Tấm huy hiệu Bác Hồ năm 1980 và cuộc hội ngộ bất ngờ sau 43 năm

Năm 1980, huy hiệu Bác Hồ là một trong những hiện vật quý được phi hành gia, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân mang theo trong chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của Việt Nam – Liên Xô – Interkosmos. 43 năm sau, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội, nhiều chi tiết thú vị sau huy hiệu này mới được tiết lộ, cùng với cuộc hội ngộ đầy bất ngờ giữa Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân và gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước – tác giả tấm huy hiệu.

Những câu chuyện thú vị sau tấm huy hiệu

Xúc động, ngạc nhiên đến không ngờ là tâm trạng chung của Anh hùng Phạm Tuân cùng nhiều người thân, học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước (tên thật là Nguyễn Văn Chước) và các đại biểu có dịp tham dự buổi lễ giới thiệu, tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Bùi Trang Chước vào ngày 12/5, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức.

Bản vẽ mẫu huy hiệu Bác Hồ năm 1980 của họa sĩ Bùi Trang Chước đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Bản vẽ mẫu huy hiệu Bác Hồ năm 1980 của họa sĩ Bùi Trang Chước đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Trân trọng nâng niu bản vẽ huy hiệu Bác Hồ đã vương màu thời gian, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, con gái của họa sĩ Bùi Trang Chước cho biết, mẫu huy hiệu được họa sĩ vẽ vào năm 1980 trong khoảng thời gian rất ngắn. Vì không có điện, ban đêm, họa sĩ phải thắp đèn dầu, quây màn cho khỏi bị muỗi đốt. Sau 3 đêm, ông hoàn thành sáng tác. Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đến nhận ngay sáng hôm sau. Vừa xem tác phẩm, ông Nguyễn Văn Hiệu đã khen họa sĩ vẽ chân dung Bác đẹp quá. Tác phẩm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng vàng, gửi sang Liên Xô (cũ) để Anh hùng Phạm Tuân mang theo lên chuyến bay vào vũ trụ Interkosmos năm 1980.

Trung tướng Phạm Tuân kể lại, năm 1980, khi chuẩn bị cùng các phi hành gia khác bay vào vũ trụ, ông được giao trọng trách phải giới thiệu được hình ảnh của Việt Nam trong chuyến bay, thông qua những hiện vật đặc biệt, bao gồm: Di chúc của Bác, nắm đất ở Ba Đình, Tuyên ngôn Độc lập, cờ Tổ quốc và huy hiệu Bác Hồ. Thời điểm ấy, rất ít quốc gia có công dân được tham gia các chuyến bay vào vũ trụ nên sự kiện này đặc biệt được thế giới quan tâm.

Trong buổi họp báo trước chuyến bay, Anh hùng Phạm Tuân đã trải lá cờ Tổ quốc, đặt các hiện vật lên bàn, trong đó có huy hiệu Bác Hồ. Các hiện vật này cùng hình ảnh các phi hành gia cùng ký tên vào lá cờ Việt Nam được phát trên đài truyền hình nhiều quốc gia trên thế giới. Huy hiệu Bác Hồ luôn là một trong những kỷ vật quý giá, thiêng liêng nhất trong suốt cuộc đời quân ngũ của ông nhưng đến tận hôm nay, ông mới được biết câu chuyện Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là người nhận bản vẽ tác phẩm từ họa sĩ Bùi Trang Chước cũng như tường tận gốc gác của huy hiệu.

Thực tế, huy hiệu Bác Hồ chỉ là một tác phẩm trong rất nhiều sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Bùi Trang Chước. Bà Nguyễn Thị Minh Thủy cho biết, cả cuộc đời của cha bà chỉ biết làm việc hết mình và dâng hiến cho Tổ quốc. Những tác phẩm của ông đều gắn liền với các mốc lịch sử của cách mạng Việt Nam. Họa sĩ đã từng được gặp, làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất ngưỡng mộ, kính trọng, dành tình cảm to lớn đối với Bác. Bằng tấm lòng, tình cảm và trình độ, tay nghề được đào tạo rất bài bản của mình, ông đã rất thành công khi vẽ chân dung Hồ Chủ tịch.

Ngoài huy hiệu Bác Hồ năm 1980, ông còn thể hiện thành công chân dung Người trên nhiều tem thư như: “Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập”, “Người tốt việc tốt”, “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch”… Họa sĩ Bùi Trang Chước còn rất thành công trong vẽ chân dung Bác Hồ trên đồng tiền Việt Nam và cũng là người vẽ Thiết kế trang trí mặt tiền Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hồ sơ tài liệu về Lăng Bác đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III có các bản gốc thiết kế mặt tiền Lăng của họa sĩ.

Bà Nguyễn Thị Minh Thủy, con gái họa sĩ Bùi Trang Chước (ngoài cùng bên trái) cùng Anh hùng Phạm Tuân và Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa bên bản vẽ mẫu huy hiệu.

Khối tư liệu đồ sộ về cuộc đời, sự nghiệp của người họa sĩ tài hoa

Theo họa sĩ Ngọc Linh, vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là công việc khó và khó nhất là làm sao lột tả được “cái thần” của Người, thể hiện để người xem cảm nhận được nhân cách, con người của Bác qua bức họa. Muốn làm được điều này, người họa sĩ phải có trình độ và tay nghề rất cao, phải đặt cả cái tâm của mình vào trong bức họa và đặc biệt là phải có sự kính trọng và tình yêu vô bờ bến đối với Bác. Họa sĩ Bùi Trang Chước đã làm được điều này. Đặc biệt, thể hiện thành công chân dung Bác trên đồng tiền vô cùng khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, sự kiên trì, tỷ mỷ, tức là thể hiện một cách tinh xảo nhất. Họa sĩ Bùi Trang Chước có đủ đầy các điều kiện ấy.

Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, từ năm 1941, họa sĩ Bùi Trang Chước là một trong những họa sĩ tài năng của nền hội họa Việt Nam, đam mê sáng tạo nghệ thuật, nổi tiếng về đồ họa từ khi còn học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1936 - 1941). Năm 1941, ông là người Việt Nam được chọn vẽ tem Đông Dương (INDOCHINE). Trước Cách mạng Tháng Tám, dấu ấn của ông đã được lưu lại với gần 30 bộ tem, trong đó có những con tem như: Hoàng hậu Nam Phương, Norodom Sihanouk, Hội chợ triển lãm Sài Gòn, Alexandre Yersin, Alexandre De Rhodes...

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong hoàn cảnh khó khăn của những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp theo là cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, ông là một trong các họa sĩ thế hệ đầu tiên tham gia thiết kế mẫu giấy bạc (tiền giấy ngân hàng), tem bưu chính và trực tiếp sáng tác các loại bằng khen, huân - huy chương...

Ông sáng tác nhiều tác phẩm kịp thời phục vụ những sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước, cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đặc biệt trong đó có Quốc huy Việt Nam. Năm 2021, phác thảo mẫu Quốc huy được công nhận Bảo vật quốc gia. Trong công cuộc xây dựng đất nước, ngoài việc tiếp tục sáng tác mẫu giấy bạc, mẫu tem bưu chính, mẫu biểu trưng, huy hiệu và một số thể loại đồ họa khác, họa sĩ còn dành nhiều tâm huyết và cảm hứng nghệ thuật cho những sáng tác hội họa ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

Tài năng và công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, gần nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2021. Dự kiến, Giải thưởng sẽ chính thức được truy tặng trong lễ truy tặng, trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, tổ chức đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2023) tại Hà Nội.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, hiện tại, phông lưu trữ họa sĩ Bùi Trang Chước tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III có khá đầy đủ các tư liệu gốc về cuộc đời, sự nghiệp, các tài liệu thể hiện những cống hiến, lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của họa sĩ Bùi Trang Chước, trong đó có rất nhiều tư liệu, hiện vật được gia đình trao tặng Trung tâm. Bên cạnh công tác bảo quản, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ còn có nhiều hoạt động nhằm phát huy khối tài liệu này, trong đó các triển lãm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/tam-huy-hieu-bac-ho-nam-1980-va-cuoc-hoi-ngo-bat-ngo-sau-43-nam-i693459/