhiễm cấp số nhân của dịch COVID-19 khi tập trung đông người.

Cùng với việc cố tình tổ chức đám cưới hỏi trong mùa dịch, dư luận cũng vô cùng bức xúc trước hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên, “cậu ấm cô chiêu”, tụ tập ở các quán bar, quán karaoke dùng chất kích thích, bay lắc theo tiếng loa công suất lớn. Quá hơn, có người còn đang trong thời gian cách ly cũng “tranh thủ” tìm vui ở quán bar, karaoke mặc cho mầm bệnh đang tiềm ẩn. Ngày 7/5, Công an huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bắt quả tang 33 thanh niên tụ tập hát karaoke và có biểu hiện tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong khi quán karaoke đang bị cấm hoạt động, vì số ca mắc COVID-19 của tỉnh này đang ở mức cao.

Khó có lý do gì có thể biện minh cho những hành động kể trên. Chỉ vì hạnh phúc, thú vui ích kỷ cá nhân, mà “nhấn chìm” công sức, sự vất vả của biết bao người đang ngày đêm gồng mình phòng, chống dịch. Đó là chưa kể nguồn lực vật chất xã hội vô cùng lớn đang phải dồn vào để phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra yêu cầu nhân viên y tế không được đi ăn tiệc, đến quán karaoke, quán bar trong thời điểm dịch bệnh.

Thực tế đã chứng minh, trong thời gian qua, tại Việt Nam, để phòng chống dịch cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, trong đó có việc không tập trung đông người. Đây là những biện pháp hữu hiệu, không tốn kém trong phòng, chống dịch. Do vậy, hãy tạm gác niềm vui riêng từ việc tập trung đông người, hướng tới niềm vui chung của cộng đồng khi chặn đứng được đại dịch COVID-19.

Mạnh Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tam-gac-niem-vui-rieng-cung-chung-tay-phong-chong-dich-covid19-20210509214117942.htm