Tấm gương vượt khó, thoát nghèo của cựu chiến binh Đặng Văn Nghĩa

Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Đặng Văn Nghĩa (60 tuổi), ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Đời sống kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn, ông phấn đấu vượt qua cái nghèo. Khi kinh tế ổn định, ông tiếp tục đóng góp một phần công sức của mình để xây dựng cho quê hương Long Phú ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Năm 1985, thanh niên Đặng Văn Nghĩa lên đường nhập ngũ, đơn vị đóng quân ở đảo Thổ Chu. Năm 1988, ông Nghĩa xuất ngũ trở về địa phương. Không bao lâu, ông lập gia đình. Buổi đầu sống tự lập, vợ chồng ông Nghĩa gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ hai bên ai cũng nghèo khó, lúc cho vợ chồng ông ra riêng phải cất chòi trên đất người quen trong ấp ở nhờ. Hai vợ chồng không có gì đáng giá ngoài chiếc giường ngủ làm bằng tre tạm bợ và vài thứ vật dụng nấu ăn hằng ngày. Với bản chất người lính, ông Nghĩa kiên trì phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nghĩa nhớ lại: “Cha mẹ hai bên gia đình đều khó khăn, lại đông con và ít đất sản xuất nên khi tôi cưới vợ ra riêng không có đất đai gì để canh tác. Thời gian đó, tôi đi làm mướn quanh năm, như: đi phụ suốt lúa, sạ lúa, xịt thuốc, làm cỏ… Làm thuê một thời gian dài, vợ chồng tôi tích cóp được ít tiền sang được 2 công đất ở ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh để lập nghiệp. Nhiều năm trồng lúa cho năng suất thấp, nên gia đình quyết định không trồng lúa nữa mà lên liếp trồng dừa, trồng xen thêm các loại cây ăn trái khác”.

Cựu chiến binh Đặng Văn Nghĩa, ấp Mương Tra, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chăn nuôi thêm vịt để tăng thu nhập, nhằm cải thiện cuộc sống gia đình. Ảnh: KIM NGỌC

Hiện tại, ông Nghĩa trồng được 60 gốc dừa xiêm Mã Lai và cho trái được 10 năm, bình quân khoảng 30 - 35 ngày thu hoạch trên 1 thiên dừa tươi. Vào mùa nắng nóng, nước dừa được nhiều người ưa chuộng, thương lái đến tận vườn mua. Những lúc cao điểm, dừa có giá hơn 8.000 đồng/trái, ông Nghĩa thu nhập từ bán dừa khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Cây dừa trồng rất dễ chăm sóc, định kỳ rải phân, phun thuốc không để bọ cánh cứng, đuông tấn công đọt. Ngoài ra, khoảng 4 tháng, tôi thuê người cắt mo nang, dọc yếm để tránh chuột làm ổ, sâu bọ có nơi trú ngụ để sinh sản và phát triển, làm ảnh hưởng đến năng suất. Vào mùa nắng, tôi thường xuyên tưới nước cho dừa, nhằm giúp dừa đủ sức nuôi thân, trái và nhanh thu hoạch”.

Ngoài trồng dừa, ông Nghĩa còn tận dụng mặt nước ao nuôi cá, dưới tán dừa để nuôi vịt xiêm lấy thịt, vịt đẻ lấy trứng kiếm thêm thu nhập trên 30 triệu đồng/năm. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn mà gia đình cựu chiến binh Đặng Văn Nghĩa thoát cảnh nghèo khó đã nhiều năm nay.

Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, ông Nghĩa còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Ông tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, trực tiếp tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhiều việc có ý nghĩa, như: giữ gìn an ninh trật tự trong xóm, ấp, trồng hoa kiểng trước nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Đồng chí Thạch Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Long Phú nhận xét: “Cựu chiến binh Đặng Văn Nghĩa ngoài nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, ông còn rất nhiệt tình với công tác hội trong những năm qua. Ông sẵn sàng chia sẻ những gì biết được trong làm ăn cho hội viên, người dân trong ấp để cải thiện cuộc sống gia đình. Đồng thời, ông Nghĩa còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong công tác xây dựng tổ chức hội, ông Nghĩa luôn đưa ra những ý kiến thiết thực để Hội Cựu chiến binh xã Tân Thạnh thực hiện, đưa công tác hội ngày càng phát triển. Với sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, cùng với sự đóng góp tích cực cho công tác hội, năm qua, ông Nghĩa được nhận giấy khen của Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng”.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thi-dua-khen-thuong/tam-guong-vuot-kho-thoat-ngheo-cua-cuu-chien-binh-dang-van-nghia-73318.html