Tấm Huân chương Vạn Tượng

Đại tá Đỗ Bá Bút - nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh sinh năm 1928, quê ở làng Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trong cuộc đời 42 năm trong quân ngũ, ông đã tham gia ba cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, luôn có mặt ở những chiến trường ác liệt...

Ông không còn nữa, nhưng hơn 30 năm qua, trong phòng truyền thống của gia đình, tất cả thư từ, ảnh, kỉ vật, hồi ký của ông vẫn được lưu giữ. Trong đó, Huân chương Vạn Tượng hạng Nhất của Quốc vương Lào trao tặng Đại tá đỗ bá Bút năm 1962 có ý nghĩa đặc biệt, gắn với chiến công của lực lượng pháo binh Việt Nam trong trận tập kích hỏa lực đầu tiên trên đất nước triệu voi, góp phần xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.

Nhiệm vụ bất ngờ

Ngày 10-12-1960, trời đông Hà Nội lạnh se sắt. Một chiếc máy bay chiến đấu lạ xuất hiện, đột ngột hạ độ cao lượn một vòng có ý xin hạ cánh và đáp xuống sân bay Bạch Mai. Viên phi công mang thư khẩn của Chủ tịch Ủy ban đảo chính Lào xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng…

Huân chương Vạn Tượng hạng Nhất có hình ba đầu voi do Quốc vương Lào trao tặng cho đồng chí đỗ bá Bút năm 1962

Huân chương Vạn Tượng hạng Nhất có hình ba đầu voi do Quốc vương Lào trao tặng cho đồng chí đỗ bá Bút năm 1962

21 giờ 30 phút ngày 12-12-1960, tại Trường Sĩ quan Pháo binh ở thị xã Sơn Tây, Thượng úy Đỗ Bá Bút (32 tuổi) - giáo viên chiến thuật pháo binh bất ngờ nhận được thông báo sẽ cùng đồng chí Nguyễn Trí Năng - giáo viên xạ kích lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt. Cụ thể là nhiệm vụ gì thì họ không được biết, chỉ biết đó là công việc khó khăn nhưng rất vinh quang, phải là những người đã qua thử thách chiến đấu, có thể chỉ huy tác chiến và biết tiếng Pháp mới đáp ứng được.

Họ được lệnh cắt quân số ở đơn vị và nhanh chóng chuẩn bị tư trang để 23 giờ 30 phút sẽ xuất phát về Hà Nội. Quá bất ngờ, trong lòng Thượng úy Bút rối bời vì không kịp tạm biệt người vợ chưa cưới Đỗ Thị Trâm lúc ấy đang học tại Học viện Nông - Lâm ở huyện Gia Lâm. Đồng chí Năng thì ngổn ngang trăm mối vì con còn nhỏ và người vợ đang mang bầu lần hai. Tuy lo lắng, hồi hộp nhưng họ vẫn xác định tinh thần sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Đồng chí Đỗ Bá Bút (giữa) cùng hai cận vệ của Vương quốc Lào tại thủ đô Vientiane đầu năm 1961

12 giờ đêm, xe chở hai đồng chí Bút và Năng về đến Hà Nội. Đại tá Nam Long - Tham mưu trưởng kiêm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Pháo binh cùng Đại tá Hoàng Văn Thái - Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Pháo binh đã chờ sẵn và giao nhiệm vụ. Lúc ấy, họ mới biết có cả đồng chí Nguyễn Duy Trác - trợ lý Phòng Trinh sát, Bộ Tư lệnh Pháo binh cũng đi lần này. Nhiệm vụ của họ có liên quan đến nước bạn Lào. Trước đó, từ ngày 8-8-1960, Đại úy Koong Le - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù 2 quân đội Vương quốc Lào đã làm đảo chính lật đổ chính phủ phản động Phủi Xananicon.

Tại thời điểm đó, lực lượng phản động ở Lào đang tập trung quân đánh Koong Le để chiếm lại thủ đô Vientiane. Trước tình thế nguy cấp, ngày 10-12-1960, Chủ tịch Ủy ban đảo chính Lào đã cử đặc phái viên đi máy bay đến Hà Nội mang thư khẩn xin viện trợ để chiến đấu bảo vệ thủ đô Vientiane. Do vậy, ba đồng chí Bút, Năng, Trác phải đi ngay, chỉ được phép viết thư gửi lại cho gia đình báo tin đi công tác xa.

5 giờ sáng ngày 13-12-1960, họ được đưa ra sân bay Gia Lâm. Các đồng chí cấp trên cho biết Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã cử đồng chí Chu Huy Mân - Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào trực tiếp giúp bạn Lào về đường lối, đồng chí Lê Kích - Tư lệnh Pháo binh quân khu Tây Bắc phụ trách quân sự. Đồng thời cử một lực lượng pháo binh gồm một đại đội lựu pháo 105mm, một đại đội súng cối 120mm và 3 đồng chí Bút, Năng, Trác cấp tốc sang Lào bằng đường máy bay để giúp đỡ huấn luyện và tác chiến.

Từ 5 giờ đến 11 giờ sáng hôm đó, 25 pháo thủ từ các đơn vị được gấp rút tuyển chọn và tập trung về sân bay Gia Lâm để thành lập đơn vị. Ngay tại sân bay, một chi bộ được thành lập, đồng chí Đỗ Bá Bút được bầu làm Bí thư Chi bộ. Sau khi được lệnh phải bỏ hết những gì có vết tích Việt Nam, thuốc lá phải cắt chữ, bút máy, xà phòng, bàn chải phải cạo chữ và tuyệt đối không được ghi chép, họ lên đường.

Máy bay chở 2 đồng chí Trác và Năng và 15 pháo thủ đi trước. Đồng chí Bút, 10 pháo thủ cùng hàng hóa cũng bay sau đó 15 phút. Vừa mới đây thôi, họ còn ở quê hương trong không khí hòa bình, thì sau khoảng 2 giờ, họ có mặt tại sân bay Vattay của đất bạn Lào và chiến tranh đã ở ngay trước mắt. Tình hình hết sức nhốn nháo, súng nổ liên hồi, Đồng chí Bút hoàn toàn mất dấu đoàn bay trước, không có người liên lạc, không có vũ khí bên mình, không có bản đồ nên ở vào tình thế rất khó khăn. Cuối cùng, với sự hỗ trợ của bộ phận tham mưu của Đại úy Koong Le, họ cũng tìm được đơn vị.

Trận tập kích hỏa lực đầu tiên

Mọi việc diễn ra dồn dập. Pháo và đạn từ Việt Nam chuyển bằng máy bay sang sân bay Vattay ngày 12-12-1960, cả đoàn bay sang Vientiane ngày 13-12-1960 thì ngay hôm sau đã phải tham gia chiến đấu cùng lực lượng Koong Le bảo vệ thủ đô.

Ngoài các mục tiêu địch trên đất Lào, còn có một trận địa trọng pháo đặt tại Noọng Khai nằm trên đất Thái Lan thường bắn chi viện cho quân phản động Phoumi Nosavan mà Đại úy Koong Le muốn tấn công. Vì liên quan đến chủ quyền của Thái Lan nên Đỗ Bá Bút băn khoăn và đã báo cáo với đồng chí Chu Huy Mân.

Bản thảo tập hồi ký "Tấm huân chương Vạn Tượng" được đồng chí đỗ bá Bút viết năm 1962

Đồng chí Mân cân nhắc và quyết định: Để tạo uy thế cho Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Lào, có thể bắn khoảng 10 phát vào trận địa pháo Noọng Khai, nhưng phải bắn thật chính xác, không được bắn lạc vào dân. Đây chính là trận tập kích hỏa lực đầu tiên của pháo binh cơ giới Việt Nam trên đất bạn Lào. Bộ đội pháo binh của ta đã lập công xuất sắc, làm tiêu hao sinh lực địch, đẩy lùi quân địch, bảo vệ được thủ đô Vientiane. Sau đó, liên quân Việt - Lào tiến ra giải phóng cánh đồng Chum - vị trí chiến lược và lên kế hoạch bảo vệ khu vực này.

Cuộc chiến đấu kéo dài, liên quân Việt - Lào phải chiến đấu với quân phản động Phoumi và chống phỉ dọc đường. Một khó khăn không nhỏ là những người bạn Lào và bộ đội Việt Nam bất đồng ngôn ngữ, bạn lại chưa quen chiến đấu nên phải thuyết phục và hướng dẫn nhiều. Chỉ huy sở của đồng chí Bút là một gốc cây lớn có mắc một máy điện thoại. Đài quan sát nằm trên ngọn núi tai mèo địa hình hiểm trở cách đó hơn một cây số đường chim bay mà phải mắc tới 6km dây và trèo 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Chính ở đây Đỗ Bá Bút đã phải bỏ lại đôi dép cao su, bị đá tai mèo cắt rạch vào chân tứa máu nên được anh em Lào tặng một đôi giày da.

Đồng chí Bút nhận nhiệm vụ chỉ huy pháo hỗn hợp ở trận địa để tấn công đợt hai. Khi chuẩn bị tấn công xong, lại được lệnh của Bộ chỉ huy là chuẩn bị rút vì địch sẽ tăng cường rất nhiều. Nhưng trước khi rút, phải nghi binh làm như ta vẫn tấn công tiếp. Sau khi nhận được mệnh lệnh, Đỗ Bá Bút quyết định đi điều tra tình hình để bố trí chỗ trú quân, chỗ phòng ngự, chỗ nghi binh, chỗ phục kích, kế hoạch phòng ngự và tấn công. Lực lượng liên quân sẽ lui về sau 30km cố thủ ở Thaviêng. Dọc đường từ đây về Thaviêng sẽ bố trí mai phục.

Một đợt tấn công như thật diễn ra vào lúc 5 giờ sáng nhưng thực ra đại bộ phận đã rút đi từ chập tối, chỉ còn lại một đơn vị bộ binh khỏe để yểm hộ cho bộ phận pháo binh. Đúng như dự đoán, địch bị nghi binh nên điện về Vientiane xin tiếp viện. Chúng đã cho nhảy dù xuống một tiểu đoàn nữa và bị pháo binh tấn công dữ dội. Đến chập tối, sau khi pháo binh bắn dồn dập lần cuối thì rút hẳn.

Tết đặc biệt ở Lào

Tết đã đến, hoa ban nở trắng rừng và bộ đội pháo binh Việt Nam vẫn tiếp tục bám trận địa trên đất Lào. Đỗ Bá Bút bỗng nhận được điện của Bộ chỉ huy: "Bố trí yểm trợ cho máy bay thả quà tết. Chúc các đồng chí ăn tết vui vẻ". Quà tết gồm 50 cái bánh chưng, 5 tút thuốc lá và 100 gói kẹo. Gần 2 tháng ăn cơm muối cá khô bữa no bữa đói, nay được tiếp tế bánh kẹo, anh em muốn ăn cho thỏa thích ba ngày tết. Nhưng bên cạnh còn các bạn Lào, mỗi hành động nhỏ đều có ý nghĩa lớn. Nghĩ thế, đồng chí Bút họp anh em lại, đề ra ý kiến đem tặng bạn một ít quà. Số còn lại sẽ triệu tập cả đơn vị giới thiệu về tết Việt Nam rồi liên hoan chung vui để tăng sự gắn bó giữa ta và bạn. Như vậy dự trù mỗi người có ¼ cái bánh chưng và nửa gói kẹo. Nơi đóng quân nằm ở một thung lũng bốn bề là núi rừng. Đề phòng bất trắc, đồng chí Bút bố trí liên hoan ở một khu ruộng sâu và cử người tuần tra để anh em yên tâm múa hát. Không chỉ bộ đội ta mà những người anh em Lào cũng cảm thấy rất vui, ai cũng khen bánh chưng thơm ngon.

Đồng chí Đỗ Bá Bút (thứ 4 từ trái sang) cùng Đoàn Văn công Việt Nam mừng Chính phủ liên hiệp, hòa hợp dân tộc và thống nhất nước Lào năm 1962.

Sau tết, liên quân Việt - Lào tiến ra giải phóng bản Ban. Về tới Phonsavan, đồng chí Bút nhận được lệnh về nước, cũng bất ngờ như lúc sang Lào nhận nhiệm vụ. Sau phút chia tay anh em Lào đầy quyến luyến, Đỗ Bá Bút vội vã ra sân bay khi vẫn mặc nguyên bộ quần áo sĩ quan Vương quốc Lào, đi giày cao cổ, khẩu súng lục đeo bên hông và đội mũ đỏ, bộ dạng gầy nhom, da đen nhẻm, râu mọc dài, nhìn giống hệt một sĩ quan Lào. Thượng úy Bút đã gặp lại người vợ chưa cưới sau những ngày xa cách. Một đám cưới hạnh phúc đã diễn ra vào tháng 8-1961.

Cuối tháng 11-1961, Đỗ Bá Bút trở lại mặt trận Lào nóng bỏng với tư cách là chuyên gia huấn luyện quân sự cho quân đội Vương quốc Lào lần thứ 2 tại cánh đồng Chum. Đến giữa tháng 8-1962, sau khi Hiệp định Geneve về Lào được kí kết công nhận chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Lào, đồng chí Đỗ Bá Bút về nước nhận nhiệm vụ mới. Với những đóng góp quan trọng cho cách mạng Lào, đồng chí Bút đã được tặng nhiều huân huy chương, trong đó có Huân chương Vạn Tượng hạng Nhất của Quốc vương Lào trao tặng vì những thành tích xuất sắc trong chiến đấu vì nền hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng của đất nước Lào. Năm 1962, đồng chí Bút bắt tay vào viết hồi ký "Tấm huân chương Vạn Tượng" để lưu giữ kỉ niệm về lần đi làm nhiệm vụ quốc tế đặc biệt trong đời.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/tam-huan-chuong-van-tuong-638840/