Tạm hoãn hạ giải nhà thờ Bùi Chu, rồi thế nào?

Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu đưa ra quyết định tạm hoãn hạ giải nhà thờ Bùi Chu chỉ vài ngày trước thời hạn, tuy nhiên các nhà chuyên môn và dư luận quan tâm số phận của công trình này trong tương lai và hàng trăm nhà thờ có giá trị tương tự.

Nhà thờ chánh tòa Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) Ảnh: Giang Huy

Nhà thờ chánh tòa Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) Ảnh: Giang Huy

Chưa vội hạ giải

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện Giáo phận Bùi Chu, Trưởng Ban Xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu thông báo về việc tạm hoãn hạ giải. “Sau khi cầu nguyện chung, suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí về công trình nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, chúng tôi xin thông báo tạm hoãn việc hạ giải Nhà thờ của giáo phận chúng tôi”, Linh mục Nguyễn Đức Giang thông báo sáng 10/5.

“Đây là tín hiệu mừng, rất đáng ghi nhận và hoan nghênh, thể hiện sự hợp tác cầu thị, bình tĩnh lắng nghe để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề này”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa nói. GS.TS.KTS, Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng điều này thể hiện sự lắng nghe ý kiến các nhà chuyên môn và dư luận từ phía nhà thờ. Hội cũng có kiến nghị xung quanh dự án cải tạo nhà thờ Bùi Chu hôm 7/5, sau khi cả đoàn chuyên gia trực tiếp xuống khảo sát.

Trước dư luận về việc hạ giải và xây mới nhà thờ Bùi Chu, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng dẫn đầu đoàn thị sát làm việc với UBND tỉnh Nam Định ngày 7/5. Sau khi kiểm tra thực trạng nhà thờ, ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa cho biết, về sơ bộ công trình bị nứt hỏng nhiều chỗ: Cửa vào bị nứt, tòa tháp trái bị nghiêng, nhiều cửa vòm ở hai bên đều bị nứt. Nội thất bị xuống cấp, mục mọt, nhiều vật liệu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Để đảm bảo sự an toàn của giáo dân, lượng khách lui tới đây, đoàn kiểm tra đề xuất giáo phận xem xét xây dựng lại công trình dựa trên thực trạng xuống cấp của di tích.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị giáo phận Bùi Chu, địa phương nên có sự tham vấn chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc, như vậy vừa bảo vệ được di sản kiến trúc, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng giáo dân.

Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi.

Ứng xử thế nào?

Những tranh luận trái chiều xung quanh việc giữ hay phá nhà thờ Chính tòa Bùi Chu để xây mới chưa dừng tại đây. Nó cũng gợi mở cho các nhà quản lý, cộng đồng về câu chuyện ứng xử với nhiều công trình tương tự nhà thờ Bùi Chu.

Nhiều người cho rằng nhà thờ chưa được xếp hạng di tích nên chưa chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. “Chưa được xếp hạng không có nghĩa nhà thờ không phải di sản văn hóa. Theo thống kê cả nước tới nay có hơn 40.000 di tích các loại, nhưng số di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh mới được một phần, vì việc xếp hạng là quá trình và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đây không chỉ là trường hợp của nhà thờ Bùi Chu, mà còn nhiều di tích khác nữa. Di sản văn hóa, dù dưới hình thức nào, chủ sở hữu là ai suy cho cùng đều là tài sản văn hóa của quốc gia. Nếu vì sơ suất nào đó có thể dẫn đến thiệt hại không gì bù đắp được cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ phân tích.

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đặt vấn đề cần thay đổi nhận thức chung khi ứng xử đối với các công trình tương tự như Bùi Chu. Nhà thờ Bùi Chu chưa được xếp hạng di tích, thành ra những người chủ sở hữu nhà thờ, giáo dân ở đó gặp khó khi huy động kinh phí sửa chữa. “Việc chính của họ là tổ chức hành lễ, duy trì các hoạt động sinh hoạt tại nhà thờ. Họ không đủ sức, đủ tầm và chuyên môn để giữ gìn, bảo vệ nhà thờ như là di sản, bởi trùng tu nhà thờ cực kỳ phức tạp”, ông nêu.

Di tích chưa được xếp hạng nhưng nhà nước cũng không thể làm ngơ trước những giá trị văn hóa, lịch sử có nguy cơ tan biến. “Tôi cho rằng nhà thờ Bùi Chu là giọt nước tràn ly để ta nghĩ lại chính sách nhà nước đối với các nhà thờ cổ là di sản chưa được xếp hạng di tích. Vai trò của xã hội ra sao trước vấn đề này là câu hỏi lớn, là lỗ hổng chúng ta chưa giải quyết được. Chừng nào không giải quyết được điều này, chúng ta không bảo tồn được Bùi Chu và hàng trăm nhà thờ có giá trị khác”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nói.

Trưởng Ban Xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu thông báo tạm hoãn hạ giải, kết quả cuối cùng còn phải chờ vào sự nỗ lực và hợp tác của các bên. “Theo tôi, để giải quyết thấu đáo vấn đề này, cần đạt được sự hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di tích và những nhu cầu chính đáng của giáo dân xứ Đạo, không thể phiến diện một chiều”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nói. Ông nêu ra sự cần thiết có giải pháp đồng bộ cho những trường hợp tương tự Bùi Chu, vừa cần luật pháp, sự vận động và trao đổi với chủ sở hữu, đồng thời phát huy vai trò cộng đồng chú ý cả lợi ích của nhà nước, xã hội và cộng đồng.

Văn bản số 1762 ngày 9/5 thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện gửi Viện Bảo tồn Di tích nêu: Bộ trưởng VHTTDL cử đoàn công tác của Bộ do Thứ trưởng Lê Quang Tùng làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Nam Định, khảo sát hiện trạng nhà thờ Bùi Chu. Sau khi nghe báo cáo nhanh, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giao Viện Bảo tồn di tích tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu, báo cáo Bộ trưởng trước 11/5.

Trong bản góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các nhà chuyên môn nêu: Do có những bộ phận xuống cấp nên việc cải tạo nhà thờ Bùi Chu để đảm bảo sự tồn tại lâu dài và đặc biệt an toàn cho người sử dụng là cần thiết. Tuy nhiên khi cải tạo cần đặc biệt lưu ý không làm mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng từ cấu trúc tổng thể đến chi tiết kiến trúc vốn có của nhà thờ.

Ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa nêu, dựa trên thông tin về bản thiết kế công trình nhà thờ mới sơ bộ cho thấy quy mô và hình dáng giữ nguyên như cũ, tuy nhiên các nhà chuyên môn chưa thể nghiên cứu chi tiết. Những vật liệu đang được tập kết trước nhà thờ cho thấy đây là những vật liệu truyền thống đưa vào trong kết cấu của công trình mới. Địa phương cũng báo cáo nhiều thành phần kiến trúc của công trình cũ được giữ lại.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tam-hoan-ha-giai-nha-tho-bui-chu-roi-the-nao-1413960.tpo