Tấm gương vượt khó, làm kinh tế giỏi ở Sa Lai

Sinh ra trong gia đình có tới 12 anh chị em nên cuộc sống của anh Giàng A Tổng từ nhỏ đã rất vất vả. Vậy nhưng, chính sự vất vả đó đã hình thành nên Giàng A Tổng mạnh mẽ, chịu thương chịu khó nhất bản Sa Lai như ngày hôm nay.

Chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật

Lên với bản Sa Lai (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), hỏi thăm về gia đình làm kinh tế giỏi ở bản, chúng tôi được chỉ dẫn đến gia đình anh Giàng A Tổng.

Anh Giàng A Tổng cùng con gái chăm sóc đàn gia cầm tại nhà

Bên căn nhà gỗ ấm cúng, phía trước là đàn ngan đang tung tăng bơi lội, anh Tổng cởi mở chia sẻ. Anh và chị Mùa Thị Phếnh kết hôn với nhau năm 1993, nay đã có 3 con, 2 trai 1 gái. Ngày hai vợ chồng mới lấy nhau, chỉ có 1 túp lều, vài cái xong nồi, bát đĩa và 1 con trâu, 1 con bò bố mẹ chia cho. Khi bố mất, anh Tổng thịt con bò làm ma cho bố, còn lại con trâu cái, hai vợ chồng thay nhau chăm sóc, đàn trâu từ đó tăng dần lên. Có tiền bán trâu, vợ chồng anh Tổng mua thêm bò, nuôi thêm gà, nuôi lợn… Thời điểm nhiều nhất, gia đình anh có gần 30 con trâu, bò, 70 con lợn và hàng trăm con gà.

Cùng sống trong bản Sa Lai, có điều kiện ruộng nương như nhau, nhưng gia đình anh Tổng lúc nào cũng đứng đầu về số lượng trâu – bò chăn nuôi được. Hỏi bí quyết để có đàn trâu bò nhiều như vậy, trong khi lao động trong gia đình chủ yếu là 2 vợ chồng, anh Tổng cho hay: Bà con trong bản vốn có thói quen thả rông trâu bò, sau đó làm trại trên núi cho trâu bò vào ngủ. Nhà anh Tổng cũng có trại cho trâu bò ở trên núi, nhưng khi nào bận việc anh mới thả rông, còn lại anh thường rong trâu bò về chăm, nhốt vào chuồng để trâu bò không bị lạnh trong những ngày đông giá rét, đồng thời, chủ động phòng chống dịch bệnh… Với cách làm này, trâu bò của nhà anh Tổng ít bị ốm, chết.

Cuối năm 2017, thấy bà con trong bản muốn mở rộng diện tích ruộng để trồng cấy mà xung quanh toàn đất dốc, anh Tổng bàn với anh trai là Giàng A Dềnh (Trưởng bản Sa Lai) bán bớt trâu bò, lấy tiền mua máy xúc trị giá 420 triệu đồng. “Tôi không biết chữ, cũng không biết gì về máy móc, nhưng người bán máy lên tận bản hướng dẫn 2 ngày là làm được” – anh Tổng nói. Giờ thì ngoài chăn nuôi, làm nương rẫy, anh Tổng đã có thể điều khiển máy xúc đất, mở rộng diện tích ruộng cho bà con. Trận mưa bão cuối tháng 8, đầu tháng 9 khiến đường vào bản Sa Lai bị sạt lở nghiêm trọng, nếu không có máy xúc của anh Tổng, con đường duy nhất để xuống xã của dân bản Sa Lai chưa biết khi nào mới thông… Ngoài mua máy xúc, anh Tổng còn sắm cả máy hút cát dưới suối để cung cấp cho đơn vị đang xây dựng trường học tại bản. “Ai có việc nhờ mình, làm được thì làm thôi, vừa giúp bản, vừa có thêm thu nhập” - anh Tổng cười giòn khi trò chuyện bên đống cát mới hút cao gần ngang mái nhà.

Ngày mai sẽ tươi sáng hơn

Thấy tôi chăm chú quan sát căn nhà gỗ dựng đúng theo truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, anh Tổng cười: “Căn nhà này vợ chồng tôi dựng năm 2007. Khi đó, tôi bán 2 con trâu mua máy cưa về xẻ gỗ dựng nhà. Có căn nhà vững chãi, vợ chồng càng yên tâm làm lụng, nuôi con ăn học”. Nhắc tới 3 đứa con, gương mặt anh Tổng như rạng rỡ hơn. “Thằng con trai lớn đang học Trường Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La, 2 đứa nhỏ đang học Trường Trung học cơ sở ngoài xã Tân Xuân”.

Kể về quyết tâm nuôi con ăn học, anh Tổng bộc bạch: Khi nhỏ, bố muốn anh đến trường, nhưng mẹ anh không cho vì đi học thì không ai giúp mẹ việc nương rẫy. Chính vì thế, lớn lên anh Tổng không biết chữ. Vợ anh Tổng cũng mồ côi từ nhỏ, nên không được đi học… Anh tâm sự: “Cả hai vợ chồng đều không biết con chữ nào, rất khổ. Đi mua bán, người ta ghi giá đó mà không biết đọc, cứ phải hỏi. Mình đã không biết thì bắt buộc phải cho con đi học. Con học được đến đâu, cho con theo đến đó. May là có nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền học nên gia đình cũng đỡ lo…”.

Trò chuyện với anh Tổng hôm trước, sáng sớm hôm sau gặp anh tất bật chở con xuống xã đi học với nụ cười rạng rỡ. Sống ở bản xa xôi, khó khăn nhất xã biên giới Tân Xuân… nhưng tinh thần và quyết tâm của gia đình anh Giàng A Tổng là cơ sở để tin rằng, ngày mai rồi sẽ tươi sáng hơn với những người chăm chỉ, nỗ lực vươn lên.

Mai Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tam-guong-vuot-kho-lam-kinh-te-gioi-o-sa-lai-111039.html