Tâm huyết, thực học và thực làm

Một số người quen biết thường bảo tôi có khả năng tự học. Mỗi lần nghe nói như thế, giờ tôi lại bổ sung thêm rằng, khả năng ấy có thể đã bị chệch hướng hoặc vô nghĩa nếu tôi không được gặp một số người thầy đáng kính. Và tôi nhắc tới các thầy từ Nguyễn Hồng Phong, Trần Đình Hượu, Từ Chi, Đoàn Văn Chúc, Nguyễn Văn Nghĩa, Trần Quốc Vượng, Quang Đạm, Minh Tri, Nguyễn Duy Hinh, Hoài Lam,… đến Phan Ngọc, Hà Văn Tấn, Tô Ngọc Thanh, Tô Duy Hợp, Hoàng Vinh…

Đó là những người thầy tôi được ngồi dưới nghe giảng. Đó cũng là những người thầy mà một thời ở Hà Nội, hễ biết các ông giảng ở đâu là học trò lại báo tin cho nhau cùng đến nghe.

Ảnh minh họa.

Rồi nữa là các thầy mà tôi chỉ được biết qua sách vở như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Tài Thư, Văn Tâm…

Tuy nhiên, nếu bây giờ ai đó bất chợt hỏi chức danh, học vị của các thầy là gì, có lẽ với nhiều thầy, tôi phải tra cứu sách vở, còn thì tôi chỉ biết đại khái các thầy là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (phó tiến sĩ trước đây), thậm chí chỉ là cử nhân, tú tài.

Chẳng hạn thầy Đoàn Văn Chúc - một trong số ít thầy đã in đậm dấu ấn trong tâm trí tôi, vì thầy như là người đầu tiên chỉ bảo cho tôi biết nếu thật sự muốn lao động tri thức thì cần học hỏi, suy nghĩ ra sao.

Hơn 30 năm qua rồi, tôi vẫn nhớ người thầy vóc hạc, đôi mắt sáng, nụ cười hóm hỉnh, ngồi trò chuyện với chú lính là tôi mới từ biên giới về Hà Nội để thực hiện ước mơ đèn sách.

Các cuộc trò chuyện như thế diễn ra trong ngôi nhà nhỏ xếp đầy sách vở ven đê sông Hồng, mỗi lần nước sông dâng cao thầy lại cùng gia đình tay xách nách mang lên dựng lều trên mặt đê, hoặc tá túc nhà anh em, bạn bè trong phố.

Có lần nghe tin lũ sông Hồng, tan học là bọn tôi rủ nhau đến nhà thầy xem thế nào.

Mưa như trút nước, đến nơi lại thấy thầy đang ngồi chấm bài trong cái lều tạm bợ, ni-lông lợp mái lều bay phần phật. Bọn tôi tỏ ý lo lắng, thầy bảo: “Có gì đâu, tớ quen rồi”! Không chỉ lớp tôi, mà sinh viên khoa Văn hóa quần chúng và sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội hồi ấy ai đã nghe thầy giảng đều rất kính trọng và quý mến thầy.

Tài năng, sự uyên bác, tâm huyết, tình cảm, gần gũi của thầy thu hút chúng tôi.

Thế nên khi nghe tin nhà trường cấp bằng Cử nhân đặc cách cho Thầy, chúng tôi ngớ người, lúc đó mới biết lâu nay thầy đứng trên bục giảng trường đại học với tấm bằng Tú tài thời Pháp.

Song người thầy được cấp bằng cử nhân trước khi nghỉ hưu ấy lại có một sự nghiệp rất ngưỡng mộ, ai quan tâm đến đánh giá của tôi, hãy tìm đọc hai cuốn sách Văn hóa học và Xã hội học văn hóa do học trò sưu tầm, xuất bản sau khi thầy qua đời là có thể kiểm chứng tôi đã đánh giá đúng hay sai.

Một điều thú vị là những người thầy đáng kính ấy rất khiêm nhường. Như thầy Từ Chi, một lần nghe tôi hỏi về năm tháng thầy cặm cụi đạp xe từ Hà Nội lên Hòa Bình để nghiên cứu văn hóa Mường, thầy chỉ trả lời: “Hồi ấy ai chẳng đạp xe!”.

Để rồi từ tài năng, sự say mê, không ngại khó khăn, vất vả của thầy mà tôi mới được đọc Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ Bắc bộ, Người Mường ở Hòa Bình, Hoa văn Mường.

Không biết thực hư ra sao, nhưng tôi nghe bạn bè kể sau khi thầy được trao chức danh Phó Giáo sư, học trò đến chúc mừng, thầy cười bảo: “Phó Giáo sư gì tôi!”?

Thú vị hơn, có một tỷ lệ khá cao trong các giáo sư, phó giáo sư được xét trao mấy đợt đầu tiên là cử nhân, tú tài. Các Giáo sư Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê là người như vậy, còn GS Nguyễn Hồng Phong, PGS Phan Ngọc,… là tú tài.

Đó chính là điều buộc tôi phải suy nghĩ trả lời câu hỏi: Vì sao những con người với bằng cấp như vậy lại có thể làm nên sự nghiệp khoa học không phải ai cũng có được?

Và đến nay, tôi chỉ trả lời được rằng, cùng với tài năng, thì tâm huyết, nỗ lực thực học, thực làm của các thầy là các yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Rồi tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến một số thầy đã ra đi trước khi thành tựu khoa học được khẳng định một cách rộng rãi.

Viết đến đây, tôi nhớ tới một số tác giả giắt lưng tấm bằng cử nhân, song lại có công trình nghiên cứu thực sự đáng nể, như cử nhân Cao Tự Thanh với chuyên luận Văn học Đàng Trong trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lý luận và lịch sử (Trần Ngọc Vương - chủ biên, NXB Giáo dục, H.2007), hay bản dịch Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên (NXB Văn hóa-Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh năm 2011).

Nhân đây tôi muốn nhắc tới hai cuốn sách Trầu cau - Việt điện thư (NXB Khoa học Xã hội - tái bản lần thứ 3, H.2009), Trầu cau - Nguyên nhất thư (NXB Văn hóa -Thông tin, H.2009) của Nguyễn Ngọc Chương - cán bộ Vụ Bảo tồn - Bảo tàng (Bộ Văn hóa trước đây).

Như tác giả tâm sự trong Trầu cau-Việt điện thư thì: “Trầu cau đối với người Việt Nam, vẻ ngoài như thanh thoảng, nhưng bên trong thật là trọng đại.

Cuốn sách này đề cập đến nguyên mẫu Trầu cau, kể như tín hiệu ước lệ muôn một của dân tộc Việt Nam và toàn cõi Nam Á, một khoảng trời rộng lớn của nhân loại.

Phân tích nguyên mẫu, tổng hợp nguyên mẫu Trầu cau, chúng ta sẽ lần ra cái bí ẩn dân tộc, con người, vì đó là nơi tàng trữ một cách tiềm ẩn của tinh thần dân tộc.

Từ cái nguyên nhất, có một, thiết yếu ấy mà có tâm hồn dân tộc, tâm hồn ấy mới củng cố đất nước, xây dựng Tổ quốc, sản sinh ra các tinh hoa dân tộc”.

Tôi nghĩ, dẫu công trình có là giả thuyết khoa học thì kiến thức sâu rộng được ông khái quát, trình bày trong hai cuốn sách này xứng đáng để những ai quen nghiên cứu theo lối “ăn theo nói leo” phải xem xét lại mình.

Rồi nữa là hai cuốn sách Số phận các nền văn minh và thế giới ngày nay (NXB Thanh niên, H.2007), Xung đột văn hóa và đấu tranh văn hóa (NXB Văn hóa-Thông tin, H.2012) của Nguyễn Chí Tình - nguyên cán bộ Viện thông tin Khoa học xã hội.

Gần 2000 trang sách khổ to cho thấy vị cử nhân này đã tiếp cận một vấn đề rất lớn của thời đại, đưa ra ý kiến riêng dựa trên nền tảng một tư duy sắc sảo, tri thức sâu rộng.

Khả năng nắm vững các ngôn ngữ Anh - Pháp - Nga - Trung giúp ông có cơ hội tiếp xúc, thâu nhận và xử lý nhiều nguồn thông tin, tài liệu khác nhau để có một cái nhìn toàn cảnh từ phạm vi nhân loại.

Điều đáng nói là ông bỏ túi tiền để xuất bản hai cuốn sách và tôi cũng không rõ đến nay, những nhà nghiên cứu với chức danh, học vị đầy mình vẫn xuất hiện tại các hội nghị, hội thảo, trên phương tiện truyền thông để nói những điều to tát về văn hóa Việt Nam, văn hóa thời đại,… đã biết tới và tham khảo hai cuốn sách này chưa?

Kể những điều như trên, tôi không nhắm tới mục đích cổ vũ cho xu hướng ra đời nhà nghiên cứu chỉ với tấm bằng cử nhân, bởi sự học là vô cùng và trong xã hội hiện đại thì bằng cấp là khẳng định, là một yếu tố quan trọng với sự phát triển mỗi người.

Điều tôi muốn hướng đến là thực học và thực làm, vì tôi luôn nghĩ chỉ có thực học, thực làm thì cá nhân mới có cơ hội khẳng định giá trị của bản thân, đóng góp với cộng đồng, tất nhiên lợi ích chính đáng từ lao động chính đáng cũng từ đó mà ra.

Nên tôi thấy có điều gì đó không bình thường khi tới đầu năm 2018 này, chuyện công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tiếp tục trở lại và làm xôn xao dư luận.

Hẳn vì là người có thói quen xem xét vấn đề theo xu hướng thực chứng nên bên các tiêu chuẩn như đã quy định, tôi còn quan tâm đến ý nghĩa tích cực từ lao động trí tuệ của các giáo sư, phó giáo sư.

Dù thế nào thì giá trị nghề nghiệp - xã hội của người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư vẫn cứ phải được thể hiện qua trình độ giảng dạy, năng lực nghiên cứu.

Trên thực tế, số giờ giảng dạy ở bậc đại học, hướng dẫn luận án, luận văn, đồ án hoặc khóa luận, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, có khả năng giao tiếp về chuyên môn bằng tiếng Anh, có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu,… dù quan trọng vẫn chưa phản ánh đầy đủ năng lực thực sự của một giáo sư hoặc phó giáo sư.

Và khi các chức danh này lại được ai đó coi là “cơ sở tiến thân” thì tiêu cực sẽ là điều rất khó tránh khỏi.

Nghe giảng, tham dự hội thảo, tọa đàm, đọc sách vở để học hỏi đã nhiều, gần đây tôi rút ra một kết luận khá thú vị là: hễ thấy giáo sư, phó giáo sư nào đứng trước cử tọa mà tự giới thiệu (chính xác hơn là khoe) “tôi mới công bố bài này, tôi có công trình kia, tôi tham gia công trình nọ, anh chị cần tìm đọc cuốn sách A của tôi, tôi từng dạy anh X, chị Y mới gọi điện kể rất thích bài của thầy” (mà X, Y đều là quan chức lớn đương nhiệm), rồi cố gắng nghe họ nói hoặc đọc bài báo, sách vở của họ thì thường là bài giảng rất nhạt, và bài viết, công trình, cuốn sách còn nhạt hơn, hầu như chẳng thâu nhận được gì; còn vị nào vừa tiếp xúc đã tự giới thiệu mình có chức danh, học vị gì thì tốt nhất là nên tránh, vì rất dễ phải nghe một số điều chẳng đâu vào đâu!

Gặp phải mấy vị như vậy tôi lại nghĩ xưa kia tiền nhân tổng kết “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” là có cơ sở. Không có điều kiện và lại ít nhiều lười nhác nên tôi không cố gắng học hành để có tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ như nhiều bạn bè, đồng nghiệp, dẫu thế tôi vẫn phải cảm ơn những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tôi đã từng theo học hoặc đọc sách vở của họ để biết thế nào là trau dồi tri thức, thế nào là làm việc nghiêm túc.

Và tôi ao ước giáo dục, khoa học nước nhà ngày càng nhiều hơn các giáo sư, phó giáo sư như những người thầy mà tôi kính trọng.

NH - 3/2018

Nguyễn Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tam-huyet-thuc-hoc-va-thuc-lam-tintuc398868